Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại trụ sở Bộ VHTTDL và trực tuyến đến các điểm cầu ở các tỉnh, thành trên cả nước nhằm lấy ý kiến góp ý cho Đề án “Quốc tế hóa văn hóa Việt Nam và Việt Nam hóa văn hóa quốc tế”

Phó Cục trưởng Cục TDTT Việt Nam Nguyễn Hồng Minh dự Hội thảo tại điểm cầu Bộ VHTTDL
Dự Hội thảo tại điểm cầu Bộ VHTTDL có Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng thường trực Bộ VHTTDL Lê Hải Bình, lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ, các chuyên gia, nhà khoa học. Tại điểm cầu các địa phương có sự tham dự của lãnh đạo UBND tỉnh; lãnh đạo Sở VHTTDL; Sở Văn hóa, thể thao; Sở Du lịch các địa phương.
Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ VHTTDL được Bộ Chính trị giao phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, trình Đề án "Quốc tế hóa văn hóa Việt Nam và Việt Nam hóa văn hóa quốc tế". Đây là một nhiệm vụ vinh quang những cũng rất khó khăn.
Theo Bộ trưởng, để xây dựng được một Đề án xứng tầm trình Bộ Chính trị, làm cơ sở để tổ chức thực hiện và cụ thể hóa Nghị quyết 59-NQ/TW về "Hội nhập quốc tế trong tình hình mới" không phải vấn đề đơn giản. Chính vì vậy, thời gian qua, bằng bước đi và việc làm thận trọng, Bộ VHTTDL đã giao cho các đơn vị của Bộ tích cực nghiên cứu, xây dựng đề cương, tổ chức hội thảo các cấp để tập hợp ý kiến đóng góp giúp Bộ xây dựng Đề án.
Vì Hội thảo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh tiến trình hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng trên các lĩnh vực, trong đó có văn hóa, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các cơ quan quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học, những người quan tâm đến văn hóa để làm rõ thành tố, nội hàm "Quốc tế hóa văn hóa Việt Nam và Việt Nam hóa văn hóa quốc tế" là gì? biểu hiện, hình thức thể hiện ra sao? cách tiếp cận như thế nào? để đề xuất những giải pháp về cơ chế chính sách, nguồn lực, con người...
Tại Hội thảo, các nhà khoa học, đại diện các bộ, ngành Trung ương và các địa phương đã tham luận nhiều nội dung quan trọng như: định hướng phát triển văn hóa nghệ thuật Việt Nam trong kỷ nguyên mới của dân tộc; chủ trương, đường lối của Đảng và một số định hướng về phát triển công tác quốc tế hóa văn hóa Việt Nam và Việt Nam hóa văn hóa quốc tế; vai trò của văn hóa, các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo là động lực đối với sự phát triển bền vững của đất nước; vai trò của ngoại giao văn hóa đối với quá trình quốc tế hóa văn hóa Việt Nam và Việt Nam hóa văn hóa quốc tế; sáng kiến, giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong quá trình phát triển văn hóa Việt Nam vươn tầm quốc tế...
Cùng với đó trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất những ý tưởng, giải pháp sáng tạo nhằm đánh giá thực trạng và nhận diện cơ hội, thách thức trong quá trình hội nhập quốc tế về văn hóa Việt Nam hiện nay; làm sâu sắc thêm nhận thức về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của văn hóa Việt Nam đối với nền văn minh của nhân loại - vừa là cầu nối hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới trong bối cảnh công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay. Đồng thời khẳng định giá trị quan trọng của quốc tế hóa văn hóa Việt Nam và Việt Nam hóa văn hóa quốc tế luôn song hành, bổ trợ tích cực cho nhau, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, góp phần quan trọng vào sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tăng cường sức mạnh mềm, vị thế đất nước trên trường quốc tế, tạo dựng môi trường hoà bình, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, hiện thực hóa khát vọng vươn mình của Việt Nam trong kỷ nguyên mới.

Hội thảo toàn quốc về Đề án "Quốc tế hóa văn hóa Việt Nam và Việt Nam hóa văn hóa quốc tế" diễn ra chiều 22/5
Đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, sâu sắc và có tính thực tiễn cao từ các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định những đóng góp này sẽ là nguồn tư liệu quý báu để Bộ VHTTDL nghiên cứu, tiếp thu hướng tới hoàn thiện nội dung Đề án “Quốc tế hóa văn hóa Việt Nam và Việt Nam hóa văn hóa quốc tế”. Từ đó tham mưu xây dựng lộ trình, giải pháp thực hiện Đề án một cách đồng bộ, hiệu quả, sát thực tiễn.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh rằng để triển khai hiệu quả Đề án cần sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, đặc biệt là sự chủ động, sáng tạo của các địa phương, đơn vị, tổ chức văn hóa, nghệ thuật và đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng kỳ vọng với quyết tâm chính trị cao, tư duy đổi mới và sự đồng hành của các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, Đề án sẽ góp phần đưa văn hóa Việt Nam vươn xa, khẳng định vị thế của đất nước trên trường quốc tế, đồng thời lan tỏa giá trị văn hóa nhân loại vào đời sống văn hóa Việt Nam một cách hài hòa, bền vững.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị và Đảng ủy Chính phủ, Đảng ủy Bộ VHTTDL đã xây dựng Đề án “Quốc tế hóa văn hóa Việt Nam và Việt Nam hóa văn hóa quốc tế”.
Đề án bao gồm 6 phần chính: Cơ sở xây dựng đề án; Bối cảnh, cơ hội và thách thức; Quan điểm, mục tiêu và nhiệm vụ quốc tế hóa văn hóa Việt Nam và Việt Nam hóa văn hóa quốc tế đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2024; Các giải pháp; Tổ chức thực hiện.
Đề án "Quốc tế hóa văn hóa Việt Nam và Việt Nam hóa văn hóa quốc tế" nhằm hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh và hạnh phúc, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; để văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh phát triển đất nước nhanh và bền vững; nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế. Qua đó, góp phần tích cực giúp Việt Nam thể hiện vai trò, vị trí quan trọng trong nền văn minh của nhân loại.
Đề án cũng đặt kỳ vọng sẽ chiếm lĩnh đỉnh cao mới trong sáng tạo nghệ thuật, tạo ra các tác phẩm đẳng cấp thế giới; hình thành các sản phẩm, thương hiệu văn hóa có chất lượng và năng lực cạnh tranh toàn cầu, tiếp cận thị trường quốc tế, xuất khẩu hàng hoá, dịch vụ văn hóa ra nước ngoài. Đồng thời, xây dựng Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của các sự kiện văn hóa, nghệ thuật tầm cỡ quốc tế; xây dựng văn hóa số phù hợp với kinh tế số, xã hội số và công dân số…
|
A.T, ảnh Văn Duy