Thưa ông, cùng với 203 quốc gia và vùng lãnh thổ, Đoàn TTVN đã phải vượt qua nhiều khó khăn, thách thức từ đại dịch có thể đến và sắp hoàn tất các cuộc tranh tài tại TVH. Vậy kỳ Olympic này để lại điều gì trong ông?
Đây đúng là một kỳ Olympic đặc biệt nhất trong lịch sử cho tới thời điểm này. Những khó khăn vì đại dịch đã dẫn đến nhiều khó khăn cho cả BTC lẫn các quốc gia tham dự TVH. Trong bối cảnh khó khăn đó, Đoàn TTVN dự TVH luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo Bộ VHTTDL; các Bộ, ngành trung ương; các địa phương có VĐV, HLV; các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia; các cơ quan truyền thông; người hâm mộ và nhân dân cả nước; cũng như kiều bào ta sống và làm việc tại Nhật Bản để Đoàn hoàn thành các cuộc tranh tài tại TVH lớn nhất thế giới. Vì vậy, qua đây cho phép tôi thay mặt Đoàn TTVN, xin được gửi lời cảm ơn chân thành và sâu sắc về những tình cảm và sự quan tâm đó đối với Đoàn TTVN trong những ngày tranh tài tại TVH. Đây là nguồn động viên, truyền cảm hứng và tạo niềm tin để các VĐV hoàn thành nhiệm vụ của mình như lời hứa trước lúc lên đường tại lễ xuất quân. Đặc biệt, xin được cảm ơn các cơ quan truyền thông, báo chí đã đồng hành cùng Đoàn trong suốt giai đoạn vừa qua để phản ánh đầy đủ, kịp thời quá trình thi đấu của các VĐV tới khán giả, người hâm mộ và nhân dân cả nước.
Trong thời gian diễn ra Thế vận hội, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương và các lãnh đạo Bộ VHTTDL đã luôn quan tâm chỉ đạo, động viên, khuyến khích tinh thần của toàn Đoàn. Bộ trưởng thường xuyên gọi điện thoại thăm hỏi, chia sẻ những khó khăn cũng như những thành tích chưa đạt được như mong muốn và căn dặn toàn Đoàn hãy chấp hành nghiêm các nguyên tắc phòng chống dịch của BTC, đảm bảo an toàn, sức khoẻ cho VĐV, góp phần vào thành công chung của TVH. Bộ trưởng cũng nhắn nhủ toàn Đoàn hãy cố gắng nỗ lực hết mình vượt qua khó khăn vì đại dịch, hoàn thành nhiệm vụ.
Trưởng đoàn Trần Đức Phấn cho biết, lãnh đạo Bộ VHTTDL luôn quan tâm tới Đoàn TTVN (Ảnh: Thu Sâm- Đoàn TTVN)
Thưa ông, hôm nay VĐV Quách Thị Lan sẽ bước vào thi đấu bán kết nội dung 400m rào nữ. Đây cũng là nội dung thi đấu cuối cùng của chúng ta. Vậy điều gì khiến ông hài lòng và chưa hài lòng tại kỳ TVH này?
Sau cuộc thi đấu của Lan vào chiều nay, Đoàn TTVN sẽ kết thúc các cuộc tranh tài tại TVH. Có thể thấy, lần tham dự này chúng ta chưa đạt được thành tích như mong muốn, kể cả mục tiêu có khả năng tranh chấp huy chương nội dung cử tạ nữ. Với kết quả đó cho thấy những tồn tại, hạn chế trong quá trình chuẩn bị cũng như thi đấu tại TVH và được rút kinh nghiệm sau mỗi ngày thi đấu tại cuộc họp Đoàn hằng ngày. Những kết quả thi đấu chưa thành công, dù không muốn nói là do ảnh hưởng của đại dịch Covid - 19, xong không thể phủ nhận suốt gần 2 năm qua, kế hoạch tập huấn, thi đấu của các đội bị đảo lộn, điều chỉnh liên tục cho phù hợp với thực tế dịch bệnh trong điều kiện mới. Các VĐV không được đi tập huấn, đặc biệt không được tham gia thi đấu quốc tế. Mặc dù thời gian không dài, nhưng đây là một trong những yếu tố mang tính quyết định làm giảm sút về chuyên môn. Đơn cử như những VĐV môn bơi, trong đó có kình ngư Nguyễn Huy Hoàng, đạt hai chuẩn A nội dung 800m và 1500m từ rất sớm, nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh, Huy Hoàng chỉ tập trong nước, kế hoạch tập huấn và thi đấu nước ngoài phải đóng cửa hoàn toàn. Có nhiều thời điểm Huy Hoàng không được xuống nước mà phải tập trên bờ. Hay như các VĐV cử tạ sau thi đấu vòng loại về nước phải thực hiện cách ly hơn 40 ngày và các VĐV khác cũng trong hoàn cảnh tương tự vì dịch bệnh. Đây chính là những hạn chế lớn trong quá trình chuẩn bị của VĐV.
