Trong suốt gần 5 thập kỷ qua, kể từ khi đất nước thống nhất, TDTT TPHCM luôn là 1 trong 2 ngọn cờ đầu của TTVN. Ông có thể đánh giá đâu là những điểm nhấn lớn nhất trên hành trình ấy?
Như chúng ta đã biết, ngay sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng vào ngày 30/4/1975, trong bề bộn công việc ổn định xã hội, phát triển kinh tế, tổ chức bộ máy chính quyền, nhưng lãnh đạo Thành phố lúc đó vẫn không quên tầm quan trọng của thể dục thể thao, nhất là đào tạo bồi dưỡng những tài năng thể thao cho thành phố. Từ đó, lãnh đạo thành phố không những ngay lập tức bắt tay vào công cuộc xây dựng và phát triển Thành phố ở các lĩnh vực từ kinh tế xã hội, cho đến công tác TDTT.
Trong suốt 5 thập kỷ qua, có thể kể đến những điểm nhấn lớn trên hành trình ấy:
- Một là thành lập và phát triển ban đầu: chỉ 2 năm sau ngày thống nhất đất nước, ngày 18/4/1977, UBND TPHCM đã công bố quyết định 393/QĐ/TC thành lập Trường Nghiệp vụ TDTT, đây là trường đặc biệt, một khâu quan trọng trong hệ thống đào tạo bồi dưỡng cán bộ, HLV, VĐV TPHCM.
- Hai là nhận thức và tầm nhìn về mức độ quan trọng của TDTT của lãnh đạo Thành phố thời bấy giờ. Trong Chỉ thị số 29 của Ban thường vụ Thành ủy TPHCM ngày 24/10/1978 có nêu ngắn gọn nhưng rất xúc tích và đầy đủ “Phát hiện kịp thời những tài năng có triển vọng từ phong trào quần chúng để rèn luyện một cách có hệ thống theo phương pháp khoa học. Phấn đấu trong một thời gian tương đối ngắn, ta có một lực lượng tiêu biểu cho trình độ, tài năng TDTT của Thành phố, vừa phục tốt nhiệm vụ của địa phương, vừa góp phần vào phong trào cả nước”.
Ông Nguyễn Nam Nhân - Phó Giám đốc Sở VHTT TPHCM
Trong những năm qua để có thể trở thành một trong những lá cờ đầu của thể thao Việt Nam góp phần đưa thể thao Việt Nam hòa nhập với khu vực và thế giới, ngành TDTT TPHCM đã có những bước đi đúng hướng như sau:
1. Đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng: TDTT TPHCM đã chú trọng vào việc xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng thể thao, bao gồm các sân vận động, trung tâm huấn luyện, và các cơ sở đào tạo. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các môn thể thao và tạo ra cơ hội cho người dân tham gia vào các hoạt động thể thao.
2. Chăm sóc và đào tạo tài năng thể thao: TDTT TPHCM đã đầu tư vào việc phát hiện, nuôi dưỡng và phát triển tài năng thể thao từ các độ tuổi. Các chương trình huấn luyện chuyên sâu và hỗ trợ tài chính cho các VĐV tiềm năng đã giúp TPHCM sản sinh ra nhiều ngôi sao thể thao nổi tiếng, đóng góp cho thành công của đất nước ở các giải đấu quốc tế.
3. Tổ chức các sự kiện thể thao lớn: TDTT TPHCM thường xuyên tổ chức các sự kiện thể thao lớn, từ cấp địa phương đến quốc gia và quốc tế. Việc này giúp nâng cao uy tín của TPHCM trong cộng đồng thể thao quốc tế, đồng thời tạo điều kiện để các VĐV có cơ hội tham gia tranh tài, tích lũy kinh nghiệm và phát triển.
4. Hỗ trợ và khuyến khích người dân tham gia thể thao: TDTT TPHCM không chỉ tập trung vào việc phát triển đội ngũ VĐV chuyên nghiệp mà còn hỗ trợ và khuyến khích người dân tham gia các hoạt động thể thao. Điều này giúp nâng cao sức khỏe và tinh thần của cộng đồng, đồng thời củng cố tình đoàn kết và sự gắn kết xã hội.
Những điểm nhấn trên đã giúp TDTT TPHCM trở thành một trong những điểm sáng của TDTT Việt Nam trong suốt nhiều thập kỷ qua.
* Sau 3 lần về nhất tại Đại hội TDTT 1985-1990 và 1995, từ lần thứ 4 đến nay, thể thao TPHCM luôn xếp sau Hà Nội. Tại kỳ Đại hội tới, TPHCM có xác định mục tiêu sẽ trở lại vị trí số 1?
Bác Hồ đã dạy: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”. Thực hiện lời dạy của Bác, Ngành TDTT Thành phố không ngừng phấn đấu, hăng say tập luyện để vượt qua chính mình vì mục tiêu: “Nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn – Cùng nhau”.
