Công chức không hoàn thành nhiệm vụ 2 năm sẽ thôi việc

Điều đó được thể hiện trong Nghị định 46/2010/NĐ-CP quy định về thôi việc và thủ tục nghỉ hưu đối với công chức mới được Chính phủ ban hành ngày 27/4/2010. Đây cũng là Nghị định thứ 4 của Chính phủ kể từ đầu năm đến nay quy định những vấn đề liên quan đến công chức nhằm thực thi Luật Cán bộ, Công chức (có hiệu lực từ ngày 1/1/2010), gồm: Nghị định 18/2010/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng công chức; Nghị định 21/2010/NĐ-CP về quản lý biên chế công chức; Nghị định 24/2010/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức.


Có 2 trường hợp được hưởng chế độ thôi việc. Đó là trường hợp thôi việc theo nguyện vọng và được cơ quan, tổ chức, đơn vị (CQ-TC-ĐV) có thẩm quyền đồng ý. Trường hợp thứ 2 là do công chức có 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ theo quy định của Luật Cán bộ, Công chức.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có kết quả phân loại đánh giá công chức, CQ-TC-ĐV có thẩm quyền thông báo bằng văn bản đến công chức về việc giải quyết thôi việc. Sau đó, trong thời hạn 30 ngày từ ngày có thông báo bằng văn bản, CQ-TC-ĐV sẽ ra quyết định thôi việc.  

Trong trường hợp thôi việc theo nguyện vọng, công chức phải làm đơn gửi CQ-TC-ĐV có thẩm quyền. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đơn, nếu đồng ý cho công chức thôi việc thì cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền ra quyết định thôi việc bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Tuy nhiên, Nghị định quy định có 4 lý do không giải quyết thôi việc khi công chức: Đang trong thời gian thực hiện việc luân chuyển, biệt phái, đang bị xem xét kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; chưa phục vụ đủ thời gian theo cam kết với CQ-TC-ĐV khi được xét tuyển; chưa hoàn thành việc thanh toán các khoản tiền, tài sản thuộc trách nhiệm của cá nhân đối với CQ-TC-ĐV; hoặc do yêu cầu công tác của CQ-TC-ĐV hay chưa bố trí được người thay thế thì công chức cũng chưa được giải quyết chế độ thôi việc.

Khi công chức thôi việc sẽ được hưởng trợ cấp thôi việc và được quy định cụ thể trong Nghị quyết: Cứ mối năm thôi việc được tính bằng một phần hai (1/2) tháng lương hiện hưởng bao gồm cả mức lương theo ngạch bậc, các phụ cấp và hệ số chênh lệch bảo lưu lương. Mức trợ cấp thấp nhất sẽ bằng 1 tháng lương hiện hưởng. Các vấn đề về thời gian làm việc được tính trợ cấp thôi việc, nguồn kinh phí chi trả trợ cấp thôi việc cũng được quy định chi tiết, rõ ràng trong Nghị quyết.

Nghị quyết còn quy định rõ về vấn đề nghỉ hưu, bao gồm các vấn đề: thời điểm nghỉ hưu, một số trường hợp phải lùi thời điểm nghỉ hưu, thông báo nghỉ hưu, quyết định nghỉ hưu. Trong đó, thời điểm nghỉ hưu là ngày 1 của tháng liền kề sau tháng mà công chức đủ tuổi nghỉ hưu theo đúng quy định. Trong trường hợp hồ sơ của công chức không ghi rõ ngày, tháng sinh thì thời điểm nghỉ hưu là ngày 1/1 của năm liền kề sau năm công chức đủ tuổi nghỉ hưu.

Nghị định này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2010 và thay thế cho các Nghị định 54/2005/NĐ-CP về chế độ thôi việc, chế độ bồi thường chi phí đào tạođối với cán bộ, công chức; Nghị định 143/2007/NĐ-CP quy định về thủ tục thực hiện nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức đủ điều kiện nghỉ hưu.

Ngọc Khánh

Ảnh trong bài
  • Công chức không hoàn thành nhiệm vụ 2 năm sẽ thôi việc