Judo và Kurash: đảm bảo vận động viên có được tâm thái tốt nhất khi bước vào thi đấu tại SEA Games 31

SEA Games 31 sẽ diễn ra từ ngày 21/11-2/12/2021 tại Hà Nội và các tỉnh lân cận. Để chuẩn bị cho sự kiện này, hiện các bộ môn đã, đang gấp rút chuẩn bị về lực lượng vận động viên nhằm đảm bảo mọi mặt về trình độ chuyên môn cũng như phong độ thi đấu. Để tìm hiểu về vấn đề này, phóng viên Trang tin điện tử TDTT Việt Nam đã có buổi trao đổi với ông Nguyễn Hữu An – phụ trách môn Judo và Kurash thuộc Vụ Thể thao thành tích Cao 1, Tổng cục Thể dục Thể thao.

Judo và Kurash là hai trong số 36 môn thể thao trong Chương trình thi đấu của SEA Games 31 đã được thống nhất thông qua tại Hội nghị Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á diễn ra vào tháng Bảy vừa qua. Vậy, ông có thể cho biết đôi nét về  công tác chuẩn bị của bộ môn ở thời điểm này? 

Để có được sự chuẩn bị tốt nhất cho hai môn Judo và Kurash tại SEA Games 31, ngay sau Hội nghị Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á diễn ra vào tháng Bảy vừa qua, bộ môn đã khẩn trương xây dựng kế hoạch trình lãnh đạo Vụ, lãnh đạo Tổng cục Thể dục Thể thao. Theo kế hoạch, môn Judo sẽ tập trung tập huấn 30 vận động viên và 4 huấn luyện viên tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội và dự kiến đi tập huấn trong một tháng tại Đài Loan hoặc Mông Cổ. Bên cạnh đó, các vận động viên môn Judo sẽ tham dự từ 2 đến 3 giải đấu quốc tế ở Đài Loan, Thái Lan hoặc một giải ở Nhật Bản, Hàn Quốc để tăng khả năng cọ xát cũng như kinh nghiệm thi đấu. Đó là kế hoạch mà bộ môn dự kiến, tuy nhiên còn tùy vào tình hình thực tế sẽ có sự điều chỉnh cho phù hợp. Song song với công tác chuẩn bị cho SEA Games 31 sắp tới, Judo còn tập trung tham dự vòng loại Thế vận hội Olympic mùa hè Tokyo 2020 để tranh suất tham dự Olympic Tokyo 2020. Gương mặt được kỳ vọng sẽ mang về tấm vé tham dự Olympic Tokyo 2020 của Judo là vận động viên Nguyễn Thị Thanh Thủy. Đây sẽ là giai đoạn khó khăn với Thủy bởi vừa phải tham gia các giải thi đấu vòng loại để tích điểm đồng thời vừa phải tham dự các giải đấu để chuẩn bị cho SEA Games 31.

Còn đối với Kurash, dự kiến triệu tập đội tuyển với 20 vận động viên và 3 huấn luyện viên, tập trung tập huấn ở hai nơi là Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội và Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hồ Chí Minh. Ngoài việc tập huấn trong nước, bộ môn sẽ cân đối ngân sách tập huấn và thi đấu tại nước ngoài nhằm đảm bảo cho vận động viên có được trạng thái tốt nhất về chuyên môn cũng như kinh nghiệm thi đấu. Dự kiến, đội tuyển Kurash sẽ tập huấn tại Hàn Quốc hoặc Uzbekistan (đây là nơi sản sinh ra môn thể thao này). Đồng thời, các vận động viên trong đội tuyển sẽ tham gia thi đấu tại giải vô địch thế giới ở Đài Loan và Đại hội thể thao võ thuật trong nhà châu Á tại Thái Lan vào tháng 6/2021.

Ông Nguyễn Hữu An chia vui cùng tuyển thủ Jujitsu tại SEA Games 30

Đại dịch Covid-19 có tác động không nhỏ tới hoạt động thể thao thế giới cũng như trong nước. Cụ thể với môn Judo và Kurash, trong quá trình chuẩn bị hướng tới SEA Games 31 đã gặp phải khó khăn gì thưa ông?

