Ông Phùng Lê Quang - phụ trách bộ môn Đấu kiếm Tổng cục Thể dục Thể thao
Ông có thể cho biết đôi nét về công tác chuẩn bị của bộ môn Đấu kiếm cho sự kiện thể thao đa môn lớn nhất khu vực Đông Nam Á sẽ diễn ra tại Việt Nam vào năm tới?
Là một phần trong công tác chuẩn bị của môn Đấu kiếm cho SEA Games 31, bộ môn đã chủ động tham mưu cho lãnh đạo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và lãnh đạo Tổng cục Thể dục Thể thao về cơ sở vật chất chuẩn bị cho Đại hội. Theo đó. địa điểm đăng cai tổ chức môn Đấu kiếm tại SEA Games 31 tại Cung thể thao Điền kinh trong nhà (Mỹ Đình) cũng đã được lãnh đạo Tổng cục Thể dục Thể thao, lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội thống nhất thông qua. Đây cũng là địa điểm từng tổ chức giải vô địch Đấu kiếm U23 châu Á vào năm 2018, tuy vậy tính chất và quy mô của hai sự kiện là khác nhau khi giải vô địch Đấu kiếm U23 châu Á là giải vô địch đơn môn còn SEA Games 31 là Đại hội thể thao nên đòi hỏi công tác chuẩn bị về điều kiện cơ sở vật chất cũng khác nhau. Đơn cử như hệ thống sàn thi đấu, đèn chấm điểm tiêu chuẩn quốc tế cho công tác trọng tài và còn một yếu tố quan trọng trong công tác tổ chức, đó là công nghệ video trọng tài.
Nhiều năm nay chúng ta vẫn áp dụng công nghệ video trọng tài tại các giải quốc gia (nó giống như công nghệ VAR trong bóng đá). Do điều kiện cũng như để tiết kiệm chi phí chúng ta vẫn sử dụng phần mềm miễn phí. Đối với các giải quốc gia dùng phần mềm này giúp tiết kiệm chi phí mà vẫn có được kết quả tốt, tuy nhiên khi chúng ta đăng cai một giải quốc tế hoặc tổ chức những Đại hội thể thao quốc tế lớn như SEA Games 31 thì bắt buộc phải mua bản quyền hoặc thuê trang thiết bị và thuê đôi ngũ điều hành (theo tiêu chuẩn của Liên đoàn Đấu kiếm quốc tế) từ một số công ty được Liên đoàn Đấu kiếm quốc tế cấp phép sử dụng chính thức trong các giải thi đấu quốc tế. Ngoài ra các trang thiết bị đi kèm như hệ thống âm thanh chung, âm thanh cổ động, âm thanh cho công tác trọng tài cũng cần phải được trang bị đầy đủ. Trong nhà thi đấu, ngoài thảm trải sàn cần phải làm đường chung kết cùng với hệ thống đèn phục vụ các trận bán kết, chung kết. Có như vậy, hiệu quả và hiệu ứng tổ chức cũng như chất lượng trận đấu mới được đẩy lên tầm cao hơn.
Vậy còn công tác chuẩn bị lực lượng vận động viên cũng như trọng tài tại SEA Games 31 thì sao thưa ông?
Công tác chuẩn bị lực lượng vận động viên cho SEA Games 31 cũng triển khai theo công tác chuẩn bị xuyên suốt hàng năm hướng tới các đại hội lớn như SEA Games, Olympic. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên thời điểm diễn ra Thế vận hội Olympic mùa hè Tokyo 2020 cũng khá sát với thời điểm diễn ra SEA Games 31, đó là cái khó cho vận động viên. Dịch bệnh trên thế giới đang rất phức tạp, đặc biệt là các nước châu Âu cũng như các nước châu Á, tuy nhiên việc chuẩn bị ta vẫn phải làm. Đối với Đấu kiếm, việc chuẩn bị lực lượng vận động viên là một công tác liên thông từ Olympic đến SEA Games 31 rồi Asian Games diễn ra vào năm sau đó. Mặc dù khó khăn là vậy, lực lượng vận động viên của chúng ta vẫn được các cấp có thẩm quyền và lãnh đạo Tổng cục Thể dục Thể thao triệu tập tập huấn đội hình đội tuyển quốc gia, đội hình đội tuyển trẻ quốc gia tại 2 Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Các vận động viên vẫn duy trì được phong độ và thể lực, vẫn tập luyện thường xuyên tuy cơ hội cọ xát không nhiều. Bộ môn vẫn theo sát tình hình của Liên đoàn Đấu kiếm quốc tế, nếu tình hình dịch bệnh khả quan có thể xin ý kiến lãnh đạo Tổng cục Thể dục Thể thao cử vận động viên tham dự giải vòng loại Thế vận hội Olympic mùa hè Tokyo 2020 vào tháng Tư, hay một số giải tích điểm vào tháng Hai năm 2021 tuy nhiên cũng phải căn cứ vào tình hình dịch bệnh để đưa ra quyết định.
