Trong suốt chiều dài lịch sử nước ta, quan điểm lấy dân làm gốc luôn được các triều đại phong kiến trước đây và Nhà nước ta hiện nay coi là nền tảng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Triều đại nhà Trần với kế sách “khoan sức dân” - như Trần Quốc Tuấn từng nói là kế “ Sâu rễ bền gốc” đã góp phần chiến thắng quân xâm lược Nguyên Mông hùng mạnh. Đến thời kỳ chống giặc Minh, Nguyễn Trãi với quan điểm “Dân vi quý” đã giành độc lập, xây dựng lên một triều đại phong kiến Đại Việt hưng thịnh. Thời đại Hồ Chí Minh, trên cơ sở Chủ nghĩa Mác-Lê Nin “ Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng” và quan điểm của Bác “ Chở thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”, Đảng và Nhà nước ta đã đoàn kết toàn dân phát huy sức mạnh của toàn Dân tộc làm nên những chiến thắng diệu kỳ trong các cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc và công cuộc xây dựng đất nước hiện nay. Điều này cho thấy ở thời đại nào thì vai trò của quần chúng nhân dân cũng mang tính quyết định đối với vận mệnh của dân tộc.
Với những ưu việt của Chế độ Nhà nước ta hiện nay, quan điểm này càng được Đảng và Nhà nước quán triệt và thực hiện bằng những phương thức tốt nhất để mọi công dân phát huy được hết các khả năng của mình tham gia vào việc quản lý xã hội cũng như công tác quản lý nhà nước. Vai trò của thanh tra nhân dân luôn được Đảng và Nhà nước hết sức coi trọng, điều này không chỉ được thể hiện trong các Văn kiện của Đảng mà còn được thể hiện trong các văn bản pháp luật của Nhà nước, cụ thể là trong Luật Thanh tra năm 2004, Nghị định số 99/2005/NĐ-CP, ngày 28/5/2005 của Chính phủ. Nâng cao vị trí, vai trò của thanh tra nhân dân là nhằm tăng cường trật tự, kỷ cương trong quản lý nhà nước, tăng cường sự giám sát của nhân dân đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước, cán bộ công chức, phát huy dân chủ, thực hiện phương thức dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra.
Với tư cách là một tổ chức của quần chúng, trong vai trò kiểm tra, giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, nhiệm vụ công tác hàng năm của cơ quan, đơn vị bằng phương thức tiếp nhận các ý kiến phản ánh của cán bộ, công nhân, viên chức, thu thập các thông tin, tài liệu để xem xét, theo dõi cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tại cơ sở, hoạt động của Thanh tra nhân dân góp phần phát huy quyền làm chủ của người lao động, đảm bảo dân chủ ở cơ sở. Nhất là trong xu thế hội nhập của đất nước ta hiện nay, quyền dân chủ ngày càng được mở rông, phát huy, tính công khai, minh bạch trong các hoạt động của các cơ quan đơn vị Nhà nước ngày càng đòi hỏi cao thì vai trò của thanh tra nhân dân càng cần được coi trọng.
Mặc dù công tác thanh tra nhân dân gặp không ít khó khăn vì cả lý do chủ quan và khách quan, đối tượng giám sát là người có quyền lực, các hoạt động nghiệp vụ như thu thập thông tin, xác minh, tiếp nhận ý kiến phản ánh không mang tính quyền lực nhà nước nên quyền lực thực tế bị hạn chế nhiều. Nhưng hoạt động thanh tra nhân dân là kiểm tra giám sát từ dưới lên, không bị hạn chế về phạm vi hoạt động vì vậy những thông tin thu thập phản ánh được dư luận, quan điểm của quần chúng về mỗi vụ việc. Tổng kết thực tiễn cho thấy, tình trạng khiếu kiện vượt cấp, kéo dài, gây mất đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng đến hoạt động chung của đơn vị thường diễn ra ở những nơi mà vai trò của thanh tra nhân dân chưa được coi trọng, các mâu thuẫn không được giải quyết ngay từ cơ sở, tính công khai, minh bạch tại các đơn vị này chưa cao.
Nâng cao hiệu quả hoạt động của thanh tra nhân dân trong công tác giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật, việc giải quyết khiếu nại-tố cáo, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở là phương thức để phát huy sức mạnh tập thể mà không làm giảm vai trò cá nhân trong công tác quản lý nhà nước trong giai đoạn hiện nay.
Trần Quang Vinh, Thanh tra Uỷ ban TDTT