Phú Thọ với việc khai thác công trình Nhà tập luyện và thi đấu thể thao.(10/05/2006)

Để phục vụ cho SEA Games 22 tổ chức tại Việt Nam (tháng 12/2003), đã có tổng số 43 công trình trực tiếp xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp với tổng số vốn đầu tư lên tới hàng tỷ đồng. Nhà tập luyện và thi đấu thể thao Tỉnh Phú Thọ là một trong những công trình được xây mới (tổng số vốn là 52,05 tỷ đồng), phục vụ thi đấu môn Bóng ném. Trong đợt triển khai kết nối mạng toàn ngành, phóng viên Trang tin điện tử Uỷ ban TDTT đã có dịp tìm hiểu về những vấn đề xung quanh việc sử dụng, bảo dưỡng nhà thi đấu cũng như vai trò của công trình này tới các hoạt động TDTT của Tỉnh. Dưới đây là cuộc trao đổi của phóng viên với ông Lê Văn Chỉnh, Trưởng phòng tổ chức hành chính Sở TDTT Phú Thọ.

Để phục vụ cho SEA Games 22 tổ chức tại Việt Nam (tháng 12/2003), đã có tổng số 43 công trình trực tiếp xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp với tổng số vốn đầu tư lên tới hàng tỷ đồng. Nhà tập luyện và thi đấu thể thao Tỉnh Phú Thọ là một trong những công trình được xây mới (tổng số vốn là 52,05 tỷ đồng), phục vụ thi đấu môn Bóng ném. Trong đợt triển khai kết nối mạng toàn ngành, phóng viên Trang tin điện tử Uỷ ban TDTT đã có dịp tìm hiểu về những vấn đề xung quanh việc sử dụng, bảo dưỡng nhà thi đấu cũng như vai trò của công trình này tới các hoạt động TDTT của Tỉnh. Dưới đây là cuộc trao đổi của phóng viên với ông Lê Văn Chỉnh, Trưởng phòng tổ chức hành chính Sở TDTT Phú Thọ.

* Nằm trong dự án đầu tư cho SEA Games 22 tổ chức tại Việt Nam, Tỉnh Phú Thọ được xây dựng một nhà thi đấu mới, đạt tiêu chuẩn quốc tế. Vậy xin ông cho biết thực trạng việc sử dụng công trình nhà thi đấu hiện nay của Sở TDTT Tỉnh?

Có thể nói, sau khi tổ chức thành công môn Bóng ném SEA Games 22, Sở TDTT Phú Thọ (đơn vị trực tiếp tiếp nhận và quản lý công trình Nhà luyện tập và thi đấu thể thao Tỉnh Phú Thọ) đã rất quan tâm và tận dụng khai thác một cách có tổ chức công trình này.

Sở đã thành lập Ban quản lý nhà thi đấu gồm 12 thành viên (trực thuộc Sở TDTT) trực tiếp tham gia quản lý, điều hành và sử dụng các trang thiết bị phục vụ cho các hoạt động thể thao trong và ngoài Tỉnh. Mặt bằng của công trình đã được tận dụng tối đa để huấn luyện một số môn thể thao như: Vật, Wushu, Đẩy gậy, Bắn nỏ... Đi kèm với công trình còn có nhiều trang thiết bị, dụng cụ tập luyện hiện đại, Sở TDTT Phú Thọ đã sử dụng một cách có hiệu quả các trang thiết bị này vào việc tập luyện nâng cao thành tích cho các VĐV (như thành lập một phòng tập thể lực cho VĐV với máy móc, dụng cụ tập luyện được trang bị từ khi có SEA Games).

Hiện nay, tầng hầm nhà thi đấu đã trở thành văn phòng, phòng họp và là nơi làm việc cho các cán bộ Sở. Sau khi SEA Games 22 kết thúc, được sự quan tâm, đầu tư của lãnh đạo ngành, Sở TDTT Phú Thọ đã tổ chức thành công nhiều giải đấu ngay chính tại nhà thi đấu (một năm tổ chức khoảng gần 5 giải quốc gia, 6 giải khu vực và gần như tháng nào cũng tổ chức các giải của các Bộ, ngành trong Tỉnh).

* Vậy công tác giữ gìn và bảo tồn công trình này được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Bên cạnh việc khai thác, sử dụng, chúng tôi rất quan tâm, chú trọng tới công tác bảo quản công trình nhà thi đấu với những quy chế về khai thác, sử dụng, thu, chi đối với nhà thi đấu. Thường xuyên có người trông coi, giữ gìn vệ sinh sạch đẹp. Công tác kiểm tra định kỳ và bảo dưỡng, bảo trì những hạng mục nhà thi đấu luôn được nhà thầu và Sở TDTT Tỉnh quan tâm, đảm bảo quá trình hoạt động liên tục, đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật và độ bền của công trình.

