Hoạt động thể thao biển góp phần thúc đẩy thể thao phong trào...
Trong nhiều năm qua, với sự quan tâm của các cấp chính quyền, công tác TDTT của tỉnh Khánh Hòa đã có những bước phát triển mạnh mẽ, nhất là hoạt động thể thao phong trào, thể thao trường học... Đóng góp vào sự phát triển chung của phong trào TDTT quần chúng trên địa bàn tỉnh, phải kể đến sự phát triển nhanh của hoạt động thể thao biển.
Khánh Hòa chú trọng phát triển các hoạt động TDTT biển
Phát huy lợi thế là địa phương có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, nổi bật là vịnh biển Nha Trang, ngành VHTT tỉnh đã tập trung đẩy mạnh các hoạt động thể thao biển với những hình thức tập luyện phong phú, đa dạng về nội dung, tạo sân chơi lành mạnh cho nhân dân và du khách. Các hoạt động thể thao biển đã góp phần tích cực trong phát triển kinh tế thể thao, du lịch thể thao và có đóng góp tích cực trong việc nâng cao tỷ lệ người tập luyện TDTT thường xuyên của tỉnh hàng năm.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Giám đốc Sở VHTT Khánh Hòa: năm 2024, các hoạt động, phong trào TDTT tiếp tục được duy trì, tổ chức đều đặn, tạo được sự quan tâm, sức hút đối với đông đảo các tầng lớp nhân dân, đơn vị, địa phương. Số người tập luyện thường xuyên của tỉnh đạt 38,9% dân số và 36,5% số hộ gia đình đạt gia đình thể thao.
Toàn tỉnh hiện có 520 CLB thể thao cơ sở được thành lập theo quy định với 615 CTV; có 19 Liên đoàn, Hội và CLB thể thao cấp tỉnh. Ngoài các môn thể thao phổ biến như: Bóng đá, Điền kinh, Cầu lông, Yoga, thể dục dưỡng sinh, Golf, Xe đạp thể thao,... các hoạt động thể thao biển ở Khánh Hòa phát triển đa dạng như: Lặn biển thể thao giải trí, Môtô nước trên biển, Lướt sóng, Chèo thuyền, Thuyền buồm, Ca nô kéo dù, ca nô kéo phao, flyboard, đi bộ dưới đáy biển, Câu cá thể thao, Lướt ván diều, Bóng chuyền bãi biển, Bóng đá bãi biển, Bóng ném bãi biển, Đá cầu bãi biển, Chạy việt dã trên cát, Bơi biển,…
Để đẩy mạnh phong trào TDTT quần chúng trên địa bàn tỉnh nói chung, các hoạt động thể thao biển nói riêng, hàng năm ngành VHTT tỉnh đã duy trì tổ chức các giải thể thao từ tỉnh đến cơ sở. Trong đó, thể thao biển đã trở thành hoạt động thi đấu định kỳ ở các giải trong tỉnh Khánh Hòa và quốc gia. Nhiều giải thể thao biển đã để lại ấn tượng sâu sắc đối với VĐV trong và ngoài nước như: giải Bơi biển quốc tế Oceanman tại Cam Ranh với hơn 500 VĐV đến từ nhiều quốc gia trên thế giới tham gia; giải Bơi biển SeaStar Nha Trang Bay 2024 lần thứ nhất với gần 500 VĐV trong và ngoài nước tham dự...
Cùng với đó, Khánh Hòa còn chú trọng đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho việc tổ chức các giải thể thao phong trào nói chung, các giải thể thao biển nói riêng. Trong đó phải kể đến cụm sân Bóng chuyền bãi biển và Bến Du thuyền Quốc tế được đầu tư khang trang, hiện đại đảm bảo đăng cai tổ chức các giải Bóng chuyền bãi biển và giải Thuyền buồm quốc gia, quốc tế.
Với sự quan tâm đầu tư và định hướng phát triển đúng đắn, các môn thể thao bãi biển của Khánh Hòa như: Bóng đá bãi biển, Bóng chuyền bãi biển đã khẳng định được thành tích nhất định tại các giải quốc gia. Đối với Bóng chuyền bãi biển, Khánh Hòa đã về nhất trong 3 kỳ Đại hội Thể thao toàn quốc gần đây và liên tiếp giành HCV các giải vô địch quốc gia (Đội nữ Sanvinest Khánh Hòa lần thứ 4 liên tiếp đoạt chức vô địch, đội nam 2 lần vô địch, 2 lần giành hạng nhì). Trong khi đó, đội tuyển Bóng đá bãi biển Khánh Hòa được mệnh danh là "anh cả" trong làng Bóng đá bãi biển với 6 lần lên ngôi vô địch (các năm 2009, 2012, 2013, 2014, 2018 và 2019). Ngoài ra, Futsal bãi biển cũng phát triển mạnh...
....thúc đẩy phát triển kinh tế thể thao và du lịch
Hoạt động thể thao biển không đơn thuần đem lại sức khỏe cho người tham gia tập luyện, mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế thể thao và du lịch, qua đó góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Theo thống kê, hiện Khánh Hòa có khoảng 40 doanh nghiệp tham gia tổ chức các hoạt động thể thao biển, chủ yếu là hoạt động thể thao giải trí biển. Lượng khách tham gia hoạt động thể thao giải trí biển trung bình khoảng 2000 lượt khách/ngày và mức giá mỗi dịch vụ trung bình khoảng 500.000đồng/ 01 lượt, tùy vào từng hoạt động thể thao khác nhau. Doanh thu từ dịch vụ hoạt động thể thao ước tính khoảng một tỷ đồng/ngày. Bên cạnh đó nó cũng gián tiếp phục vụ cho các hoạt động kinh tế thể thao như: sản xuất, cung cấp các dịch vụ hàng hóa, dịch vụ liên quan đến thể thao biển (trang thiết bị, sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch, marketing, việc làm, …).
