CỤC THỂ DỤC THỂ THAO
  1. TRANG CHỦ
  2. GIỚI THIỆU
  3. TIN TỨC SỰ KIỆN
  4. CHUYÊN NGÀNH
  5. ẢNH - VIDEO
  6. VĂN BẢN PHÁP QUY
  7. LIÊN HỆ

Tự hào môn Võ Việt Nam - Vovinam

161 Lượt xem

Trải qua 85 năm hình thành, phát triển, Vovinam đã có những đóng góp to lớn vào nền võ thuật Việt Nam và thế giới. Với hệ thống kỹ thuật mang tính dân tộc, khoa học, thực dụng, sáng tạo cùng với triết lý nhân sinh thượng võ và tấm lòng xả kỷ, Vovinam đã góp phần giới thiệu đất nước và con người Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

Vovinam được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia

Vovinam (hay Việt Võ Đạo) là môn võ thuật của Việt Nam do võ sư Nguyễn Lộc sáng lập vào năm 1936, chính thức giới thiệu ra công chúng giai đoạn 1938-1939. Vovinam cũng là tên gọi quốc tế hóa của cụm từ “võ Việt Nam”.

Được phát triển dựa trên các môn võ truyền thống như Vật cổ truyền Việt Nam, Vovinam còn kết hợp tinh hoa của các võ phái từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… dựa trên nguyên lý cương nhu phối triển. Các võ sinh Vovinam được tập luyện các đòn thế tay không (đấm, đá, chỏ, gối, phản đòn khóa, gỡ, vật) kết hợp với đa dạng các loại binh khí: kiếm, đao, mã tấu, dao, côn, quạt, ô…

Đến năm 1960, cố võ sư Lê Sáng tiếp nhận chức Chưởng môn, tiếp tục sự nghiệp quảng bá, phát triển Vovinam. Ông cùng các võ sư tìm tòi, nghiên cứu để hệ thống lý thuyết, kỹ thuật và võ đạo ngày càng được hoàn thiện, qua đó xây dựng nền móng vững chắc cho môn võ Việt.

Năm 2007, Liên đoàn Vovinam Việt Nam được thành lập, trong khoảng 5-10 năm sau đó, các Liên đoàn Vovinam khu vực, châu lục và thế giới bắt đầu ra đời, đánh dấu những bước nhảy vọt của môn võ này.

Đến thời điểm hiện tại Vovinam đang được tập luyện ở 70 quốc gia trên khắp năm châu với hàng triệu môn sinh. Trong đó, nhiều quốc gia có phong trào vovinam rất mạnh và hoàn toàn có thể cạnh tranh với Việt Nam như Algeria, Campuchia. Các giải Vovinam vô địch thế giới, vô địch châu Âu, vô địch châu Á, vô địch Đông Nam Á cũng được tổ chức thường niên.

Sau khi các Liên đoàn Việt Nam và khu vực được thành lập, Vovinam nhanh chóng được vận động để đưa vào chương trình thi đấu của Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games).

Tại SEA Games 26 (Indonesia 2011), Vovinam lần đầu tiên xuất hiện trong danh mục các môn thể thao tranh huy chương với 14 nội dung. Đoàn thể thao Việt Nam đã giành 5 HCV, 7 HCB, 2 HCĐ, giữ vị trí số 1 toàn đoàn.

SEA Games 27 (Myanmar 2013), số nội dung thi đấu Vovinam được tăng lên 18, đoàn vận động viên Việt Nam tiếp tục giữ ngôi đầu với 6 HCV, 10 HCB, 2 HCĐ. Phong trào học võ Vovinam ngày càng được mở rộng và phát triển rộng khắp trên thế giới đã thật sự trở thành cầu nối văn hóa giúp tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc.