Trong mỗi kỳ tham dự Đại hội TDTT toàn quốc, đội tuyển các môn thể thao của Thành phố luôn thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo để đóng góp những màn thi đấu đỉnh cao, những thành tích vượt xa mong đợi mà Lãnh đạo Thành phố giao phó vì sự phát triển chung của Thể thao Việt Nam, góp phần cung cấp cho quốc gia những VĐV xuất sắc nhất.
Trong thời gian tới, TPHCM sẽ cố gắng phát huy các thế mạnh để không ngừng tiến bộ. Chúng tôi không đặt nặng mục tiêu phải đứng đầu Đại hội Thể thao toàn quốc, thay vào đó là cố gắng phát triển đồng bộ từ thể thao phong trào tới thành tích cao; thực hiện tốt công tác xã hội hoá để thu hút các nguồn lực cho thể thao TPHCM phát triển.
* Trong vai trò chủ nhà, TPHCM đã và đang chuẩn bị như thế nào về cơ sở vật chất cho Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ X - 2026?
Ngày 21/12/2022, ngay sau lời phát biểu bế mạc Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022 tại Quảng Ninh của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Lãnh đạo và ngành TDTT Thành phố đã sẵn sàng tâm thế cho việc tổ chức Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ X năm 2026.
Tiếp sau đó, ngành TDTT Thành phố đã chủ động thành lập các đoàn công tác nhằm rà soát điều kiện đảm bảo, đặc biệt là cơ sở vật chất của các địa điểm dự kiến tổ chức các môn thể thao tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ X năm 2026. Với quan điểm chỉ đạo của Lãnh đạo Thành phố: “TPHCM vì cả nước. Cả nước vì TPHCM”, “liên kết để cùng phát triển” ngành TDTT đã làm việc với một số tỉnh, thành ở khu vực miền Đông và Tây Nam Bộ, những nơi có kết nối giao thông thuận tiện với Thành phố để thảo luận việc phối hợp cùng nhau tổ chức Đại hội.
Trên cơ sở khảo sát các địa điểm dự kiến tổ chức các môn thể thao tại Đại hội, chúng tôi đã tham mưu Thành ủy, UBND Thành phố các dự án, kế hoạch nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất chuẩn bị cho công tác tổ chức Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ X năm 2026 tại TPHCM.
Được sự quan tâm chỉ đạo của Thành ủy, UBND Thành phố, đã có 9 dự án cải tạo, sửa chữa, xây mới cơ sở vật chất TDTT phục vụ Đại hội đã được HĐND Thành phố thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 95/NQ-HĐND ngày 19/9/2023 và dự kiến khởi công trong năm 2024.
Hiện nay, Thành phố tiếp tục rà soát các công trình TDTT quận huyện phục vụ cho việc tổ chức Đại hội để tham mưu cho UBND Thành phố chỉ đạo UBND quận huyện có kế hoạch sửa chữa nâng cấp.
Đối với chủ trương liên kết vùng tổ chức Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ X năm 2026, theo dự thảo Đề án tổ chức sẽ có 5 tỉnh thành phối hợp với Thành phố tổ chức một số môn như: Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tiền Giang, Đồng Nai.
* Định hướng phát triển của TDTT TPHCM, đặc biệt là thể thao thành tích cao trong những năm tiếp theo có gì đáng chú ý, thưa ông?
Thể thao Thành phố không nằm ngoài Chiến lược phát triển thể thao của Việt Nam giai đoạn mới. Tuy nhiên, Thành phố cũng có những bước đi phù hợp với đặc thù của địa phương. Chúng tôi đã có xây dựng và được thông qua Đề án phát triển ngành TDTT đến năm 2035, trong đó chú trọng tập trung vào các vấn đề sau:
- Đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất của ngành TDTT, trong đó tập trung rà soát, phân loại, đề xuất sắp xếp, nâng cấp và liên kết khai thác các cơ sở vật chất TDTT của Thành phố, của địa phương và các ngành để sử dụng có hiệu quả.
- Xã hội hóa TDTT, trong đó tập trung huy động tất cả các nguồn lực để người dân cùng chính quyền Thành phố cùng nhau phát triển sự nghiệp TDTT.
- Tổ chức các sự kiện TDTT quốc gia và quốc tế.
- Tập trung đầu tư các môn thể thao trọng điểm, các môn thể thao Olympic và các môn thế mạnh, truyền thống của Thành phố.
- Nâng cao chất lượng hoạt động của các liên đoàn, hội thể thao sao cho hoạt động của các Liên đoàn phải thiết thực, hiệu quả, tự chủ và sáng tạo góp phần cùng Thành phố đào tạo ra những tài năng thể thao cho Thành phố và quốc gia.
- Tăng cường hợp tác quốc tế về TDTT, trong đó tập trung trao đổi về chuyên môn nghiệp vụ, đào tạo huấn luyện, hỗ trợ cơ sở vật chất, hoạt động giao lưu ở nhiều cấp độ và kêu gọi đầu tư.
- Xây dựng chính sách hỗ trợ, đào tạo nguồn nhân lực và nhân tài TDTT.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.
HỮU BÌNH (thực hiện)