06 Tháng Mười Hai 2023 Hà Nội FC sẽ thi đấu cống hiến trong trận đấu cuối - chia tay AFC Champions League
0 Thể thao quần chúng 07 Tháng Mười Hai 2023 Gương mặt Vàng trong làng Điền kinh người khuyết tật Việt Nam
0 Thể thao thành tích cao 07 Tháng Mười Hai 2023 Quảng Ninh: công tác tuyển chọn đào tạo VĐV trẻ góp phần tạo nên thành công của Thể thao thành tích cao
0 Thể thao thành tích cao 06 Tháng Mười Hai 2023 Giải Bóng bàn các tay vợt xuất sắc toàn quốc 2023: kịch tính ngay từ ngày đầu khởi tranh
0 Thể thao quần chúng 06 Tháng Mười Hai 2023 Kết thúc giải Vật Anh tài quốc gia năm 2023: Bắc Giang xếp thứ Nhất toàn đoàn
Vi Thị Hằng: cô gái giàu nghị lực và đam mê Bơi lội 09 Tháng Mười Một 2023 (GMT+7) 148 Lượt xem Danh mục: Thể thao quần chúng Những người yêu thể thao ít ai không biết đến cái tên Vi Thị Hằng- nữ kình ngư tài năng của bơi lội Người khuyết tật (NKT) Việt Nam với bề dày thành tích tại các giải đấu trong nước, quốc tế, đồng thời cô cũng là nữ VĐV giầu nghị lực, luôn biết vượt qua số phận để vươn tới những đỉnh cao vinh quang. Và không chỉ có vậy, Vi Thị Hằng còn luôn là tấm gương lan tỏa những điều tốt đẹp đến với những người xung quanh, nhất là những người kém may mắn khi sinh ra không được lành lặn như người bình thường. Vượt lên hoàn cảnh của bản thân Vi Thị Hằng sinh năm 1990, quê ở Thanh Hóa, sau đó, gia đình chuyển vào vùng kinh tế mới ở Đắk Nông. Tai họa ập đến khi mới 3 tháng tuổi, Hằng bị sốt bại liệt vì chưa được tiêm vắc xin khiến cho đôi chân không lành lặn như người bình thường. Ý thức được sự thiệt thòi của bản thân, đôi lúc tâm lý tự ti khiến cho cuộc sống của Hằng trở nên bế tắc. Thế nhưng với ý chí, nghị lực vươn lên, Hằng đã vượt qua mặc cảm của bản thân, luôn nỗ lực trong học tập cũng như cuộc sống với một suy nghĩ, một phương châm tích sống đầy tích cực “Dù trời có sao thì cũng không sao cả”. Chính vì vậy, dù cho đôi chân không lành lặn, Hằng luôn lạc quan, sống tích cực và không ngừng nỗ lực từng ngày. Theo chia sẻ của Hằng “Chân tôi cũng bị nhẹ hơn các bạn khác nên cảm giác không ảnh hưởng nhiều về cuộc sống. Tôi sống khá tích cực, không quan tâm bị khuyết tật hay khuyết tật thì gặp khó khăn này kia. Tôi chỉ quan tâm đến việc học hỏi, cố gắng vươn lên. Tôi không tập trung nhiều vào dạng khuyết tật mà chỉ tập trung vào chất lượng cuộc sống". Vi Thị Hằng đã giành 1 HCB, 1 HCĐ tại Đại hội thể thao châu Á lần Hàng Châu- Trung Quốc (Ảnh: NVCC) Hằng đã rất cố gắng học và hoàn thành tốt nghiệp cấp 3. Những tưởng sự nỗ lực, vượt lên hoàn cảnh sẽ có được những gì mình mong muốn. Thế nhưng, nghiệt ngã vẫn chưa buông tha, gia đình gặp biến cố nên Hằng phải từ bỏ cánh cửa đại học. Ước mơ được trở thành sinh viên không thực hiện được nên Cô đi làm công nhân để có tiền sinh nhai. Khi ổn định cuộc sống, Hằng tìm lại với con chữ, nơi cô muốn và khát khao cháy bỏng để hòa nhập với cuộc sống. Sau 2 năm học Trung cấp Công nghệ Thông tin ở TPHCM, tốt nghiệp ra trường, cô được tuyển vào làm việc ở mảng tuyển sinh của một công ty chứ không phải chuyên ngành lập trình. Với mức lương chỉ 4 triệu đồng/tháng khiến cho cuộc sống của Hằng gặp nhiều khó khăn khi giá cả sinh hoạt cũng như tiền thuê trọ ở thành phố đắt đỏ. Bươn trải với cuộc mưu sinh, Hằng tự rút ra nhiều điều và luôn không bằng lòng với hiện tại. Cô vốn muốn vùng vẫy với chính nghiệp vụ được đào tạo. "Lúc đó, tôi hỏi bạn bè nên làm thế nào?". Một câu hỏi như muốn tìm hướng đến mới cho bản thân. May mắn có người chỉ cho Hằng đến cơ sở Gia đình Mùa xuân, gặp bác Trần Hoàng Minh, người hướng dẫn các bạn khuyết tật tham gia nhiều môn thể thao phù hợp. Ban đầu, Hằng đến với thể thao chỉ để cải thiện sức khỏe “Vì chân yếu nên đi bơi cho khỏe chứ không nghĩ trở thành VĐV”. Đó là năm 2012. Và chỉ đúng 3 tháng tập bơi, cô tham gia giải khuyết tật vô địch quốc gia. Hằng khiến tất cả phải choáng váng khi ẵm 5 HCV (3 cá nhân, 2 tiếp sức). Từ đây, bơi trở thành đam mê, nghề mới của Hằng. Cô nghĩ đó là may mắn nhưng tận đáy lòng: “Dù bơi dưới trời nắng không có mái che, da đen nhưng mọi chuyện đều ổn vì khi ở dưới nước, chúng tôi là người khuyết tật thích làm gì cũng được, rất tự tin. Chạy, nhảy, nín thở, bơi, thậm chí khi bị căng thẳng mà la, khóc dưới nước cũng không ai biết làm gì. Chúng tôi thoải mái". Những dấu ấn về thành tích Đến với bơi, không ít lần gặp chấn thương, đa số bị vai do không sử dụng chân nhiều nhưng không vì thế khiến Hằng chùn bước, mà trái lại cô càng nỗ lực hơn. “Cứ rơi vào tình cảnh đó, bản thân tôi tâm niệm tìm phương án giải quyết chứ không đổ lỗi”. Chỉ sau một năm tập luyện, thành tích của Hằng tiến bộ không ngừng. Năm 2013, lần đầu tiên Hằng được góp mặt tại một kỳ Đại hội thể thao lớn nhất khu vực dành cho Người khuyết tật và cô đã giành 2 HCB. Và đó cũng là cột mốc, bước ngoặt mới trong cuộc đời của cô trên chặng đường gắn bó với thể thao NKT. Hai năm sau, Cô tiếp tục gặt hái thành công ở đấu trường quốc tế với 1 HCV, 1 HCB tại Para Games lần thứ 8, trên đất Singapore và ở lần tham dự kỳ Đại hội tiếp theo, Hằng lại tiếp tục khẳng định mình khi giành 2 HCV Para Games 2017 cùng 2 HCĐ châu Á. Hằng tiếp tục gặt hái thành công khi giành 3 HCV Para Games 2022, đồng thời phá 2 kỷ lục đại hội ở nội dung 100m nữ bơi ếch, và 50m tự do). Không dừng lại ở đó, ở tuổi 33, sự nghiệp Bơi lội của Hằng tiếp tục tiến xa hơn. Kể từ đầu năm 2023 đến nay, Vi Thị Hằng cũng đóng góp cho đoàn Thể thao NKT Việt Nam 4 HCV ở các nội dung 400m tự do, 100m tự do, 100m ếch và 50m tự do tại ASEAN Para Games 2023, phá 2 kỷ lục tại Đại hội. Với những đóng góp đó, Vi Thị Hằng đã được ghi danh trong danh sách đề cử giải thưởng cúp chiến thắng năm 2023. Hướng tới những điều tốt đẹp trong tương lai Vốn là cô gái có nghị lực phi thường cùng sự nỗ lực không ngừng nghỉ để vươn lên trong cuộc sống, từ một cô gái tật nguyền, học hành dang dở, Hằng đã nhận bằng tốt nghiệp trung cấp CNTT và hiện cô đang tiếp tục theo học tiếng anh và Maketting. Trải qua nhiều nghề, từ thêu tranh chữ thập bán lấy tiền trang trải cuộc sống, làm công nhân, đến nhân viên văn phòng, rồi chủ shop thời trang…dù bận rộn hay lúc nhàn rỗi, Vi Thị Hằng luôn dành thời gian cho Bơi lội. Trong 5 năm gần đây, Hằng tạm gác mọi kế hoạch để dồn sức cho thể thao và cho dù gửi gắm kỳ vọng vào thể thao, vào bơi lội và có cuộc sống tốt hơn, nhưng Hằng vẫn lo nghĩ cho tương lai. Cô nói: "Tôi tranh thủ thời gian học thêm tiếng Anh và marketing. Người khuyết tật có khá nhiều sản phẩm làm thủ công nhưng không ít người gặp khó trong việc tìm đầu ra. Thế nên, tôi đã lập trang web để bán những sản phẩm này online. Cũng nhờ vốn tiếng Anh, tôi đã đưa sản phẩm của mình bán ra nước ngoài. Đây sẽ là cơ sở vững chãi cho cuộc sống hậu đời VĐV của tôi". Cùng với những ước mơ cho bản thân, Hằng luôn muốn lan tỏa những điều tốt đẹp đến với mọi người và cô luôn "hành động vì tương lai tốt đẹp hơn". Chính vì vậy Hằng đã giúp đỡ được nhiều hoàn cảnh tương tự như mình bằng những việc làm thiết thực. Không chỉ chăm chỉ học hành, rèn luyện chuyên môn, Hằng còn ham đọc sách để trau dồi kiến thức, tìm hiểu trên mạng cập nhật thông tin để phát triển công việc, vừa tìm hiểu kỹ thuật bơi phù hợp với dạng khuyết tật để phát triển bản thân. Hằng chia sẻ “Tôi biết VĐV như chúng tôi chỉ có một thời gian, không kéo dài mãi được. Nhưng khi kết thúc chuyên nghiệp, bước ra đời tôi vẫn có nghề nghiệp ổn định". Khi gặp khó khăn, Hằng luôn tìm giải pháp chứ không nản chí và sống với phương châm: "Không biết ngày mai sẽ ra sao nhưng dù ra sao thì cũng không sao. Lạc quan, rồi mọi chuyện sẽ ổn". Sự yêu đời, yêu người và tinh thần lạc quan cùng đam mê cháy bỏng với Bơi lội, Vi Thị Hằng chắc chắn sẽ còn thành công hơn nữa trong công việc cũng như con đường chinh phục những đỉnh cao vinh quang đang chờ chị ở phía trước. T.Dương Lực sĩ Lê Văn Công: người truyền cảm hứng cho người khuyết tật Việt Nam Trịnh Thị Bích Như: Cô gái Vàng của Thể thao Người khuyết tật Việt Nam Print 148 Đánh giá bài viết này: No rating