* Xin ông cho biết những ảnh hưởng nhất định của công trình Nhà tập luyện và thi đấu thể thao Tỉnh Phú Thọ tới công tác xã hội hóa TDTT và Tỉnh Phú Thọ đã có sự phối, kết hợp về hoạt động TDTT như thế nào đối với Công ty giấy Bãi Bằng để thực hiện tốt công tác này?

Sau khi có Nghị quyết của Chính phủ về việc triển khai công tác xã hội hoá trong lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hoá. Tỉnh Phú Thọ cũng đã xây dựng chương trình, kế hoạch để phát triển xã hội hóa TDTT. Góp phần đẩy nhanh quá trình xã hội hóa, trong 2 năm vừa qua, công trình Nhà tập luyện và thi đấu Tỉnh Phú Thọ đã là nơi tổ chức thành công nhiều giải đấu với quy mô, tầm cỡ lớn. Thông qua các giải đấu này, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã đầu tư kinh phí vào hoạt động quảng cáo, tài trợ cho giải nhằm quảng bá thương hiệu của mình, tạo nguồn thu không nhỏ góp phần phát triển sự nghiệp TDTT cơ sở (xuất hiện ngày càng nhiều các CLB thể dục thể hình, võ thuật, Bóng đá, Bóng bàn, Điền kinh… Hiện nay, trên toàn Tỉnh có 420 CLB TDTT, tăng 18 CLB so với năm 2004).


Mỗi dịp tổ chức giải là Nhà thi đấu lại tràn ngập băng rôn, khẩu hiệu, biển quảng cáo (Ảnh:NTH)

Trong những năm qua Sở TDTT Phú Thọ đã thực hiện tốt công tác phối, kết hợp về hoạt động TDTT với Công ty giấy Bãi Bằng. Là một doanh nghiệp của nhà nước đóng trên địa bàn Tỉnh, nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, 2 đơn vị đã rất chú trọng tới việc phát triển phong trào TDTT. Đặc biệt, công ty đã đứng ra đỡ đầu cho đội Bóng chuyền nữ (mang tên đội Bóng chuyền nữ Công ty giấy Bãi Bằng), mọi kinh phí hoạt động của đội chủ yếu đều do Công ty chu cấp, trang trải và Sở TDTT cũng hỗ trợ một phần. Ngoài ra, với hình thức tương tự, còn có đội Bóng chuyền nam của Công an tỉnh. Có thể nói đây là 2 đội Bóng chuyền mạnh nhất đại diện cho Phú Thọ tham dự nhiều giải đấu và đạt được những thành tích đáng khích lệ.

* Với tư cách là nhà quản lý công tác tổ chức hành chính, theo ông Sở TDTT Phú Thọ cần có kế hoạch như thế nào để thực hiện mục tiêu trở thành Trung tâm TDTT của các tỉnh miền núi phía Bắc (giai đoạn 2010- 2015)?

Cùng những khó khăn về kinh tế hiện nay, ngân sách đầu tư cho TDTT ở các cấp còn rất hạn chế, đặc biệt thiếu hụt cho các hoạt động thể thao ở tuyến cơ sở (có những xã kinh phí hoạt động cho cả văn hoá và thể thao là 2 triệu đồng, với mức kinh phí này chỉ đủ để tổ chức 1, 2 cuộc thi đấu). Vì vậy, rất mong lãnh đạo ngành bổ xung thêm kinh phí sự nghiệp cho hoạt động TDTT tại các xã, huyện còn gặp nhiều khó khăn.

Trong điều kiện hiện nay, cùng với sự phát triển của nhiều Bộ, ngành, Thể thao Phú Thọ đã có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, dưới góc độ của người làm công tác tổ chức hành chính tôi thấy, lực lượng cán bộ của ngành cũng như số lượng biên chế, định biên mà ngành quy định đối với các cấp của địa phương (từ cấp xã đến cấp Tỉnh) vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của TDTT. Như ở cấp xã chỉ có một cán bộ văn hoá phụ trách chung cả mảng thể thao và văn hoá, vừa có nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước vừa có nhiệm vụ tác nghiệp về mặt chuyên môn của TDTT nên khó có thể bao quát công việc một cách chặt chẽ và đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng mạnh của phong trào thể thao quần chúng. Vì vậy, cần thiết phải tăng thêm số lượng biên chế cán bộ, đặc biệt là biên chế cán bộ làm công tác quản lý nhà nước và cán bộ hoạt động cho sự nghiệp TDTT của Tỉnh.

* Xin chân thành cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

NTH






 

Ảnh trong bài
  • Phú Thọ với việc khai thác công trình Nhà tập luyện và thi đấu thể thao.(10/05/2006)