Ngay đầu Hội nghị, Giáo sư, Tiến sỹ Yoshinori OKADE đã giới thiệu tổng quan về Dự án, Chương trình hoạt động của ASEAN Nhật Bản cùng những kết quả đã đạt được trong năm 2024. Qua đó, đưa ra kế hoạch phát triển chương trình đào tạo giáo viên giáo dục thể chất một cách toàn diện theo tiêu chuẩn ASEAN trong giai đoạn 2025 – 2027.
Theo Giáo sư, mục tiêu chính của Dự án sẽ xuyên suốt qua các năm nhằm bàn thảo về việc thúc đẩy phát triển, nâng cao trình độ cho giáo viên thể chất (PETE) và thể thao cho người khuyết tật (PSD). Chính vì vậy, việc đưa ra các tiêu chuẩn đào tạo giáo viên giáo dục thể chất đạt chất lượng một cách toàn diện có ý nghĩa rất lớn trong việc thúc đẩy phát triển thể thao trường học tại các quốc gia trong khu vực ĐNÁ. Để luận giải về những ý nghĩa tích cực mà dự án mang lại, Giáo sư, Tiến sỹ Yoshinori OKADE đã đưa ra nhiều câu hỏi để các đại biểu tham dự Hội nghị cùng bàn luận và đề xuất các giải pháp triển khai hiệu quả hơn trong thời gian tới. Cụ thể, các chủ đề nêu ra như: Năng lực, kiến thức và kỹ năng chuẩn đối với giáo viên giáo dục thể chất trước khi vào giảng dạy thực tiễn? Làm thế nào để phát triển các tiêu chuẩn PETE ASEASN toàn diện?...

Hội nghị có sự tham gia của nhiều đại biểu quốc tế đến từ Nhật Bản và các nước ĐNÁ
Trong phần thuyết trình tổng quan về Dự án, Chương trình ASEAN Nhật Bản, Giáo sư, Tiến sỹ Yoshinori OKADE đặc biệt nhấn mạnh vào 6 tiêu chuẩn quốc gia về đào tạo giáo viên giáo dục thể chất (từ thời điểm ban đầu triển khai dự án năm 2017). Cụ thể:
tiêu chuẩn 1: tập trung vào các kiến thức cơ bản, giáo viên giáo dục thể chất phải nắm bắt, hiểu biết về nền tảng khoa học và lý thuyết về những kiến thức chung và chuyên ngành riêng biệt trong công tác giáo dục thể chất đạt chuẩn từ cấp mẫu giáo đến lớp 12.
Tiêu chuẩn 2: bàn về sự khéo léo và sức khỏe của các giáo viên giáo dục thể chất. Cụ thể, những yếu tố thể lực phải được đảm bảo tốt thông qua các kỹ năng vận động cơ bản; khả năng khéo léo của mình trong các hoạt động vận động thể thao (ví dụ: trò chơi và thể thao, thể thao dưới nước, khiêu vũ và hoạt động nhịp điệu, hoạt động thể dục, hoạt động ngoài trời, hoạt động biểu diễn cá nhân…).

Đại diện Việt Nam chia sẻ về công tác giáo dục thể chất tại Việt Nam
Tiêu chuẩn 3: lập kế hoạch và thực hiện. Theo đó, những ứng viên hoạt động trong công tác giáo dục thể chất phải biết áp dụng nội dung và kiến thức cơ bản để lập kế hoạch và thực hiện các trải nghiệm học tập phù hợp với sự phát triển của địa phương, tiểu bang và/hoặc Tiêu chuẩn quốc gia và Kết quả cấp lớp của SHAPE America dành cho Giáo dục thể chất từ mẫu giáo đến lớp 12 thông qua việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực, sự điều chỉnh và/hoặc thay đổi, công nghệ và các chiến lược siêu nhận thức để giải quyết các nhu cầu đa dạng của tất cả học sinh…
Tiêu chuẩn 4: Quản lý và cung cấp hướng dẫn để mỗi giáo viên giáo dục thể chất phải tạo được sự cuốn hút từ môn học tới học sinh thông qua hoạt động trải nghiệm, kỹ năng giao tiếp bằng ngôn ngữ cũng như các ứng dụng công nghệ trong học tập nhằm nâng cao chất lượng môn học.
Tiêu chuẩn 5: Đánh giá việc học tập của học sinh. Theo đó, giáo viên giáo dục thể chất phải đưa ra lựa chọn và thực hiện các đánh giá phù hợp để theo dõi sự tiến bộ của học sinh và hướng dẫn việc đưa ra quyết định lựa chọn phương pháp học tập, môn học (môn thể thao, hoạt động thể thao) phù hợp.

