Thưa ông, ông có thể chia sẻ đôi nét về công tác chuẩn bị của đoàn Thể thao Việt Nam cho kỳ Asiad 19?
Sau thời gian chuẩn bị tích cực, nghiêm túc và đầy trách nhiệm, cán bộ, chuyên gia, HLV, VĐV của Đoàn TTVN đã tự tin, sẵn sàng tham dự Asiad 19 với tinh thần quyết tâm cao nhất.
Chinh phục đỉnh cao thành tích ở đấu trường châu lục – Asiad 19 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành TDTT trong năm 2023, chính vì vậy, ngay từ đầu năm, Cục TDTT đã phối hợp với các Liên đoàn, Hiệp hội Thể thao Quốc gia chỉ đạo bộ môn sớm triệu tập VĐV lên tuyển quốc gia tập luyện với những giáo án, chương trình huấn luyện đặc biệt, phù hợp với trình độ, tình hình sức khỏe, thể lực của mỗi VĐV qua từng giai đoạn. Trong đó, một số VĐV thi đấu thành công, tạo dấu ấn mạnh về thành tích tại SEA Games 32 vừa qua, đặc biệt ở những nhóm môn Thể thao Olympic và Asiad vẫn tiếp tục quá trình tập luyện nâng cao hướng đến đầu trường Châu lục. Hiện tại, các VĐV đều đảm bảo về sức khỏe, chuyên môn cùng tinh thần thoải mái, ý chí quyết tâm. Kết quả ở SEA Games 32, là bước đệm quan trọng, tạo lực đẩy giúp VĐV tiếp tục giữ vững, phát huy tốt hơn nữa trình độ chuyên môn ở đấu trường Châu lục lần này.
Bên cạnh đó, để cụ thể hóa mục tiêu thành tích như đã đặt ra, ngành TDTT đã tuyển chọn, phân chia nhóm môn để tập trung đầu tư và cử các VĐV xuất sắc đi tập huấn nước ngoài, thi đấu các giải trong nước, quốc tế nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, tích lũy kinh nghiệm, tâm lý cho VĐV trước kỳ Đại hội thể thao lớn.
Ông Đặng Hà Việt - Trưởng Đoàn TTVN trả lời báo chí về công tác chuẩn bị của dự Asiad 19 (Ảnh: N.H)
Mỗi thành viên trong Đoàn khi tham dự Asiad 19 đều thấy rõ vinh dự, trách nhiệm của mình và chuẩn bị một tinh thần vững vàng, ý chí quyết tâm, khát vọng cống hiến, sẵn sàng bước vào cuộc quyết đấu vì vinh quang và màu cờ sắc áo của Tổ quốc. Đoàn TTVN đã sẵn sàng, ngoài việc thi đấu giành thành tích cao, chúng tôi sẽ luôn cố gắng nỗ lực để góp phần giữ vững và tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị hợp tác và phát triển với các Quốc gia trong châu lục.
Giành từ 2 – 5 HCV tại Asiad 19 là mục tiêu mà Đoàn TTVN đặt ra, ông có thể lý giải vì sao lại đặt ra con số này??
Chỉ tiêu giành được từ 2-5 HCV không phải biên độ quá lớn. Lý do bởi ở đấu trường Asiad, Thể thao Việt Nam phải thi đấu với những đối thủ ở trình độ rất cao đến từ các Quốc gia hàng đầu Châu lục như: Nhật Bản, Hàn Quốc hay chủ nhà Trung Quốc. Hầu hết những VĐV nằm trong nhóm cơ hội tranh chấp HCV đều có cơ hội cạnh tranh sòng phẳng với đối thủ mạnh về trình độ. Tuy nhiên, trong thi đấu ngoài kỹ, chiến thuật ra thì còn rất nhiều yếu tố để tạo nên vinh quang, trong đó có yếu tố may mắn, sự tập trung cao độ của mỗi VĐV, hay những tác động không mong muốn bên lề xảy ra với VĐV. Nếu VĐV Việt Nam thi đấu thăng hoa, mọi việc diễn ra thuận lợi thì chúng ta hoàn toàn có thể tạo nên những bất ngờ về thành tích không chỉ riêng ở những môn nằm trong nhóm được đoàn xác định có cơ hội giành huy chương ở Asiad 19.
Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, ở khu vực Châu Á – Châu lục đông dân nhất thế giới, nơi có rất nhiều cường quốc thể thao và kinh tế, đây chính là sân chơi khốc liệt, cạnh tranh, khẳng định vị thế giữa những cường quốc thể thao. Ở đó thể hiện quá trình đầu tư lâu dài, hệ thống giải đấu, tính chuyên nghiệp và kinh tế thể thao của mỗi quốc gia trong thời đại công nghệ số như hiện nay.
Đối với thể thao Việt Nam, chúng ta hiện mới đạt được thành tích tốt và khẳng định được vị thế trong khu vực Đông Nam Á. Nhưng ở đấu trường Asiad, Thể thao Việt Nam vẫn còn khoảng cách (ở những nhóm môn Olympic), đặc biệt là ở những môn thể thao có tính chính xác cao như: Bắn cung, Bắn súng. Đây là những môn thể thao đòi hỏi sự tập trung rất cao ở mỗi VĐV. Bằng chứng cho thấy rất nhiều VĐV tầm thế giới vì chút bất cẩn, thiếu tập trung nên đã dừng ngay từ vòng đấu loại ở các kỳ Asiad trước đó.
Đối với những môn thể thao mang tính chất đối kháng như võ thuật ( những môn thế mạnh của Thể thao Việt Nam đã góp công lớn giành HCV cho đoàn Thể thao nước nhà ở những kỳ Asiad trước), hiện nay trình độ của võ sĩ Việt Nam cũng chưa hơn hẳn các quốc gia trong khu vực và châu Á. Võ thuật Việt Nam tập trung chủ yếu ở các hạng cân nhỏ 46-55kg.
Thành tích ở những môn võ thuật phụ thuộc rất lớn vào quyết định của VĐV trong thi đấu. Sự nhanh nhẹn, linh hoạt, ổn định về tâm lý, cả yếu tố may mắn trong bốc thăm quyết định thành tích của VĐV.
Những môn kết quả được tính chính xác bằng thời gian như điền kinh, bơi, đua thuyền... hiện thể thao Việt Nam đặt hy vọng vào nội dung 4x400m tiếp sức nữ (điền kinh). Ngay như VĐV điền kinh Nguyễn Thị Oanh dù là tượng đài ở Đông Nam Á (với thành tích 4 phút 12 giây ở cự ly chạy 1.500m), thế nhưng muốn giành huy chương Asiad, theo tính toán thành tích phải dưới 4 phút. Do vậy, biên độ chỉ tiêu từ 2-5 HCV tại Asiad 19 của Đoàn TTVN theo tôi là hợp lý.
Bên cạnh đó, ngoài những môn thể thao trọng điểm, ở Đại hội lần này Đoàn TTVN cũng tham dự với những môn thể thao mới như: E-Sports, soft tennis... đây là cơ hội để thể thao Việt Nam hội nhập, học hỏi với thể thao châu Á. Chúng ta đóng góp vào các hoạt động chung của thể thao châu Á, từ đó hướng tới quảng bá, vận động môn thể thao mang tính đặc trưng của Việt Nam như Vovinam để có cơ hội đưa bộ môn thể thao này vào chương trình thi đấu Asiad.
Asiad 18 thể thao Việt Nam từng giành đến 5 HCV, điều này có gây áp lực lớn cho đoàn tại Asiad 19?
Có thể nói, Asiad 18 là Đại hội thành công nhất của Thể thao Việt Nam. Chúng ta đạt 4 HCV ở các môn: đua thuyền rowing chèo 4 người thuyền nhẹ (Tạ Thanh Huyền, Lường Thị Thảo, Hồ Thị Lý và Phạm Thị Thảo), điền kinh, nhảy xa nữ (Bùi Thị Thu Thảo), pencak silat Nguyễn Văn Trí, hạng cân 90-95 kg và Trần Đình Nam, hạng cân 70-75kg)) và sau đó có thêm 1 HCV ở cự ly chạy 400m rào của VĐV Quách Thị Lan được đôn lên (do VĐV giành HCV dương tính với doping). Nhưng những tấm HCV ở kỳ Asiad 18 của Đoàn TTVN hầu hết đều không có trong chương trình thi đấu của Asiad 19, vì vậy, áp lực về thành tích tại Asiad 19 là rất lớn.
