Các VĐV đã nỗ lực thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo Tổ quốc
Thưa ông, nhìn lại thời gian các VĐV thi đấu tại ASIAD 19, ông có đánh giá như thế nào?
Kết thúc ASIAD 19, đoàn Thể thao Việt Nam giành 3 HCV, 5 HCB, 19 HCĐ và đã hoàn thành chỉ tiêu trước khi lên đường. Đây là kỳ Đại hội chưa thành công như mong đợi. Tôi cảm thấy rất tiếc khi lẽ ra chúng ta vẫn có thể làm tốt hơn, nhiều nội dung thi đấu của một số đội tuyển đã không thể hoàn thành mục tiêu của mình.
Trước khi lên đường làm nhiệm vụ tại ASIAD 19, đoàn Thể thao Việt Nam đã được sự chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ VHTTDL, bên cạnh công tác chuyên môn, mỗi thành viên của đoàn sẽ là một đại sứ văn hóa, thực sự các VĐV đã luôn nỗ lực thi đấu, vượt qua mọi khó khăn, thể hiện ý chí của người dân Việt Nam.
Điều chúng tôi hài lòng là các VĐV đã nỗ lực thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo của Tổ quốc. Trong đó có những môn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ như: đội tuyển bắn súng, cầu mây, mỗi đội đoạt 1 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ; đội tuyển karate đoạt 1 HCV, 1 HCB, 2 HCĐ. Nhiều môn thể thao tuy không đạt được HCV như thể dục, bắn cung, bóng chuyền... đã thể hiện sự tiến bộ vượt bậc của các VĐV trẻ.
Một số môn chưa đạt kết quả như mong muốn nhưng cũng đáng để khích lệ như thành tích 7 phút 51 giây 44 của Nguyễn Huy Hoàng, nội dung bơi 800m tự do, đã tốt hơn 2,88 giây so với lần Hoàng giành HCĐ ở ASIAD18. Điền kinh cũng đã vượt qua thành tích ở giải vô địch châu Á 2023 dù cán đích ở vị trí thứ tư nội dung 4x400m tiếp sức nữ với thành tích 3 phút 31 giây 61 (thành tích cũ là 3 phút 32 giây 36). Hay đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam, đạt vị trí tốt nhất tại các kỳ Asian Games. Dù thua Thái Lan 0-3 ở trận tranh HCĐ, đứng hạng tư chung cuộc nhưng đội đã có những chiến thắng làm nức lòng người hâm mộ trước Hàn Quốc và Triều Tiên.
Nguyễn Thị Thật cũng đã rất cố gắng khi vượt qua chấn thương và mới chỉ tập luyện trở lại được một tháng. Thật bị kẹt trong tốp sau khi có 2 tốp về đích, nên VĐV này đã quyết định mạo hiểm rút sớm từ khoảng cách 300m (thông thường sẽ dưới 200m) để cạnh tranh HCV và chỉ thua VĐV HCV đúng 1 thân xe. Ở môn Boxing, chúng ta đặt rất nhiều kỳ vọng vào VĐV Nguyễn Thị Tâm, Hà Thị Linh...; VĐV Nguyễn Thị Tâm (Boxing) bị chấn thương từ SEA Games 32 còn các VĐV khác phần vì gặp chủ nhà, phần vì nhân tố bất ngờ từ Triều Tiên và đặc biệt tâm lý thi đấu căng thẳng nên các VĐV đã thi đấu không phát huy được năng lực bản thân mình.
Môn Bắn súng, dù Phạm Quang Huy xuất sắc đoạt HCV nhưng chúng tôi cũng rất tiếc nuối khi Phan Công Minh, Hà Minh Thành, Trịnh Thu Vinh, trước Đại hội, tập luyện và thi đấu rất ổn định nhưng vào chung kết, VĐV phải trải qua và bị loại dần sau 12 loạt bắn. Điều này đòi hỏi tâm lý VĐV phải thật sự ổn định và vững vàng mới có thể thành công được. Cự ly 1.500m của kình ngư Huy Hoàng cũng là kỳ vọng đạt huy chương và chuẩn A Olympic, trong tập luyện Hoàng đã bơi với thành tích dưới 15 phút, tuy nhiên vì quá quyết tâm đổi màu huy chương đại hội nên em không giữ được nhịp độ bơi và tối ưu hóa hiệu quả khi quay vòng nên thành tích không được như mong đợi.
Có thể nói ASIAD là một bệ phóng tới đấu trường Olympic, bên cạnh đó đấu trường này có quá nhiều yếu tố và tính cạnh tranh quyết liệt hiện đến từ VĐV hàng đầu châu lục và thế giới. Vậy kế hoạch của Cục TDTT sau kỳ ASIAD này là gì thưa ông?
Như tôi đã nói, ASIAD là đấu trường rất là khốc liệt. Nếu so thành tích ở giải vô địch châu Á và Asian Games thì có một sự khác biệt rất lớn. Đây là việc đánh giá thực chất thành tích của Thể thao Việt Nam không chỉ là vấn đề thắng hay thua mà xác định rõ đối thủ là ai, thua ở đâu, từ đó hoạch định rõ trong tương lai những môn, nội dung, VĐV để định hướng tới đấu trường cao hơn mà gần nhất là Olympic.
Để đầu tư đạt được thành tích tại 2 đấu trường lớn nhất này chúng ta xác định còn rất nhiều việc phải làm. Các nhà nghiên cứu về khoa học TDTT trên thế giới đã chỉ ra rằng, thể thao thành tích cao chính là sự cạnh tranh quyết liệt của những nền kinh tế lớn. Tại đấu trường Olympic, sự cạnh tranh đó sẽ diễn ra giữa các nền thể thao của những nền kinh tế lớn trên thế giới là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, như bảng tổng sắp của Olympic Tokyo 2020. Ở ASIAD, sẽ là cuộc cạnh tranh của các nền kinh tế lớn nhất châu lục là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Đây cũng là 3 cường quốc dẫn đầu tại ASIAD 19.
Dù khó khăn là vậy nhưng với sự chỉ đạo sát sao của Bộ VHTTDL, chắc chắn Cục TDTT sẽ nỗ lực tìm ra các giải pháp phù hợp. Tuy nhiên việc phát triển thể thao thành tích cao không phải chỉ trong ngày một, ngày hai, chúng ta đã có ngay các nhà vô địch Olympic và châu Á. Đó sẽ là một quá trình cần một hệ thống bài bản, từ việc phát triển giáo dục thể chất rồi việc xác định môn nào là trọng điểm, cần phải có hệ thống tuyển chọn ở 63 tỉnh, thành và ngay từ cấp tiểu học đã phải có hệ thống thi đấu, từ đó mới lựa chọn được nhiều tài năng cho Thể thao Việt Nam.
Quay lại với kỳ ASIAD lần này, mặc dù đạt chỉ tiêu đề ra nhưng đoàn Thể thao Việt Nam chưa đạt thành tích như mong đợi, mong rằng trong thời gian tới Thể thao Việt Nam tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành, người hâm mộ và chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng phấn đấu để nâng cao thành tích của thể thao Việt Nam.
Bài, ảnh Quý Lượng