Phóng viên: Xin ông cho biết, chế độ tiền lương, tiền công đối với các huấn luyện viên, vận động viên thể thao thành tích cao của Lào Cai những năm gần đây đã đáp ứng được nhu cầu tập luyện và thi đấu chưa?
Ông Đặng Thanh Tùng: Tỉnh Lào Cai đang thực hiện công tác đào tạo vận động viên thể thao thành tích cao theo 3 tuyến, gồm: Tuyến vận động viên đội tuyển cấp tỉnh; tuyến vận động viên đội tuyển trẻ cấp tỉnh; tuyến vận động viên năng khiếu cấp tỉnh. Hiện tại, chế độ tiền lương, tiền công đối với các huấn luyện viên và vận động viên thể thao thành tích cao của Lào Cai đang được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 152/2018/NĐ-CP ngày 07/11/2018 của Chính phủ quy định một số chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu, cụ thể:
- Huấn luyện viên đội tuyển cấp tỉnh: 215.000 đồng/người/ngày;
- Huấn luyện viên đội tuyển trẻ cấp tỉnh: 180.000 đồng/người/ngày;
- Huấn luyện viên đội tuyển năng khiếu cấp tỉnh: 180.000 đồng/người/ngày.
- Vận động viên đội tuyển cấp tỉnh: 180.000 đồng/người/ngày.
- Vận động viên đội tuyển trẻ ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: 75.000 đồng/người/ngày;
- Vận động viên đội tuyển năng khiếu ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: 55.000 đồng/người/ngày.
Đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong thời gian tập trung tập huấn và thi đấu được hưởng nguyên tiền lương hiện hưởng (bao gồm mức lương, phụ cấp lương nếu có) do cơ quan quản lý huấn luyện viên, vận động viên chi trả. Trường hợp mức lương bình quân theo số ngày làm việc bình thường trong tháng thấp hơn so với mức tiền lương quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều này thì cơ quan, đơn vị sử dụng huấn luyện viên, vận động viên chịu trách nhiệm chi trả một phần chênh lệch để đảm bảo bằng các mức quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều này. Mức tiền lương tính bình quân theo số ngày làm việc bình thường được xác định bằng tiền lương của tháng trước liền kề trước khi huấn luyện viên, vận động viên được triệu tập tập huấn, thi đấu chia cho 26 ngày.
Theo mức chi hiện tại, chế độ tiển lương và tiền công đối với các huấn luyện viên, vận động viên thể thao thành tích cao của Lào Cai là thấp, chưa đáp ứng được với nhu cầu tập luyện cho các vận động viên và những cống hiến của huấn luyện viên.
Ông Đặng Thanh Tùng - Trưởng phòng Quản lý Thể dục thể thao (Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Lào Cai)
Theo ông, với chế độ tiền lương, tiền công tập luyện còn thấp có ảnh hưởng đến việc tuyển chọn vận động viên và các vận động viên gắn bó lâu năm với nghề hay không?
Với chế độ tiền lương, tiền công tập luyện thấp ảnh hưởng rất lớn đến quá trình tập luyện cũng như thành tích của các vận động viên. Cơ chế tiền lương, tiền ăn thấp là điều đang khiến các vận động viên, huấn luyện viên trăn trở nhất. Do thu nhập thấp mà chủ yếu các vận động viên tập luyện với cường độ cao, lao động chân tay nặng nhọc, nhiều rủi ro nên thể thao khó thu hút phụ huynh cho con em theo tập luyện. Với các vận động viên đang tập luyện, do chế độ thấp khiến họ không có động lực lớn để phấn đấu.
Nếu thể thao không đảm bảo thu nhập thì càng ngày chúng ta càng khó tuyển chọn các lứa vận động viên kế cận và càng khó đảm bảo duy trì chế độ dinh dưỡng cho các vận động viên trong quá trình tập luyện. Điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến thành tích thi đấu của các em. Do đặc thù, thời gian cống hiến của vận động viên trong thi đấu thể thao khá ngắn ngủi, chỉ trên dưới 10 năm. Do đó, chế độ, chính sách đãi ngộ xứng đáng sẽ giúp vận động viên an tâm và thi đấu hết mình.
Xin ông cho biết, ngoài chế độ chính sách theo quy định chung, tỉnh Lào Cai đã có hỗ trợ gì đối với các vận động viên và vận động viên thi đấu đạt thành tích cao tại các giải trong nước, quốc tế trong những năm gần đây?
Cùng với sự phát triển của ngành, tỉnh cũng đã thực hiện nhiều chính sách đặc thù đối với vận động viên, huấn luyện viên, bước đầu tạo ra những tác động tích cực đến tâm tư, tình cảm của người trong cuộc. Năm 2020, tỉnh Lào Cai ban hành Nghị quyết số 37/2020/NQ-HĐND ngày 4/12/2020 quy định về mức thưởng cho các tập thể, cá nhân lập thành tích cao tại các cuộc thi quốc gia, khu vực Đông Nam Á, châu lục và quốc tế trong các lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo; Thể dục, thể thao; Khoa học Công nghệ và Kỹ thuật; Văn học nghệ thuật trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, mức thưởng đối với các vận động viên và huấn luyện viên đạt thành tích tại các giải quốc tế và giải quốc gia, khu vực được chi trả là khá cao so với các tỉnh lân cận. Cụ thể, mức chi trả của huấn luyện viên, vận động viên đạt thành tích tại các giải quốc tế như: giải vô địch Boxing trẻ và thiếu niên châu Á, vận động viên đạt huy chương bạc có mức tiền thưởng 33.750.000 đồng; với huấn luyện viên có 2 vận động viên đạt 1 huy chương bạc, 1 huy chương đồng mức tiền thưởng là 13.500.000 đồng. Mức chi trả cho vận động viên đạt huy chương vàng giải vô địch quốc gia là 18 triệu đồng và huấn luyện viên là 9 triệu đồng.