Riêng có nội dung Nhảy xa vẫn được đưa vào thi đấu ở Asiad 19 thì VĐV Bùi Thị Thu Thảo - người giành HCV Asiad 18 nay tuổi đã lớn, phong độ không còn được như xưa, những VĐV kế cận vẫn chưa thể hiện được khả năng thay thế Thu Thảo. Do đó, để hoàn thành được mục tiêu đặt ra, giới chuyên môn phải tính toán rất kỹ để tìm cơ hội giành Vàng ở những môn thể thao khác giàu tiềm năng như: Boxing, Cầu mây, Bắn súng, Karate,...
Thời điểm diễn ra Asiad 19 cũng là lúc nhiều giải thế giới thi đấu tích điểm giành vé Olympic Paris 2024 diễn ra, chính vì vậy có rất nhiều môn phải phân chia lực lượng, điều này ít nhiều ảnh hưởng tới thành tích chung của Đoàn TTVN. Vậy vấn đề này được giải quyết như thế nào, thưa ông?
Ngay từ đầu năm chúng tôi đã xác định được vấn đề này rất rõ ràng nên đã chỉ đạo từng môn lựa chọn VĐV định hướng tập luyện theo từng mục tiêu riêng (nhóm VĐV tập trung cho SEA Games, nhóm cho Asiad 19, nhóm Olympic) để có chiến lược đầu tư phù hợp, do đó lực lượng VĐV thi đấu không bị ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, do VĐV đỉnh cao ở từng môn hạn chế nên có rất nhiều VĐV sẽ phải cùng lúc thực hiện nhiệm vụ kép vừa thi đấu Asiad 19 nhưng vẫn tham dự các giải đấu thế giới tìm cơ hội giành vé tham dự Olympic Tokyo 2024 (nếu lịch thi đấu của các giải đấu này không bị trùng nhau).
Việc VĐV liên tục tranh tài các giải đấu ở cấp độ châu lục và thế giới sẽ rất hữu ích cho VĐV học hỏi, duy trì, phát triển trình độ đạt được kết quả tốt nhất. Điều này sẽ là thuận lợi nếu VĐV đó biết tính toán kỹ, chiến thuật tốt trong thi đấu ở từng giải.
Ngoài vấn đề về chuyên môn, công tác phòng, chống doping của Đoàn TTVN được thực hiện thế nào tại Asiad 19?
Đây là vấn đề quan trọng hàng đầu mà đoàn Thể thao nào cũng phải đặc biệt lưu tâm. Đối với Thể thao Việt Nam, vấn đề này được quan tâm, thực hiện thường xuyên tại các Trung tâm huấn luyện ở 63 tỉnh, thành thông qua các khóa học tập huấn, tổ chức các buổi chuyên đề tuyên truyền cho VĐV. Tuy nhiên, doping là một vấn đề rất khó kiểm soát. Hiện thực phẩm chức năng, chất bổ sung được bán tràn lan bên ngoài. Dư lượng kháng sinh và hormone tăng trưởng có nhiều trong các loại thực phẩm trên thị trường. Nếu VĐV thiếu kiến thức về doping mà sơ sẩy trong kiểm soát ăn uống, rất dễ dẫn đến các nguy cơ về doping.
Tại Asiad 19, theo quy định của BTC tất cả VĐV phải có chứng chỉ ADEL (anti doping education and learning platform) của cơ quan phòng chống doping thế giới (WADA) cấp mới được tham dự Đại hội. Đây là quy định rất mới và sẽ được áp dụng không chỉ tính từ Asiad 19 mà còn ở tất cả sự kiện thể thao đa môn cấp châu lục, thế giới sau này và tiến tới các giải đấu đơn môn.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này! Chúc Đoàn TTVN thi đấu thành công hoàn thành xuất sắc mục tiêu đặt ra.
N.Hương