Đẩy mạnh ứng dụng KHCN trong công tác huấn luyện và đào tạo VĐV
Trong những năm qua, thành tích của thể thao Việt Nam không ngừng được nâng cao trên đấu trường quốc tế nhờ có sự đóng góp rất lớn từ KHCN. Việc đẩy mạnh ứng dụng KHCN trong công tác huấn luyện, đào tạo VĐV thành tích cao luôn được quan tâm, chú trọng.

Áp dụng KHCN sẽ được đẩy mạnh hơn nữa trong công tác đào tạo VĐV đỉnh cao trong thời gian tới
Trong năm 2024, ngành TDTT đã có buổi làm việc với đại diện Đại sứ quán Pháp và trường Đại học Nantes khi họ có nhã ý giúp đỡ và đồng hành cùng thể thao đỉnh cao Việt Nam khi cung cấp một số các giải pháp phần mềm phân tích dữ liệu VĐV đã, đang được áp dụng, triển khai hiệu quả ở nhiều môn thể thao tại nhiều nước ở châu Âu. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, phần mềm này có tính năng vô cùng hữu ích liên quan đến công tác huấn luyện, quản lý, đào tạo VĐV, giúp họ tăng cường thể lực, nâng cao thành tích trong tập luyện và thi đấu. Tính nổi trội của phần mềm này khi đưa vào sử dụng là sẽ tạo được sự kết nối giữa HLV với VĐV, giúp nắm bắt nhanh nhất, rõ ràng, kịp thời về các chỉ số sức khỏe, tình trạng chấn thương, thông số kỹ thuật, kết quả trong tập luyện, thi đấu của từng VĐV.
Tuy nhiên, để KHCN trở nên thiết yếu, tạo ra động lực nâng tầm, nâng cao thành tích hơn nữa cho thể thao Việt Nam thì rất cần một kế hoạch dài hơi và bài bản. Chính vì vậy, yêu cầu đặt ra đó là cần phải “Đổi mới công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học trong thể thao thành tích cao". Đây cũng là nội dung được đề cập trong "Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic, ASIAD giai đoạn 2026 -2046" do Cục TDTT Việt Nam phối hợp chủ trì xây dựng.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đại Dương - Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học TDTT Bắc Ninh: để phát triển Thể thao thành tích cao, cần có những giải pháp đồng bộ, đẩy mạnh áp dụng thành tựu của cách mạng công nghệ từ công tác đào tạo VĐV đến thi đấu, tổ chức các giải đấu quan trọng ở trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, tại Việt Nam, để bắt kịp với xu thế phát triển của các nền thể thao hiện đại thì việc cấp thiết phải xây dựng kế hoạch ứng dụng CNTT trong công tác quản lý đối với VĐV, HLV, quá trình huấn luyện và thi đấu. Trong đó, chú trọng xây dựng kế hoạch triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), y học thể thao trong công tác tuyển chọn VĐV, đào tạo tài năng, huấn luyện VĐV cấp cao, tổ chức các giải đấu cấp quốc gia và quốc tế, tập trung ưu tiên cho lực lượng VĐV trọng điểm trong giai đoạn 2026 - 2030.
Cũng theo ông Nguyễn Đại Dương, ngành TDTT cần tập trung đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng cơ sở dữ liệu liên kết trao đổi dữ liệu thông tin giữa các Trung tâm HLTT quốc gia với các cơ sở nghiên cứu đào tạo và các Trung tâm đào tạo VĐV các tỉnh, thành, ngành gắn kết đào tạo, nghiên cứu khoa học và huấn luyện VĐV. Bên cạnh đó, nên tính toán thật kỹ giải pháp thành lập các phòng huấn luyện ứng dụng công nghệ cao tại các Trung tâm HLTT quốc gia phục vụ tập luyện của VĐV, kết hợp một số phần mềm phân tích đánh giá trình độ kỹ thuật, trình độ thể lực trạng thái tâm lý... và nếu có thể thực hiện được thì nên phân cấp và chia nhóm đầu tư cùng phối hợp từ các cấp cơ sở đào tạo (có thể là ngay từ địa phương, đơn vị, Trung tâm HLTT cấp quốc gia…) nhằm giúp cho công tác đào tạo VĐV có được kết quả tốt nhất.