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất nhiều tới thể thao thế giới, điển hình là lịch tổ chức Thế vận hội Olympic mùa hè Tokyo 2020 bị lùi sang năm 2021, kéo theo đó là sự thay đổi của một loạt giải đấu vòng loại. Do vậy một số đội tuyển, trong đó có Judo vừa phải làm nhiệm vụ tích điểm vòng loại vừa phải làm nhiệm vụ SEA Games. Nhiệm vụ của các đội tuyển rất nặng nề, trong khi ngân sách hàng năm là cố định, do đó nguồn kinh phí cho tập huấn và thi đấu cũng sẽ hạn chế. Khó khăn thứ Hai mà tôi muốn nhấn mạnh ở đây đó là theo chu kỳ mà vòng loại Olympic trùng với SEA Games sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới sự chuẩn bị của các vận động viên khi họ phải căng sức tối đa để làm cả hai nhiệm vụ. Điều này cũng không phải là mới, tôi đã từng chứng kiến những khó khăn mà Văn Ngọc Tú từng phải trải qua khi tham dự SEA Games 2011, Olympic 2012 và kế tiếp là SEA Games 2015, Olympic 2016. Kết quả của việc căng sức tối đa để làm cả hai nhiệm vụ đó là vận động viên có thể vượt qua vòng loại nhưng đến SEA Games thì phong độ không còn ở điểm rơi tốt nhất. Thêm vào đó là những giải thi đấu để nâng cao trình độ và những đợt tập huấn không triển khai được, chủ yếu là tập luyện và thi đấu trong nước cũng sẽ hạn chế nâng cao trình độ và rất khó để đánh giá đối thủ. Và còn nhiều khó khăn nữa, tuy nhiên đó cũng là khó khăn chung chứ không chỉ riêng Judo và Kurash nên Bộ môn luôn ở tâm thế chủ động khắc phục khó khăn, tạo điều kiện tốt nhất cho các vận động viên trong quá trình chuẩn bị hướng tới SEA Games 31.

Ông có thể cho biết thông tin sơ bộ về địa điểm tổ chức, hạ tầng cơ sở vật chất và trang thiết bị thi đấu của môn Judo và Kurash tại SEA Games 31?

Theo đánh giá thông qua nhiều giải đấu tầm cỡ quốc tế đã được tổ chức tại Việt Nam thì chúng ta hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu tổ chức SEA Games, một sự kiện quốc tế có 10 quốc gia tham dự. Hạ tầng cơ sở và địa điểm tổ chức của cả môn Judo và Kurash đều đảm bảo đáp ứng được tiêu chuẩn yêu cầu. Theo kế hoạch, môn Kurash sẽ được tổ chức ở Nhà thi đấu Quận Hà Đông và môn Judo sẽ diễn ra ở Nhà thi đấu huyện Hoài Đức.

Không chỉ hướng tới SEA Games 31 mà sự phát triển của Judo và Kurash trong thời gian tới cũng vô cùng quan trọng, vậy ông có thể cho biết định hướng phát triển của hai môn thể thao này trong thời gian tới?

Đối với Judo, bộ môn vẫn chủ trương bám sát kế hoạch hiện nay, mở rộng phong trào và đẩy mạnh các nội dung trên thế giới đang có xu hướng phát triển như nội dung quyền, đồng đội. Bên cạnh đó tăng cường, chú trọng phát triển đội tuyển trẻ để xây dựng lực lượng kế cận, song song với đó là nâng cao chất lượng tổ chức hệ thống các giải trẻ. Còn đối với Kurash, kỹ thuật là đòn đứng của Judo nên Judo mạnh thì Kurash cũng sẽ mạnh. Hiện nay, trong số các địa phương có phong trào Judo phát triển mạnh thì thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị đứng đầu cả nước, đặc biệt về lực lượng vận động viên Nam. Sở dĩ Judo thành phố Hồ Chí Minh có được vị thế như vậy là bởi có truyền thống gây dựng phong trào và duy trì tốt. Tuyến đào tạo ở các câu lạc bộ ở cơ sở, quận, huyện, các nhà văn hóa các trung tâm được duy trì, công tác tổ chức các giải thi đấu để tuyển chọn và tìm kiếm tài năng tổ chức thường xuyên, hình thành đội tuyển thành phố và từ đó phát triển lên. Có thể lấy đây là ví dụ điển hình cho sự phát triển hơn nữa phong trào Judo trên toàn quốc.

Ông đánh giá thế nào về vai trò của Liên đoàn Judo Việt Nam trong sự phát triển của môn thể thao này?

Có thể nói, trong những năm qua, Liên đoàn Judo Việt Nam đã thể hiện vai trò tích cực hỗ trợ cho sự phát triển của môn thể thao này trên phạm vi toàn quốc về mặt chuyên môn. Trong nhiệm kỳ làm việc này, Liên đoàn Judo Việt Nam đã đảm nhiệm tốt chức năng, triển khai hiệu quả nhiệm vụ chuyên môn, tạo sự gắn kết nội bộ. Các đồng chí Phó Chủ tịch thường trực, Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn đã đưa ra rất nhiều đề xuất hữu ích cho sự phát triển của Judo Việt Nam.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Thực hiện A.T