Với những giá trị cũng như lợi ích to lớn từ hoạt động thể thao biển mang lại, Khánh Hòa đã không ngừng quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để phát huy tiềm năng và lợi thế về biển. Để nhằm phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng tại địa phương, trong đó đặc biệt là các hoạt động thể thao giải trí biển và thúc đẩy du lịch phát triển, Tỉnh ủy Khánh Hòa đã ban hành Kế hoạch số 206-KH/TU ngày 04/6/2024, triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW và Kết luận số 70-KL/TW của Bộ Chính trị về phát triển TDTT trong giai đoạn mới trên địa bàn tỉnh. Theo đó, mục tiêu đặt ra đó là: “Phát triển mạnh các loại hình kinh doanh, dịch vụ thể thao, đưa TDTT trở thành một ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành nhằm tạo nguồn thu đóng góp cho ngân sách và tái đầu tư phát triển sự nghiệp TDTT của tỉnh; đồng thời, thông qua các hoạt động TDTT để quảng bá hình ảnh của tỉnh Khánh Hòa đến với du khách trong và ngoài nước”.
Để có cơ sở phát triển bền vững, tỉnh Khánh Hòa đã quy hoạch Trung tâm thể thao giải trí biển và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 29/3/2023, quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Những khó khăn trong phát triển phong trào thể thao biển cần được tháo gỡ
Cùng với những kết quả đã đạt được, hoạt động thể thao biển trên địa bàn tỉnh đã và đang đối mặt với những khó khăn, thách thức. Trong đó, khó khăn nhất hiện nay chính là về cơ chế chính sách. Hiện, ngoài Lặn biển, các môn như: Chèo thuyền Kayak, Thuyền buồm, Lướt sóng... chưa có Thông tư hướng dẫn quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị và tập huấn nhân viên chuyên môn nên các cơ sở triển khai hoạt động thể thao giải trí biển và cơ quan quản lý ở địa phương gặp không ít khó khăn để xác định môn thể thao cần cấp phép để hoạt động kinh doanh.
Bên cạnh đó, hiện vẫn chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho các môn thể thao theo quy định ( Điều 14 Nghị định 36/2019/NĐ-CP của Chính phủ về Điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao của doanh nghiệp thể thao, CLB thể thao chuyên nghiệp) nên doanh nghiệp và cơ quan quản lý gặp không ít khó khăn trong quá trình triển khai và quản lý. Thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thể thao đối với doanh nghiệp kinh doanh hoạt động thể thao mạo hiểm và sản phẩm du lịch mạo hiểm vẫn còn nhiều vướng mắc, chồng chéo. Đơn cử như ở môn Lặn biển thể thao giải trí vừa là thể thao mạo hiểm, vừa là sản phẩm du lịch mạo hiểm. Để đáp ứng các điều kiện kinh doanh môn Lặn biển thể thao giải trí doanh nghiệp phải chịu 2 lần thẩm định, kiểm tra của Sở VHTT trên cùng một nội dung như: nhân viên cứu hộ, nhân viên chuyên môn, trang thiết bị theo quy định của Nghị định số 36/2029/NĐ-CP và Nghị định số 168/2018/NĐ-CP của Chính phủ, để cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thể thao và công bố trên cổng thông tin điện tử về sản phẩm du lịch mạo hiểm thì doanh nghiệp mới được phép hoạt động.
Ngoài ra, hiện vẫn chưa có quy định hoặc hướng dẫn cụ thể để xác định hoạt động nào là hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước. Do đó các cơ quan quản lý nhà nước còn gặp nhiều lúng túng; các tổ chức, cá nhân kinh doanh hoạt động vui chơi, giải trí không xác định được hoạt động mà mình đang triển khai là hoạt động thể thao hay hoạt động vui chơi, giải trí.
Bên cạnh đó, việc tập trung đầu tư phát triển các loại hình thể thao giải trí biển phần lớn kết hợp du lịch còn mang tính tự phát, thiếu sự đầu tư phát triển. Cơ sở hạ tầng phục vụ cho thể thao biển chưa được quan tâm đầu tư từ nhà nước, như: cầu phao, bến cảng, sân thể thao biển; hoạt động thể thao biển chỉ có thể diễn ra từ tháng 12 đến tháng 9, cao điểm là từ tháng 4 - 8 hàng năm. Những tháng rơi vào mùa mưa, bão phải ngừng hoạt động. Chính yếu tố thời tiết này đã gây khó khăn cho các đơn vị khai thác, kinh doanh dịch vụ thể thao biển và người chơi cũng hạn chế tham gia.
Trước những khó khăn, thách thức trên, rất cần sự chung tay của các cấp, ngành; sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh ủy, UBND tỉnh, cùng định hướng phát triển có trọng tâm, trọng điểm, hoạt động thể thao biển trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa hứa hẹn sẽ có nhiều khởi sắc. Qua đó, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong chiến lược phát triển TDTT đến năm 20230, tầm nhìn đến năm 2045.
Bài, ảnh HP