Còn đối với công tác chuẩn bị lực lượng trọng tài, ngoài những trọng tài của các nước theo điều lệ quy định của SEA Games, trọng tài trung gian, trọng tài các nước đi theo đội thì nước chủ nhà Việt Nam cũng phải có lực lượng trọng tài tham gia. Để chuẩn bị cho công tác này, cách đây gần một tháng, chúng ta đã cử 09 trọng tài tham gia một khóa tập huấn trực tuyến nâng cao trình độ trọng tài do Liên đoàn Đấu kiếm thế giới tổ chức cho khu vực châu Á. Đây đều là những trọng tài có nhiều kinh nghiệm của Việt Nam và sẽ góp mặt cùng với các trọng tài quốc tế điều hành tại SEA Games 31. Ngoài ra, chúng ta có hai trọng tài quốc tế là Phạm Anh Tuấn và Nguyễn Lê Bá Quang được Liên đoàn Đấu kiếm thế giới cấp chứng chỉ. Tuy vậy, việc hai trọng tài quốc tế này lại đang đảm trách vài trò huấn luyện viên đội tuyển cũng là bài toán khó. Khi Việt Nam đóng vai trò là chủ nhà tại SEA Games 31 thì các trọng tài không thể tránh khỏi việc phải đảm đương các công tác tổ chức khác ngoài nhiệm vụ chuyên môn. Chính vì vậy, bộ môn cũng phải cân nhắc và tham mưu lãnh đạo Tổng cục Thể dục Thể thao liên quan tới vấn đề này sao cho hài hòa. Bộ môn cũng dự kiến sẽ chuẩn bị lực lượng khoảng 30 trọng tài tham gia điều hành SEA Games 31 như trọng tài ghi điểm, trọng tài thời gian, xin ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Tổng cục Thể dục Thể thao mở lớp để nâng cao trình độ trọng tài nói chung vào đầu năm 2021.
Đâu là những khó khăn mà Đấu kiếm Việt Nam phải đối mặt trong quá trình chuẩn bị cho SEA Games 31, thưa ông?
Trang thiết bị cho vận động viên tập luyện thi đấu là khó khăn và thách thức lớn không chỉ riêng đối với Đấu kiếm mà còn đối với cả các môn thể thao khác. Nguồn kinh phí được cấp để mua trang thiết bị tập luyện cho vận động viên cũng như nguồn kinh phí của địa phương dành cho mua trang thiết bị tập luyện và thi đấu cho vận động viên chỉ đáp ứng được phần nào chứ chưa đáp ứng được đầy đủ các nhu cầu. Ngoài ra, còn một khó khăn khác cần phải kể đến đó là Đấu kiếm nằm trong danh mục vũ khí thể thao do Bộ Công An cấp giấy phép và kiểm soát, cần có thời gian để đấu thầu. Bênh cạnh đó, dịch bệnh cũng khiến cho việc mua sắm, trang bị thiết bị tập luyện cho các vận động viên kể cả trung ương lẫn địa phương đều gặp khó khăn.
Bên cạnh đó, lực lượng vận động viên của môn Đấu kiếm hiện tại cũng gặp khó khăn bởi đây là thời điểm chuyển giao các lứa vận động viên. Các vận động viên mạnh phần lớn đều đã lớn tuổi hay đã lập gia đình. Số vận động viên nhiều tuổi còn gắn bó thì thành tích thể thao cũng khó duy trì, đảm bảo. Lực lượng kế cận một số cũng đã thay thế được các đàn chị đi trước như ở nội dung kiếm ba cạnh nữ, tuy nhiên so với đẳng cấp và kỳ vọng chuyên môn chưa thực sự được như các lứa vận động viên như Nguyễn Thị Như Hoa, Trần Thị Len ở thời kỳ đỉnh cao phong độ. Điều kiện về thời gian cũng là một khó khăn cho thành tích chuyên môn cao của Đấu kiếm.
