Ông có thể chia sẻ những thành tích nổi bật của Thể thao Người khuyết tật Thành phố Hồ Chí Minh trong những năm qua?
Trong hơn hai thập kỷ qua, Thể thao Người khuyết tật thành phố Hồ Chí Minh luôn giữ vững vị trí dẫn đầu cả nước về thành tích và số lượng huy chương tại các đấu trường trong nước. Thành phố là cái nôi đào tạo và cung cấp nguồn lực chủ lực cho Đoàn Thể thao Người khuyết tật Việt Nam, với tỷ lệ đóng góp lên đến 3/4 lực lượng tham dự các kỳ Para Games và Asian Para Games.
Đáng chú ý, thể thao người khuyết tật thành phố luôn chiếm từ 70% đến 75% tổng số HCV quốc tế của đoàn Việt Nam trong hơn 20 năm qua, khẳng định vai trò đầu tàu trong phong trào thể thao người khuyết tật cả nước.
Tại đấu trường Paralympic – đỉnh cao của thể thao thế giới, Thành phố Hồ Chí Minh đã sản sinh ra nhiều VĐV xuất sắc, tiêu biểu là lực sĩ Lê Văn Công với thành tích ấn tượng ở 3 kỳ Paralympic liên tiếp, gồm: 01 HCV (Rio 2016), 01 HCB (Tokyo 2020) và 01 HCĐ (Paris 2024).
Đặc biệt, ở kỳ Paralympic Paris 2024 vừa qua, thành phố vinh dự là địa phương duy nhất đóng góp 100% lực lượng VĐV đạt chuẩn tham dự Paralympic ở ba môn trọng điểm: Điền kinh, Bơi lội và Cử tạ. Đây là minh chứng rõ nét khẳng định chất lượng huấn luyện, sự đầu tư bài bản và nỗ lực không ngừng của Thể thao người khuyết tật thành phố Hồ Chí Minh.

Được biết đến là đơn vị đi đầu trong phong trào thể thao người khuyết tật, thành phố đã có những giải pháp gì để ngày càng thu hút người khuyết tật tham gia các hoạt động TDTT, thưa ông?
Là địa phương có phong trào Thể thao người khuyết tật phát triển mạnh mẽ, thành phố Hồ Chí Minh đã và đang triển khai nhiều giải pháp toàn diện, nhằm mở rộng cơ hội tiếp cận và tham gia thể thao cho người khuyết tật trên địa bàn.
Thứ nhất, thành phố chú trọng xây dựng mạng lưới tập luyện thể thao rộng khắp dành cho người khuyết tật, thông qua việc vận dụng linh hoạt và hiệu quả các nguồn lực sẵn có từ hệ thống cơ sở thể thao công lập, các trường chuyên biệt, CLB dân lập đến các doanh nghiệp xã hội. Hiện nay, thành phố đã phát triển hơn 20 môn thể thao dành cho người khuyết tật. Ngoài các môn truyền thống như: Điền kinh, Bơi lội, Cử tạ, Bóng đá, Cầu lông, Bóng bàn, Cờ vua… chúng tôi còn tiên phong mở rộng nhiều bộ môn mới như: Bắn cung, Pickleball, Bóng rổ, Bóng chày, Thể thao điện tử, Bocce, Boccia, Judo, Karatedo, Hockey… Từ đó tạo điều kiện cho người khuyết tật lựa chọn môn thể thao phù hợp với khả năng và sở thích của mình.
Thứ hai, thành phố triển khai sáng kiến “Trao quyền cho người khuyết tật trong lĩnh vực TDTT”, khuyến khích người khuyết tật tham gia vào công tác điều hành, huấn luyện, tổ chức sự kiện, làm trọng tài… cho chính cộng đồng của mình. Đây không chỉ là cách để phát triển phong trào từ gốc mà còn giúp người khuyết tật khẳng định vai trò, nâng cao chất lượng cuộc sống và giá trị bản thân thông qua thể thao.
Thứ ba, thành phố tích cực liên kết với các Liên đoàn, Hiệp hội, tổ chức xã hội và doanh nghiệp để tổ chức nhiều hoạt động thể thao có ý nghĩa như: chương trình “Chú Ếch xanh”, phong trào “Thể thao vì ngày mai”,… các sân chơi thể thao cộng đồng dành cho người khuyết tật đã góp phần xây dựng một môi trường sống năng động, hòa nhập và đầy cảm hứng.
Thứ tư, thành phố đặc biệt quan tâm khuyến khích và hỗ trợ các VĐV khuyết tật trưởng thành tiếp tục đồng hành với phong trào bằng cách thành lập và huấn luyện các CLB thể thao dành cho trẻ em khuyết tật. Đây là lực lượng kế thừa và lan tỏa tinh thần thể thao tích cực đến các thế hệ sau.
Với những giải pháp đồng bộ và hướng đến cộng đồng như vậy, thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục khẳng định vai trò đầu tàu trong phong trào Thể thao người khuyết tật cả nước, đồng thời tạo dựng môi trường thể thao thân thiện, cởi mở và đầy cơ hội cho người khuyết tật.
Ngoài những thành tích trên, đâu là những khó khăn, hạn chế ảnh hưởng tới phong trào Thể thao người khuyết tật trên địa bàn Thành phố, thưa ông?
