Công tác hợp tác quốc tế của ngành TDTT trước ngưỡng cửa Việt Nam gia nhập WTO (14/07/2006)

Gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) là sự kiện lớn của Việt Nam đòi hỏi tất cả các lĩnh vực, ngành, nghề trong toàn xã hội cần có những thay đổi phù hợp. Dù không thuộc lĩnh vực kinh tế nhưng công tác hợp tác quốc tế của ngành Thể dục Thể thao ít nhiều cũng chịu ảnh hưởng trước sự kiện trên. Để hiểu rõ hơn vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn Ông Nguyễn Văn Quân - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế.

Gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) là sự kiện lớn của Việt Nam đòi hỏi tất cả các lĩnh vực, ngành, nghề trong toàn xã hội cần có những thay đổi phù hợp. Dù không thuộc lĩnh vực kinh tế nhưng công tác hợp tác quốc tế của ngành Thể dục Thể thao ít nhiều cũng chịu ảnh hưởng trước sự kiện trên. Để hiểu rõ hơn vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn Ông Nguyễn Văn Quân - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế.

* Thưa ông, ông có thể đánh giá thực trạng hoạt động hợp tác quốc tế của Ngành Thể dục Thể thao trong thời điểm hiện tại?

Cùng với các ngành khác, Thể thao Việt Nam đang tiến nhanh, tiến mạnh trong công cuộc đổi mới ở trong nước và quốc tế. Về mặt hợp tác quốc tế, Việt Nam hiện đang là thành viên tích cực của Đại gia đình Uỷ ban Olympic Quốc tế với hơn 120 thành viên, đồng thời là một trong những nước được các tổ chức Thể thao khu vực và quốc tế ưu tiên hỗ trợ phát triển, chọn làm trọng điểm. Tính đến thời điểm này, ngành TDTT đã có quan hệ hợp tác chặt chẽ với tất cả các châu lục, khu vực trên thế giới, đã ký kết Thoả thuận hợp tác về mặt pháp lý với hầu hết các cường quốc thể thao lớn như: Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc. Pháp, Tây Ban Nha, Argentina, Hàn Quốc... với tất cả các nước trong khối ASEAN và rất nhiều nước khác ( khoảng 30 Thoả thuận hợp tác về TDTT với các nước trên thế giới).

Có thể nói, quan hệ hợp tác TDTT giữa Việt Nam với các nước trên thế giới là thuận lợi, chất lượng và hiệu quả nhất từ trước tới nay (xét cả về sự hiểu biết lẫn nhau và về chuyên môn). Điều đó đã góp phần to lớn trong sự nghiệp phát triển TDTT nước nhà. Tuy nhiên, công tác hợp tác quốc tế đòi hỏi ngày càng phải tập trung hơn nữa về chất lượng, bởi ngân sách Nhà nước dành cho TDTT còn hạn hẹp nên chúng ta cần thiết phải cân nhắc chi tiêu đảm bảo mang lại hiệu quả cao nhất.

* Theo ông, khi Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), hoạt động hợp tác quốc tế của Ngành sẽ có những khó khăn và thuận lợi gì? Ông có thể dự kiến hoạt động hợp tác quốc tế của Ngành sẽ thay đổi như thế nào?

Việt Nam sắp gia nhập WTO là một tin rất đáng mừng vì đây là sân chơi kinh tế, thương mại lớn và cao cấp nhất thế giới, hoạt động giao lưu hợp tác quốc tế của Việt Nam sẽ được mở rộng, quảng bá hơn. Thể thao Việt Nam sẽ là lĩnh vực đầu tư mới trong nền kinh tế, kể cả yếu tố nhân lực, các hoạt động TDTT như chuyển nhượng cầu thủ, VĐV, quyền đăng cai - tổ chức các giải thi đấu thể thao... Lĩnh vực thể thao chắc chắn sẽ có điều kiện thu hút được nhiều nhà tài trợ lớn, kinh doanh thể thao, đầu tư vào các cơ sở hạ tầng phục vụ cho thi đấu thể thao... Lúc đó, hoạt động TDTT không chỉ nhằm phục vụ sức khoẻ cộng đồng mà còn nhằm gây quỹ, huy động vốn, kể cả tìm kiếm lợi nhuận.

Bên cạnh những thuận lợi, những ưu điểm tích cực, chúng ta cũng sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức mới. Một trong những khó khăn và thách thức lớn nhất của Thể thao Việt Nam là chưa đủ mạnh, chưa đủ hoàn thiện về trình độ chuyên môn, cũng như cơ chế hoạt động, sức mạnh tài chính, các quyết định, chính sách, tính xã hội hoá, chuyên nghiệp hóa, vấn đề về HLV, trọng tài... đều còn nhiều điều bất cập trong một môi trường có nhiều biến đổi.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế mới rộng mở, tự do như vậy, hoạt động hợp tác quốc tế của TDTT cũng phải thay đổi thì mới bắt kịp được với sự phát triển của xã hội và của thế giới. Tôi nghĩ, sắp tới vấn đề chuyên nghiệp hoá nhiều môn thể thao đặc biệt là ở một số môn phổ cập như: Bóng đá, Tennis, Cầu lông, Golf... sẽ trở nên gay gắt hơn vì yêu cầu nhanh chóng nâng cao về trình độ kỹ thuật của VĐV, HLV; về cơ sở vật chất, sân bãi; nhu cầu tăng ngân sách, tăng chi phí cho các môn này; tăng nguồn thu để không phải phụ thuộc vào bao cấp của nhà nước.

Tôi tin chắc rằng Thể thao Việt nam sẽ được đón nhiều nhà đầu tư mới, có thể góp phần thúc đẩy, phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ các hoạt động thi đấu và tập luyện thể thao theo tiêu chuẩn quốc tế. Vậy nên, trong những năm tới, Ngành ta sẽ phải hoàn chỉnh dần các quy định, luật lệ về những vấn đề này một cách rõ ràng, cụ thể hơn.

* Trước ngưỡng cửa gia nhập WTO, theo ông, ngành Thể dục Thể thao nói chung và Vụ Hợp tác quốc tế nói riêng cần thiết chuẩn bị những gì để đáp ứng nhu cầu của tình hình thực tế trong quá trình hội nhập đó?

Tất nhiên, ngành Thể dục Thể thao cần phải làm nhiều việc, nhưng đầu tiên, cần nâng cao nhận thức của cán bộ Ngành về nhu cầu đổi mới TDTT khi gia nhập WTO... Ngành cần dự đoán trước các tình huống có thể xảy ra và tác động trực tiếp của nó lên lĩnh vực TDTT để từ đó đề ra những quyết sách kịp thời, chính xác về các vấn đề mà tôi đã đề cập ở trên. Đồng thời, chúng ta cần từng bước chắc chắn nhưng phải nhanh chóng hoàn chỉnh hệ thống luật, chính sách trong lĩnh vực TDTT cho phù hợp với tình hình mới. Tôi nhắc lại, trong hoàn cảnh mới, Thể thao Việt Nam càng cần tập trung vào lựa chọn những đối tác có trình độ cao, xứng đáng, chất lượng, hiệu quả và chi phí phù hợp với ngân sách của ngành TDTT.

* Xin chân thành cám ơn ông!

Hồng Xiêm thực hiện



 

Ảnh trong bài
  • Công tác hợp tác quốc tế của ngành TDTT trước ngưỡng cửa Việt Nam gia nhập WTO (14/07/2006)