Với mức tiền thưởng mà vận động viên và huấn luyện viên được chi trả là khá thỏa đáng. Tuy nhiên, phải thừa nhận, trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều bất cập về chế độ dinh dưỡng, tiền công, tiền thưởng trong thời gian tập trung tập luyện, tập huấn và thi đấu của vận động viên. Một số vận động viên tài năng chưa yên tâm phục vụ và gắn bó lâu dài với sự nghiệp thể dục thể thao tỉnh nhà, thậm chí đã xảy ra tình trạng “chảy máu tài năng”.
Ngành Văn hóa và Thể thao Lào Cai có những kiến nghị gì về các chế độ, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, chăm sóc y tế, nhà ở, tiền lương, trợ cấp, ưu đãi khác đối với vận động viên, huấn luyện viên không, thưa ông?
Chúng ta hay nói nhiều về chính sách đãi ngộ, giữ chân nhân tài trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, công nghệ thông tin... mà hiếm khi nói đến việc chăm lo chu đáo cho nhân tài thể thao. Vận động viên thể thao có thành tích thi đấu quốc tế phải được xem là nhân tài ở lĩnh vực của họ, cần được hưởng những ưu đãi riêng. Lâu nay, xã hội vẫn xem thể thao là giải trí, có thì vui mà không có cũng chẳng “cháy nhà chết người”. Chúng ta muốn có thành tích thi đấu quốc tế, muốn thể thao nước nhà sánh ngang với 5 châu nhưng lại không có nhiều người quan tâm đến việc vận động viên sinh hoạt, vất vả tập luyện, tay trắng khi giải nghệ thì sẽ mưu sinh ra sao. Hay nói cách khác, nói đến thể thao là nhiều người chỉ nói đến thành tích mà quên đi quá trình khổ luyện của vận động viên.
Tâm lý xã hội vẫn chưa coi trọng thể thao, chưa xem thể thao là một nghề kiếm sống. Thể thao cũng như tất cả các ngành nghề trong xã hội. Nếu mức thu nhập không giúp cho vận động viên đáp ứng được mức chi tiêu tối thiểu trong cuộc sống thì tự khắc mức độ quyết tâm, cống hiến cho thể thao của họ sẽ giảm đi. Sau gần 30 năm gắn bó với thể thao, tôi cho rằng, Nhà nước cần có chế độ ưu đãi đặc biệt đối với vận động viên đạt thành tích cao. Cụ thể, vận động viên sẽ được hưởng chế độ tương xứng với từng năm cống hiến, thứ hạng đạt được, thành tích thi đấu quốc tế... Đối với những vận động viên xuất sắc của thể thao cấp tỉnh, thành phố, ngành, các cơ quan chủ quản cần có chế độ ưu đãi trong việc giải quyết việc làm cho họ sau khi giải nghệ. Nếu làm được điều này, vận động viên thế hệ sau sẽ nhìn vào để yên tâm cống hiến lâu dài cho thể thao nước nhà.
Vận động viên thường rất muốn sau khi giải nghệ công tác ở lĩnh vực liên quan đến thể thao. Nếu sau khi giã từ sự nghiệp thi đấu mà làm một công việc khác thì gần như vận động viên sẽ phải học tập lại từ đầu. Khi ấy, tâm lý bỡ ngỡ, chán nản, thậm chí mất niềm tin là điều không tránh khỏi. Theo tôi, mỗi vận động viên khi còn trẻ xác định theo thể thao thì phải yêu thích và đam mê. Khi có thành tích cũng như thứ hạng thì nên hướng vào chuyên sâu để lo mọi mặt về lâu dài. Điều quan trọng, mức thu nhập của vận động viên hiện nay vẫn thua xa so với các lĩnh vực khác trong xã hội. Đây là một sự bất công bởi tuổi nghề của vận động viên thấp, quá trình tập luyện thi đấu chịu nhiều thiệt thòi khi phải thường xuyên xa gia đình, gặp chấn thương, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng... Muốn vận động viên gắn bó, nỗ lực hết mình vì thể thao thì trước hết họ phải đủ sống với mức thu nhập hiện tại.
Đối với thể thao thành tích cao, muốn nâng cao thu nhập cho vận động viên thì chúng ta cần phải giải quyết 2 việc. Thứ nhất, thể thao dứt khoát phải chuyên nghiệp hóa, từ đó, vận động viên có thể tự nuôi sống bản thân, thậm chí làm giàu mà không cần phải trông chờ vào ngân sách nhà nước. Thứ hai, cần phải xã hội hóa thể thao nhằm kêu gọi những nguồn lực tài trợ. Xã hội hóa thể thao hiện nay mới chỉ dừng ở lý thuyết, thực tiễn vận hành vẫn còn nhiều hạn chế. Các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao được thành lập nhiều nhưng không có nguồn lực nào để hỗ trợ cho vận động viên.
Xin cảm ơn ông và chúc Thể thao Lào Cai giành được nhiều thắng lợi!
Phương Mai (Thực hiện)