Cơ hội chia sẻ những kinh nghiệm quan trọng trong phát triển Thể thao thành tích cao giữa Việt Nam và Pháp

Trong khuôn khổ Lễ kí kết Biên bản thỏa thuận hợp tác Ba bên Việt Nam – Pháp diễn ra vào sáng ngày 26/5 tại Hà Nội, Tọa đàm về thể thao thành tích cao Việt Nam – Pháp cũng được tổ chức đã đem đến cho các đại biểu tham dự những góc tiếp cận đa dạng về những giá trị mà lĩnh vực này đem lại.

Theo đó, Tọa đàm với những nội dung như: Chìa khóa thành công của các VĐV thành tích cao – mô hình Pháp; Tâm lý – bí quyết để chiến thắng; Làm thế nào để thể thao thành tích cao có thể truyền cảm hứng cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu suất tổ chức đã được các diễn giả chia sẻ đầy tâm huyết, mang đến cơ hội quan trọng cho các đại biểu tham dự kinh nghiệm ứng dụng một cách hiệu quả các nội dung thảo luận vào thực tiễn.

Trên cơ sở các chia sẻ về những mô hình thể thao của Pháp do các diễn giả trình bày, các đại biểu đã có cách đánh giá nhiều chiều về mô hình này, từ đó rút ra các yếu tố phù hợp với thực tiễn phát triển thể thao tại  Việt Nam.

Ông Stéphane Morin, Giám đốc MY COACH PRO chia sẻ những ý kiến đóng góp quan trọng cho thể thao Việt Nam

Chia sẻ về vấn đề này, ông Marc Collyer, Phó Giám đốc Trung tâm Thể thao Normandie cho biết, đối với thể thao thành tích cao, để tài năng được phát triển tối đa cần được hỗ trợ cá nhân hóa chuyên môn. Cá nhân hóa chuyên môn là nguyên tắc trong huấn luyện, là những bài tập về thể chất và tinh thần dành riêng và phù hợp đối với VĐV tiềm năng đó.

Khi được hỏi về vai trò của Normandie trong việc hỗ trợ thể thao thành tích cao Việt Nam phát triển, ông Marc Collyer bày tỏ quan điểm sẵn sàng đón tiếp các VĐV Việt Nam tới đây tập luyện cũng như chia sẻ kinh nghiệm, hạ tầng cơ sở thông qua các hoạt động hợp tác phong phú.

Nhắc tới gốc rễ của thể thao thành tích cao chính là thể thao cho mọi người, trong đó, thể thao trường học là phần không thể thiếu, Ông Cédric Pons, giảng viên Giáo dục thể chất & thể thao học đường nhấn mạnh: Vai trò của thể thao trong trường học là phát hiện ra các tài năng thể thao từ ghế nhà trường, để từ đó khuyến khích các em phát triển. Nhà trường có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các em phát huy tối đa khả năng bằng cách tìm các trung tâm tập luyện phù hợp đồng thời tạo điều kiện cho các tài năng này tham gia vào các giải đấu khác nhau. Cùng với đó, nhà trường vẫn phải đảm bảo điều kiện học tập tại trường cho các em học sinh này. Cho phép học sinh phát huy tối đa năng lực cả về học tập lẫn thể lực chính là điểm mạnh của hệ thống giáo dục Pháp mà ông Cédric Pons đã chỉ ra.

Tọa đàm cũng ghi nhận những chia sẻ quan trọng của ông Stéphane Morin, Giám đốc MY COACH PRO. Chuyên gia  Stéphane Morin vừa kết thúc lớp tập huấn sử dụng phần mềm quản lý HLV, VĐV cho các HLV đang trực tiếp làm công tác huấn luyện tại các Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia tại Việt Nam.

Lấy kinh nghiệm có được từ lớp tập huấn vừa kết thúc, ông Stéphane Morin cho biết, khi làm việc với các HLV, ông đã hướng dẫn họ cách đặt câu hỏi cho các VĐV để thông qua những câu trả lời của các VĐV, hiểu được mong muốn của họ. Từ cách đặt câu hỏi, nghiên cứu câu trả lời có thể xây dựng cho VĐV những phương pháp tập luyện hiệu quả, phù hợp.

Ông Stéphane Morin cũng nhấn mạnh rằng: Muốn tăng cường hợp tác cần phải tăng cường làm việc chung, tăng cường  trau dồi, chia sẻ kinh nghiệm và lắng nghe nhau. Đây là những yếu tố quan trọng trong việc hướng tới quan hệ đối tác hiệu quả.

Trong phần chia sẻ của mình, ông Stéphane Morin đánh giá cao những nỗ lực của HLV, VĐV Việt Nam. Thể thao Việt Nam luôn cho thấy sự nỗ lực cũng như tôn trọng và bảo vệ bản sắc, chính vì vậy, các VĐV cũng cần được phát triển dựa trên những nền tảng vốn có, kết hợp với sự học hỏi và ứng dụng phù hợp. Với điều kiện tài chính và cơ sở tập luyện hiện có, ông Stéphane Morin nhận xét rằng, các VĐV Việt Nam đã cho thấy sự nỗ lực rất lớn.

Tọa đàm về thể thao thành tích cao Việt Nam – Pháp: Cơ hội sẻ chia những kinh nghiệm quan trọng

Đến với Tọa đàm, đại diện cho các VĐV, đặc biệt là VĐV Thể thao người khuyết tật, võ sĩ Lê Văn Công cũng đã chia sẻ câu chuyện của riêng mình. Theo Công, thể thao với anh trước hết là đam mê. Mục tiêu đầu tiên Lê Văn Công đến với thể thao là để tập luyện, có sức khỏe và giao lưu học hỏi cũng như vượt qua nghịch cảnh và chiến thắng bản thân. Võ sĩ hàng đầu của thể thao người khuyết tật Việt Nam còn mong muốn dùng khả năng của mình để chứng minh rằng người khiếm khuyết cũng có thể làm được những điều mà người bình thường làm được, từ đó thay đổi quan điểm của cộng đồng về người khuyết tật, rằng người khuyết tật không phải là gánh nặng của xã hội...

Gửi thông điệp tới các học sinh tham dự Tọa đàm, võ sĩ Lê Văn Công nhắn nhủ tới thế hệ tương lai rằng: Hãy tự tin vào chính bản thân, luôn cố gắng và giữ vững niềm tin, luôn dành hơn 100% sức lực để đạt được mục tiêu mà mình đặt ra.

A.T, ảnh Văn Duy

Ảnh trong bài
  • Cơ hội chia sẻ những kinh nghiệm quan trọng trong phát triển Thể thao thành tích cao giữa Việt Nam và Pháp
  • Cơ hội chia sẻ những kinh nghiệm quan trọng trong phát triển Thể thao thành tích cao giữa Việt Nam và Pháp
  • Cơ hội chia sẻ những kinh nghiệm quan trọng trong phát triển Thể thao thành tích cao giữa Việt Nam và Pháp