Chúng ta nhận thức được rằng, Olympic là đấu trường lớn đối với TTVN. Đến với TVH, mục tiêu đặt ra là từng nội dung phấn đấu vượt qua chính mình. Tuy nhiên, trên cơ sở thực trạng về thành tích các VĐV của Đoàn, chúng ta cũng có điểm sáng để Đoàn đặt ra mục tiêu phấn đấu có huy chương, nhưng xác suất rất thấp. Do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan nên có những nội dung VĐV thi đấu đạt được mục tiêu đề ra, có một số nội dung VĐV thi đấu chưa đạt được thậm chí là thấp hơn thành tích mà VĐV đã đạt được trong thời gian vừa qua như: Taekwondo, Cử tạ, Thể dục dụng cụ, Bắn cung, Judo. Đây là những môn hy vọng sẽ có những đột phá tại TVH lần này, trong đó có môn được tập huấn thi đấu nước ngoài (Taekwondo) nhưng không có sự cải thiện đáng kể về thành tích và điểm hạn chế, bộc lộ rõ nhất vẫn là thể lực. Ngoài ra, vấn đề chấn thương của một số VĐV cũng là cản trở lớn trong quá trình chuẩn bị cũng như thi đấu của VĐV tại TVH.
Bên cạnh những VĐV, môn thi đấu chưa thành thì có một số môn thi đấu thành công hoàn thành được mục tiêu đề ra và cải thiện được thành tích như: Cầu lông (Nguyễn Thuỳ Linh); Boxing (Nguyễn Văn Đương và Nguyễn Thị Tâm), Điền kinh (Quách Thị Lan) vào bán kết; Rowing (Lường Thị Thảo và Đinh Thị Hảo) đạt thành tích tốt nhất trong 3 lần tham dự Olympic; Bơi (Nguyễn Huy Hoàng) cơ bản vẫn giữ được thành tích, xứng đáng với chuẩn A mà Huy Hoàng đạt được để tham dự TVH (nội dung 800m xếp hạng 20/33 và 1500m xếp hạng 12/28).
Những phân tích của ông lại một lần nữa cho thấy Olympic là đấu trường quá sức với TTVN?
Phải khẳng định rằng Olympic là đấu trường rất khó khăn với TTVN. Không phải các môn, các VĐV của chúng ta đến Olympic để tranh chấp huy chương, mà chỉ có số lượng rất nhỏ môn, nội dung và VĐV có khả năng tranh chấp. Những tấm HCV, HCB của Hoàng Xuân Vinh hay một số huy chương khác trước đó như HCB Cử tạ của Hoàng Anh Tuấn, HCĐ Cử tạ của Trần Lê Quốc Toàn và HCB của Trần Hiếu Ngân (Taekwondo) chỉ là những điểm sáng cho thấy hiệu quả của quá trình đầu tư trước đó. TVH lần này, 18 suất tham dự Olympic đã phản ánh đúng tương quan về trình độ của TTVN tại Olympic. Các VĐV của Việt Nam đến Olympic theo các con đường khác nhau: Nguyễn Huy Hoàng đến Olympic bằng chuẩn A và kết quả thi đấu của Huy Hoàng cũng đã thể hiện rõ điều đó. Một nhóm các VĐV khác đến Olympic bằng con đường tích điểm và một số VĐV khác đến Olympic bằng vé mời dành cho các môn không có VĐV qua vòng loại như: Điền kinh, Bơi, và Bắn súng. Điều đó cho thấy, khoảng cách của TTVN với đấu trường Olympic vẫn còn xa.
Vậy chúng ta phải làm gì để dần rút ngắn khoảng cách ấy, thưa ông?
Thời gian qua, sau kết quả thi đấu chưa thành công của một số VĐV, một số cơ quan báo chí cũng như một số chuyên gia trong lĩnh vực thể thao đã góp ý, phân tích, đánh giá về vấn đề này, Đoàn TTVN xin cảm ơn và ghi nhận những ý kiến đóng góp vì mục tiêu chung và sự phát triển của TTVN. Tuy nhiên, việc giải quyết được bài toán đầu tư để làm sao có thể tranh chấp tại các đấu trường lớn như ASIAD hay giành huy chương Olympic, đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn, kể cả điều chỉnh các mục tiêu cho từng đại hội, quan điểm đầu tư, xây dựng kế hoạch, đề xuất các giải pháp và tổ chức thực hiện. Hy vọng sau 1-2 chu kỳ Olympic nữa, VĐV của TTVN sẽ đến tham dự TVH với tư thế sẵn sàng tranh chấp huy chương.
Sau Olympic, Tổng cục TDTT sẽ tổng kết rút kinh nghiệm, báo cáo và đề xuất với lãnh đạo Bộ VHTTDL để giải quyết mục tiêu này.
Xin cảm ơn ông!
Thu Sâm thực hiện