Thể thao Việt Nam chú trọng phòng, chống doping tại SEA Games 32

Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa, SEA Games 32 sẽ chính thức diễn ra tại Campuchia. Để chuẩn bị cho việc tham dự Đại hội, bên cạnh rất nhiều công việc đã, đang được ngành TDTT triển khai, công tác phòng, chống doping là nhiệm vụ được quan tâm đặc biệt.

Liên quan tới nhiệm vụ này, lãnh đạo Bộ VHTTDL đã có chỉ đạo Tổng cục TDTT, Trung tâm doping và Y học thể thao Việt Nam, các đơn vị có liên quan cần hết sức lưu ý, đặc biệt là đối với VĐV có sử dụng thực phẩm bổ sung và phải thực hiện kiểm tra thường xuyên.

Thể thao Việt Nam chú trọng phòng, chống doping tại SEA Games 32 (Ảnh:tdtt.gov.vn)

Trong buổi làm việc với đại diện của Cơ quan phòng, chống doping thế giới vào ngày 6/4 vừa qua, Giám đốc Trung tâm doping và Y học thể thao Việt Nam Nguyễn Văn Phú nhấn mạnh việc thực hành tuân thủ theo các quy định phòng, chống doping của Cơ quan phòng, chống doping thế giới có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Việt Nam. Bởi trong những năm gần đây, thể thao Việt Nam đã có sự phát triển mạnh và đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận. Đó là lý do để Việt Nam nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ Cơ quan chống doping thế giới trong việc phòng chống doping cũng như để bảo vệ sự trong sạch của các VĐV.

Thành tích đạt được đã giúp Việt Nam vươn lên mức tuân thủ 2 (được đánh giá là mức tuân thủ cao), điều này cũng đồng nghĩa với việc hoạt động phòng, chống doping tại Việt Nam cũng phải đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc về phòng, chống doping theo quy định của Cơ quan chống doping thế giới. Việc này cũng góp phần khẳng định thành tích của các VĐV đạt được là trung thực và trong sạch.

Với kinh nghiệm có được từ kì SEA Games 31 diễn ra trên sân nhà khi trực tiếp thực hiện toàn bộ công tác kiểm tra Doping theo đúng quy định gồm 911 mẫu kiểm tra, 25 đợt truyền thông hướng dẫn phòng chống doping tại các địa điểm thi đấu, hơn 300 buổi làm việc của 36 tổ kiểm tra Doping, hàng chục buổi họp trực tiếp và trực tuyến của các Hội đồng Y học và Kiểm tra doping Động Nam Á, ông Nguyễn Văn Phú khẳng định cần tiếp tục quyết liệt trong công tác này.

Theo đó, để có sự chuẩn bị tốt nhất cho các VĐV Việt Nam trước thềm tham dự Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 32, Trung tâm doping và Y học thể thao Việt Nam đã cử các cán bộ đồng hành cùng các Trung tâm HLTTQG để tuyên truyền, kiểm soát trong việc triển khai nhiệm vụ liên quan tới doping đến từng VĐV. Qua đó, hạn chế tới mức tối đa việc VĐV Việt Nam vi phạm việc sử dụng các chất doping nằm trong danh mục cấm.

“Bên cạnh đó, các VĐV của chúng ta cần nâng cao ý thức sử dụng thuốc và thực phẩm chức năng. Chỉ được phép sử dụng thuốc, thực phẩm chức năng khi có ý kiến của bác sĩ, Ban huấn luyện. Mọi trường hợp chấn thương, nếu phải sử dụng thuốc cần được xem xét làm hồ sơ miễn trừ, đảm bảo an toàn khi sử dụng các biện pháp điều trị. Việc sử dụng thuốc, thực phẩm chức năng chỉ cần một sơ suất nhỏ sẽ để lại hậu quả khôn lường. Bên cạnh ý thức của các VĐV, HLV cũng cần thực hiện đầy đủ yêu cầu, quy định về việc phòng, chống doping", ông Nguyễn Văn Phú nhấn mạnh.

Trong tháng 3 vừa qua, Trung tâm doping và Y học thể thao Việt Nam đã phối hợp với 4 Trung tâm HLTTQG tổ chức các lớp tập huấn kiến thức phòng, chống doping cho hơn 500 VĐV, HLV. Tổ chức truyền thông về phòng, chống doping tại giải Cúp các CLB Vật Quốc gia và giải Cúp các CLB Judo Quốc gia; Tập huấn phòng, chống doping cho 2 đơn vị địa phương là Sở VHTTDL tỉnh Bình Dương và Tp Cần Thơ.

Trong tháng 4, Trung tâm doping và Y học thể thao Việt Nam sẽ tiếp tục tổ chức truyền thông về phòng, chống doping tại giải vô địch cho các VĐV người khuyết tật tại Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng định hướng nội dung tuyên truyền đối với từng đối tượng cụ thể: Tại các Trung tâm HLTTQG, nội dung tuyên truyền đối với VĐV đội tuyển quốc gia và đội tuyển trẻ quốc gia là về Quy trình kiểm tra Doping và những điểm cần lưu ý; Khai báo hồ sơ nơi ở, nơi tập luyện và thi đấu của VĐV (Whereabouts). Đối với HLV đội tuyển quốc gia và đội tuyển trẻ quốc gia, nội dung tuyên truyền tập trung vào Các quy định về kiểm tra Doping, quy trình kiểm tra Doping và những điểm cần lưu ý. Cán bộ quản lý và y tế sẽ được nghe về các quy định về Miễn trừ do điều trị và quy trình khi nộp hồ sơ xin miễn trừ do điều trị cho VĐV.

Truyền thông tại các địa phương với đối tượng là các VĐV tuyến 1, tuyến trẻ và tuyến năng khiếu; HLV và cán bộ quản lý sẽ được phố biến về kiến thức chung trong phòng chống doping; Những lưu ý khi được yêu cầu kiểm tra doping trong và ngoài thi đấu.

Truyền thông những kiến thức và những quy định về phòng, chống doping; Những lưu ý khi được yêu cầu kiểm tra doping trong thi đấu tại các giải thể thao và liên đoàn đối với các VĐV và HLV tham dự giải.

Nội dung truyền thông đối với nhóm VĐV đăng ký kiểm tra (RTP) và Nhóm kiểm tra (TP) sẽ gồm việc Khai báo hồ sơ nơi ở, nơi tập luyện và thi đấu của VĐV (Whereabouts); Quy trình lấy mẫu kiểm tra và những điểm cần lưu ý khi được yêu cầu kiểm tra Doping; Các Quy định kiểm tra doping trong và ngoài thi đấu.

Việt Nam là một trong những quốc gia đã tham gia kí kết công ước Copenhagen từ năm 2003, để trở thành thành viên chính thức của Tổ chức chống doping thế giới. Với trách nhiệm của một quốc gia thành viên, Việt Nam cam kết và thực hiện các yêu cầu về phòng, chống doping hàng năm trong các hoạt động thể thao quốc tế cũng như quốc gia. Các công tác này được triển khai và phối hợp từng bước cụ thể hơn với Tổ chức chống doping thế giới từ năm 2007 khi Việt Nam chính thức có đại diện tham gia Tổ chức phòng chống doping Đông Nam Á. Cũng giai đoạn này, năm 2005, Luật phòng chống doping quốc tế đã được các quốc gia thành viên phê chuẩn, thông qua.

A.T

Ảnh trong bài
  • Thể thao Việt Nam chú trọng phòng, chống doping tại SEA Games 32