Đại biểu chia sẻ tại Hội nghị
Tiêu chuẩn 6: Mỗi giáo viên giáo dục thể chất cần thể hiện tốt trình độ chuyên môn, đạo đức để trở thành những chuyên gia hướng dẫn hiệu quả cho học sinh. Cùng với đó, thường xuyên trau dồi kiến thức, nâng cao chuyên môn để có nhiều sáng kiến nhằm thúc đẩy sự phát triển của môn giáo dục thể chất…
Hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến chia sẻ của các đại biểu đại diện cho 10 quốc gia ĐNÁ (trừ Timor-Leste). Đại diện chủ nhà Việt Nam đến từ Bộ giáo dục & Đào tạo cho hay: Công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học từ nhiều năm qua tại Việt Nam luôn được chú trọng, quan tâm. Đối với công tác giáo dục thể chất, từng năm Bộ Giáo dục & Đào tạo đều phối hợp với đơn vị chuyên môn là ngành TDTT Việt Nam tổ chức các chương trình tập huấn cho giáo viên chuyên trách môn giáo dục thể chất tại các trường học từ cấp mầm non đến PTTH đảm bảo đạt chuẩn. Chương trình tập huấn này được tổ chức hàng năm trải đều trên khắp 63 tỉnh, thành trên cả nước, từ đó giúp cho giáo viên thể chất có thể nắm bắt kịp thời những xu thế phát triển, kiến thức giảng dạy mới, hữu ích phù hợp với xu thế, tạo sự cuốn hút cho học sinh.
Bên cạnh đó, việc tổ chức các giải đấu, sự kiện thể thao nằm trong khuôn khổ hoạt động thể thao trường học, Bộ Giáo dục & Đào tạo Việt Nam luôn phối hợp chặt chẽ với ngành TDTT, các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia để có những tư vấn, hướng dẫn chuyên môn đạt chất lượng cao nhất. Bên cạnh đó, Việt Nam tích cực vận động các nguồn kinh phí xã hội hóa để tổ chức thành công các sự kiện thể thao học đường mang cấp độ quốc gia và quốc tế...
Ngoài chủ nhà Việt Nam, Hội nghị còn có những ý kiến đóng góp đáng lưu tâm đến từ nước bạn Campuchia. Theo đại biểu đại diện quốc gia này: Những số liệu tổng hợp của Chương trình ASEAN Nhật Bản được trình bày trong báo cáo tại Hội nghị cho thấy công tác giáo dục toàn diện cho giáo viên giáo dục thể chất tại các Quốc gia ĐNÁ đang có sự gia tăng chất lượng đáng ghi nhận. Tại Campuchia năm qua đã tổ chức, triển khai chương trình đào tạo giáo viên giáo dục thể chất thông qua Viện giáo dục thể chất Quốc gia. Chương trình này thu hút khoảng 83,13% giáo viên giáo dục thể chất tham dự Hội thảo (được tổ chức dưới hình thức trực tuyến).
Những ứng viên, giáo viên giáo dục thể chất tham dự hội nghị và tham gia các chương trình tập huấn đều là những cá nhân có năng lực làm việc tốt và có sự quyết tâm, đam mê với những hoạt động liên quan đến công tác giáo dục thể chất. Chính vì vậy, hiệu quả mang lại từ các khóa tập huấn, hội nghị về chương trình này rất cao. Bên cạnh đó, Campuchia cũng thường xuyên (hàng năm) cử những giáo viên, những người hoạt động trong công tác giáo dục thể chất tham gia các khóa huấn luyện tại nước ngoài để nâng cao trình độ chuyên môn, học tập những kinh nghiệm quý giá từ các quốc gia làm tốt công tác giáo dục thể chất, thể thao trường học để triển khai và áp dụng vào thực tiễn tại Campuchia...
Hay như ý kiến đóng góp của đại biểu đại diện đất nước Brunei: Trong năm 2024, quốc gia này đã tiến hành một cuộc khảo sát tới 160 giáo viên thể dục,(bao gồm 88 trường tiểu học và 72 trường trung học). Hiện Brunei có tổng cộng 3000 giáo viên/dân số khoảng hơn 400.000 người; chưa đến 1% dân số Brunei có trình độ giáo dục thể chất. Con số này khá khiêm tốn, chính vì vậy những người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục thể chất tại đây đã thành lập một nhóm hoạt động và hàng tháng, quý, năm sẽ họp bàn với mục đích lan tỏa về những lợi ích nếu môn giáo dục thể chất trong trường học được nhân rộng hơn trong cộng đồng. Những người tham gia nhóm này chủ yếu là giáo viên giáo dục thể chất tại các trường học. Họ thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong giảng dạy với các phương pháp, bài giảng mới đạt hiệu quả cao.

Nhiều đại biểu đánh giá cao ý nghĩa mà chương trình Hội nghị mang lại
Hiện Brunei đang xây dựng kế hoạch về chương trình tập huấn của đội ngũ giáo viên giáo dục thể chất trong năm 2025 thông qua các hoạt động thực tiễn (các bài học thực hành, vận động ngoài trời…) nhằm nâng cao, đảm bảo tính toàn diện đối với chuyên môn của giáo viên giáo dục thể chất. Điều này rất ý nghĩa và hữu ích khi năm 2025 Brunei vinh dự là nước chủ nhà đăng cai Đại hội Thể thao học sinh ĐNÁ lần thứ 14. Chính vì vậy, những kiến thức, kỹ năng thu nhận được từ hội nghị ASEAN Nhật Bản lần này chắc chắn là những bài học bổ ích, kinh nghiệm quý giá giúp Brunei thực hiện tốt hơn việc phát triển Thể thao trường học nói chung, công tác giáo dục thể chất nói riêng.
Theo lịch, Hội thảo ASEAN Nhật Bản 2025 sẽ diễn ra từ ngày 24 – 27/2. Khép lại ngày làm việc đầu tiên đạt được chất lượng cao, ngày 25/2 các đại biểu tham dự Hội nghị sẽ có buổi thăm, khảo sát thực tế về công tác giáo dục thể chất tại một số trường học của Việt Nam.
N.Hương, Ảnh: V. Duy