Nhiều giải pháp sẽ được triển khai
Theo chia sẻ của ông Hoàng Quốc Vinh – Trưởng phòng Thể thao thành tích cao, Cục Thể dục Thể thao Việt Nam: Thể thao Việt Nam cũng đã xác định một trong những giải pháp quan trọng nhằm cải thiện, nâng cao thành tích thi đấu cho các VĐV là việc ứng dụng KHCN.
Trong thời gian tới ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc áp dụng CNTT trong công tác quản lý huấn luyện, quản lý thi đấu đối với VĐV, trong đó ưu tiên cho việc triển khai sử dụng phần mềm quản lý HLV, VĐV trước mắt là tại các Trung tâm HLTT quốc gia, làm cơ sở triển khai đến các địa phương; bố trí nhân lực cho hoạt động ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ trong huấn luyện, đào tạo VĐV ở mỗi trung tâm để phát huy tác dụng của cơ sở vật chất hiện có.
Cùng với đó là việc sử dụng các thiết bị tập bổ trợ nâng cao năng lực cho VĐV, sử dụng hệ thống KHCN hiện đại trong mô phỏng, phân tích và đánh giá các kỹ thuật nhằm điều chỉnh và phát huy những mặt mạnh về kỹ thuật của VĐV. Từ đó, đưa ra các giải pháp tối ưu nâng cao trình độ kỹ thuật cho VĐV. Với các đội tuyển trọng điểm, quá trình huấn luyện cần có sự theo dõi của đội ngũ y, bác sĩ thể thao để đảm bảo các yêu cầu về dinh dưỡng, hồi phục và tâm lý thể thao, là nền tảng cho việc nâng cao trình độ chuyên môn.

Áp dụng các công nghệ cao trong đào tạo, huấn luyện VĐV từ cấp cơ sở được ngành TDTT coi trọng, phối hợp triển khai trong thời gian tới
Đặc biệt, trong năm 2025 ngành TDTT dự kiến sẽ triển khai ngay ứng dụng KHCN, chuyển đổi số, AI trong đào tạo, huấn luyện VĐV với một số môn thể thao. Hiện nay, Cục Thể dục thể thao Việt Nam đang tiếp tục chỉ đạo các bộ môn phối hợp với các Liên đoàn, Hiệp hội, các ngành Công an, Quân đội để rà soát lực lượng VĐV, đặc biệt là các VĐV trẻ, nhất là VĐV ở các môn, nội dung trọng điểm để tập trung đầu tư cho các đấu trường lớn. Ngành TDTT đang tính toán, cân nhắc việc phối hợp cùng Đại sứ quán Pháp và trường Đại học Nantes cũng như các đơn vị liên quan để có thể đưa phần mềm phân tích dữ liệu VĐV này vào áp dụng thực tiễn tại Việt Nam (từ tuyến cơ sở đến tuyển quốc gia) trong thời gian sớm nhất.
Để đẩy mạnh ứng dụng KHCN trong công tác huấn luyện và đào tạo VĐV thể thao thành tích cao, dự thảo Chương trình phát các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic, ASIAD giai đoạn 2026 -2046" cũng nêu rõ: trong thời gian tới ngành TDTT Việt Nam đã xác định ưu tiên bố trí nguồn lực ngân sách kết hợp với các nguồn lực xã hội nhằm đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KHCN, y học thể thao trong công tác tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện VĐV thành tích cao; phòng, chống sử dụng Doping trong hoạt động thể thao; chữa trị, phòng ngừa chấn thương, phục hồi chức năng; kiểm tra, đánh giá thể chất và hướng dẫn phương pháp tập luyện, dinh dưỡng đúng cách cho người tập luyện thể thao.
B.K, Ảnh: Sưutầm