Dù phong trào Thể thao người khuyết tật tại Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều điểm sáng và được đánh giá là đơn vị dẫn đầu cả nước, nhưng trên thực tế vẫn còn tồn tại không ít khó khăn, hạn chế ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của phong trào này.

Trước hết, hạ tầng cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động TDTT của người khuyết tật còn rất thiếu thốn. Thành phố hiện đang thiếu các sân bãi, địa điểm tập luyện chuyên biệt phù hợp với điều kiện thể chất và đặc thù của người khuyết tật. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tiếp cận và duy trì tập luyện thể thao thường xuyên của cộng đồng người khuyết tật.
Bên cạnh đó, một khó khăn lớn khác là thành phố hiện chưa có chủ trương đào tạo VĐV khuyết tật theo hệ thống thể thao thành tích cao như các VĐV bình thường khác. Do vậy, phần lớn VĐV khuyết tật hiện nay tham gia tập luyện hoàn toàn không có chế độ đãi ngộ, hỗ trợ nào. Chỉ một số ít cá nhân xuất sắc được triệu tập vào đội tuyển quốc gia mới được hưởng chế độ tiền ăn, tiền công tập luyện theo quy định.
Việc thiếu cơ chế hỗ trợ này đã và đang gây ra nhiều trở ngại cho công tác phát hiện, bồi dưỡng và phát triển tài năng thể thao người khuyết tật theo hướng chuyên nghiệp. Đồng thời, nó cũng ảnh hưởng đến động lực, tinh thần và khả năng đầu tư lâu dài vào việc nâng cao trình độ chuyên môn cho lực lượng VĐV người khuyết tật tại thành phố.
Để thúc đẩy phong trào Thể thao người khuyết tật trên địa bàn thành phố, trong thời gian tới ngành TDTT đã có kế hoạch như thế nào, thưa ông?
Trong thời gian tới, ngành TDTT thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục kiên trì theo đuổi chủ trương phát triển thể thao người khuyết tật theo hướng xã hội hoá, xem đây là giải pháp chiến lược và bền vững. Thành phố xác định việc vận dụng hiệu quả toàn bộ nguồn lực xã hội từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, đến các cơ sở giáo dục và cộng đồng là yếu tố then chốt để mở rộng cơ hội tham gia thể thao cho người khuyết tật, đồng thời nâng cao chất lượng phong trào.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trước mắt là vận động thành lập Hiệp hội Paralympic thành phố Hồ Chí Minh– một tổ chức xã hội nghề nghiệp chuyên trách, có vai trò kết nối, dẫn dắt và thúc đẩy mạnh mẽ công tác xã hội hóa trong lĩnh vực TDTT người khuyết tật. Hiệp hội sẽ là đầu mối quan trọng trong việc hỗ trợ tổ chức các hoạt động thể thao, huy động nguồn lực xã hội, chăm lo đời sống cho VĐV, cũng như tạo ra mạng lưới phát triển phong trào một cách bài bản và chuyên sâu hơn.
Với định hướng đó, thành phố kỳ vọng sẽ tiếp tục giữ vai trò tiên phong trong phong trào TDTT người khuyết tật cả nước, góp phần xây dựng một xã hội bao trùm, công bằng và trao quyền thực sự cho người khuyết tật thông qua thể thao.
Hướng tới Đại hội thể thao người khuyết tật ĐNÁ lần thứ 13 vào cuối năm nay, với truyền thống là địa phương có đóng góp nhiều nhất về thành tích cho Thể thao người khuyết tật Việt Nam, thành phố đã có sự chuẩn bị như thế nào thưa ông?
Hướng đến mục tiêu đóng góp lực lượng mạnh nhất cho Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam tham dự ASEAN Para Games 13 tại Thái Lan, từ đầu tháng 5 đến tháng 11/2025, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ triển khai một chuỗi hoạt động chuyên môn trọng điểm. Trong đó, nổi bật là việc tổ chức giải Thể thao Người khuyết tật thành phố mở rộng và các giải đấu theo từng môn thể thao nhằm tuyển chọn lực lượng VĐV xuất sắc nhất; đồng thời làm cơ sở huấn luyện và chuẩn bị cho các giải vô địch quốc gia. Từ đó, lựa chọn các gương mặt tiêu biểu cung cấp cho đội tuyển quốc gia.
Đặc biệt, năm nay, công tác huấn luyện tại thành phố sẽ có bước đột phá với việc áp dụng phương thức “hòa nhập”. Theo đó, các VĐV khuyết tật sẽ được tạo điều kiện tập luyện và thi đấu chung cùng các đội tuyển thể thao thành phố Hồ Chí Minh, nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, thể lực và khả năng thi đấu thực tiễn. Đây là cách làm mới, mang tính hội nhập và phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT thành phố cũng sẽ tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào quá trình huấn luyện. Đội ngũ chuyên gia sẽ hỗ trợ trong công tác giám định thể lực, phòng ngừa chấn thương cũng như xây dựng giáo án cá nhân hóa phù hợp với từng đặc điểm của VĐV, đảm bảo quá trình chuẩn bị thi đấu diễn ra hiệu quả, an toàn và chuyên nghiệp.
Với sự chuẩn bị bài bản cả về chuyên môn lẫn kỹ thuật, thành phố Hồ Chí Minh quyết tâm tiếp tục giữ vững vai trò nòng cốt, đóng góp quan trọng vào mục tiêu “Top 4” của Thể thao người khuyết tật Việt Nam tại sân chơi khu vực năm nay.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
VD thực hiện