
Giải Bóng chuyền trẻ quốc gia năm 2025 (Ảnh: BTC)
Trả lời những thắc mắc này của báo giới, ông Lê Trí Trường – Tổng thư ký Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam – cho biết: “Với các giải do Cục TDTT Việt Nam quản lý và tổ chức, như giải trẻ quốc gia, VFV tham gia hỗ trợ và không quyết định về mức thưởng. Các khoản chi cho cúp, huy chương hay giải cá nhân đều theo quy định tài chính của nhà nước. Tuy nhiên, tiền thưởng cho các danh hiệu cá nhân tại giải bóng chuyền trẻ Quốc gia 2025 không có trong quy định của Cục TDTT, vì vậy số tiền thưởng này do VFV hỗ trợ và mang tính động viên cho các VĐV… Những giải đấu do VFV quản lý và tổ chức như giải vô địch quốc gia thì mọi chi phí đều do nguồn xã hội hóa đến từ các nhà tài trợ. Giải trẻ quốc gia nằm trong hệ thống do Cục TDTT chủ trì. Vì vậy, mức thưởng cá nhân tại đây tuân thủ quy định chung, không thể điều chỉnh tùy ý. Các danh hiệu cá nhân tại giải đấu không có trong quy định của Cục TDTT mà do VFV hỗ trợ với ý nghĩa động viên tinh thần cho các VĐV…”.
Chính nội dung trả lời trên đã phần nào gây nên sự hiểu lầm trong dư luận, rằng giải do Liên đoàn (VFV) quản lý và tổ chức (như giải VĐQG) thì tiền thưởng mới cao (như tổng giải thưởng giải VĐQG 2025 được công bố là hơn 2 tỷ đồng, trong đó đội vô địch nhận 500 triệu đồng), trong khi giải “do Cục TDTT chủ trì” thì không hề có tiền thưởng và mức thưởng kể trên chỉ là “hỗ trợ” từ VFV. Sự thật không như vậy.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, hệ thống các giải bóng chuyền quốc gia hiện do bộ môn Bóng chuyền thuộc Cục TDTT Việt Nam (đại diện cơ quan quản lý nhà nước) và Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam cùng phối hợp từ lên kế hoạch tới công tác tổ chức. Theo quy định trong Luật Thể dục, thể thao sửa đổi năm 2018 (Điều 38a), toàn bộ các giải cấp quốc gia đều do Liên đoàn ban hành Điều lệ. Hệ thống bóng chuyền quốc gia hiện tại bao gồm các giải có sử dụng và không sử dụng ngân sách nhà nước (kinh phí từ nguồn xã hội hóa). Giải trẻ quốc gia thuộc diện “có sử dụng ngân sách nhà nước” trong công tác tổ chức (chủ yếu để chi trả cho các tổ chức phí, BTC, trọng tài). Bên cạnh đó, các khoản tiền thưởng sẽ do Liên đoàn huy động trên nguyên tắc xã hội hóa. Điều lệ giải trẻ năm 2025 (do Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam ban hành ngày 15/1/2025, người ký là TTK Lê Trí Trường) cũng thể hiện rất rõ sự phân nhiệm này, trong quy định về khen thưởng (Điều 7 về “Khen thưởng, Kỷ luật”: Cục TDTT trao huy chương cho các đội; Liên đoàn BCVN trao cờ và tiền thưởng.
Như vậy, có thể khẳng định, việc tìm kiếm tài trợ và trao tiền thưởng tại giải này vừa quyền (được đại diện nhà tổ chức giải để huy động các nguồn lực), vừa chính là trách nhiệm của LĐ Bóng chuyền Việt Nam trong khâu phối hợp tổ chức với cơ quan quản lý nhà nước. Việc tiền thưởng ít hay nhiều phụ thuộc vào khả năng huy động nguồn kinh phí xã hội hóa, vốn cũng dễ hiểu (đa số các giải trẻ quốc gia, không chỉ trong môn bóng chuyền thường khó khăn trong việc vận động tài trợ). Trên thực tế, việc các đội tham dự giải đấu cũng vừa là trách nhiệm (đối với cơ quản chủ quản), vừa là quyền lợi (cơ hội để các VĐV trẻ được thi đấu, cọ xát, nâng cao trình độ), sau khi được xác nhận thành tích (thông qua những tấm huy chương), các HLV, VĐV thường sẽ có sự khen thưởng nhất định, tùy vào điều kiện, quy định của cơ quan quản lý nhà nước về TDTT ở địa phương hoặc đơn vị (CLB).
Điều đáng suy ngẫm đằng sau câu chuyện vốn rất nhỏ (nhưng bị hiểu lầm) này chính là thực tế không chỉ Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam mà nhiều tổ chức xã hội nghề nghiệp khác về thể thao của chúng ta đều còn nhiều hạn chế, khó khăn trong huy động các nguồn lực xã hội để phát triển bộ môn (đặc biệt với các giải trẻ). Trong đó, có những Liên đoàn đã và đang thể hiện sức ỳ, nên chúng ta rất cần sự thẳng thắn nhìn nhận của các nhà lãnh đạo Liên đoàn/hội thể thao, từ đó có sự thay đổi, năng động, tích cực hơn trong các mặt hoạt động để phát huy được vai trò, trách nhiệm của mình đối với thể thao nước nhà!
HỮU BÌNH