Vậy mục tiêu của môn Đấu kiếm tại SEA Games 31 là gì thưa ông?
Với Đấu kiếm Việt Nam, nếu không phải trong giai đoạn chuyển giao thế hệ thì phải là số Một khu vực Đông Nam Á, nhưng như tôi đã trao đổi ở trên liên quan tới những khó khăn trong thời điểm này nên tại SEA Games lần này chỉ tiêu đặt ra phấn đấu giành 4 huy chương Vàng trong số 12 nội dung tham dự. Đạt được mục tiêu này thì mới có thể nằm trong tốp 1, 2 quốc gia đứng đầu.
Để đạt được chỉ tiêu trên, Đấu kiếm Việt Nam đặt kỳ vọng huy chương tại SEA Games 31 vào Vũ Thành An, Nguyễn Xuân Lợi kiếm chém, Nguyễn Tiến Nhật kiếm ba cạnh nam. Nội dung kiếm liễu, chúng ta khó tranh chấp huy chương Vàng, tuy nhiên hy vọng vẫn được đặt vào Nguyễn Minh Quang, Nội dung đồng đội kiếm chém nam và kiếm ba cạnh nam cũng là niềm hy vọng giành huy chương cho chúng ta.
Ông có thể đưa ra nhận định gì về đối thủ của Đấu kiếm Việt Nam tại SEA Games 31?
Ở khu vực Đông Nam Á hiện nay, sau Việt Nam quốc gia nổi lên là một hiện tượng đó là Singapore. Ngay tại kỳ SEA Games năm 2015 diễn ra trên sân nhà, Singapore lúc đó đã chuẩn bị lực lượng để so kè ngôi vị đầu bảng với chúng ta. Lúc đó Đấu kiếm Việt Nam giành 8 huy chương Vàng đứng ở vị trí thứ Nhất bảng tổng sắp huy chương thì với 3 huy chương Vàng giành được, Singapore đứng ở vị trí thứ Nhì. Đến nay có thể nói Đấu kiếm của Singapore rất mạnh. Việc các Câu lạc bộ Đấu kiếm ở Singapore được mở ra nhiều đến mức trở thành hiện tượng xã hội, thu hút rất đông người tới tập luyện. Tôi đã chứng kiến những giải đấu quốc tế Singapore tham dự thì ngoài các vận động viên đội tuyển có rất nhiều vận động viên của các câu lạc bộ. Chính vì vậy, tại SEA Games 31, tôi đánh giá đối thủ nặng ký nhất với chúng ta chính là Singapore, tiếp đến là Thái Lan và Philippines, Indonesia còn Malaysia thấp hơn một chút.
Thời điểm từ nay tới SEA Games 31 không còn dài, với cương vị là người đứng đầu Bộ môn, ông có đề xuất, kiến nghị gì với lãnh đạo Bộ VHTTDL, lãnh đạo Tổng cục Thể dục thể thao?
Cần khẳng định ở đây rằng, môn Đấu kiếm luôn có được sự quan tâm, tạo điều kiện từ lãnh đạo Bộ VHTTDL cũng như Tổng cục TDTT. Tuy nhiên tôi mong muốn trong thờ gian tới, các cấp lãnh đạo ủng hộ, quan tâm sát sao hơn nữa trong một số việc như: tạo điều kiện cho đội tuyển thi đấu trong nước và quốc tế; chỉ đạo các trung tâm cung cấp trang thiết bị phục vụ cho đội tuyển tham dự SEA Games 31 sẽ được cấp kịp thời và đầy đủ. Bởi các trang thiết bị có càng sớm càng tốt. Như chúng ta đã biết, các vận động viên muốn thi đấu với trang thiết bị tốt thì cần có thời gian làm quen và sử dụng nó. Nếu đến gần giải đấu mới được trang bị và sử dụng thì hiệu quả sẽ không được như mong muốn.
Bài và ảnh: A.T