Sau khi vắng mặt ở 3 kỳ SEA Games gần nhất (Singapore 2015, Malaysia 2017, Philippines 2019), Vovinam chính thức quay trở lại chương trình thi đấu tại SEA Games 31 tổ chức ở Việt Nam. Đây cũng là môn võ duy nhất được lựa chọn biểu diễn trong lễ khai mạc SEA Games 31. Và tại kỳ Đại hội này, Vovinam đã góp vào bảng tổng sắp huy chương của đoàn Thể thao Việt Nam với 6 HCV, 6 HCB, 2 HCĐ, đứng ở vị trí số 1 toàn đoàn.

Tại SEA Games 32, Vovinam là một trong những môn có nhiều bộ huy chương nhất tại với 29 nội dung. Không phải ngẫu nhiên mà vovinam tại SEA Games 32 có rất nhiều nội dung, chỉ đứng sau 3 môn Olympic là điền kinh (47), bơi (40), vật (30). Bởi lý do đầu tiên là sức sống của Vovinam đã ngày càng phát triển mạnh mẽ ở  nhiều quốc giatrong khu vực . Điều đó cho thấy sự lớn mạnh của môn võ quốc hồn quốc túy của Việt Nam. Tại kỳ SEA Games này, các VĐV Vovinam Việt Nam tiếp tục mang về 7 HCV, 13 HCB và 1 HCĐ.

Với những giá trị mà Vovinam có thể mang lại, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã ký quyết định đưa Nghệ thuận trình diễn dân gian, Tri thức dân gian Vovinam - Việt Võ đạo vào danh mục Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Đây là tin vui đối với môn võ Việt đang phát triển rất mạnh mẽ trên toàn thế giới này.

Tiến sĩ Mai Hữu Tín - Chủ tịch Liên đoàn Vovinam Thế giới, Chủ tịch Liên đoàn Vovinam Việt Nam cho biết: “Vovinam đang được tập luyện ở 70 quốc gia trên khắp năm châu với hàng triệu môn sinh. Trong đó, nhiều quốc gia có phong trào Vovinam rất mạnh và hoàn toàn có thể cạnh tranh với Việt Nam như Algeria, Campuchia. Việc Vovinam được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia là thành quả của bao thế hệ trong quá trình 85 năm hình thành và phát triển môn phái. Đây là bước đi phải có để tiến tới đưa Vovinam thành Di sản văn hoá phi vật thể của thế giới”.

Mục tiêu đưa Vovinam phủ kín 63 tỉnh, thành

Nói về mục tiêu phát triển môn Vovinam, ông Mai Hữu Tín khẳng định, về dài hạn, Liên đoàn Vovinam Việt Nam có chiến lược giữ gìn, bảo vệ và phát triển Vovinam ở cả trong nước và thế giới. Cụ thể, tại Việt Nam, Liên đoàn sẽ phát triển Vovinam ở khắp 63 tỉnh, thành phố bằng việc thành lập được các Liên đoàn hoặc hội Vovinam chính thức, đặc biệt là các tỉnh miền núi phía Bắc. Khi có hội chính thức, Vovinam sẽ phát triển bài bản hơn.

Với các tỉnh thành, Liên đoàn Vovinam đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, trực tiếp là với Vụ Giáo dục thể chất để thay đổi các chương trình huấn luyện của Vovinam trở thành bài tập thể thao nhẹ nhàng (võ nhạc) nhằm giúp các em vui và thoải mái khi học. Trong thời gian tới Liên đoàn Vovinam sẽ tập trung đẩy mạnh hơn nữa phong trào Vovinam trong học đường cũng như nâng cao số lượng và chất lượng võ sinh.

Một mục tiêu khác mà Liên đoàn Vovinam quyết tâm thực hiện chính là xây học viện Vovinam. Học viện dự kiến đặt ở TP.HCM với chi phí xây dựng khoảng 20 triệu USD, hứa hẹn là nơi đào tạo Vovinam không chỉ cho Việt Nam mà cả các nước trên thế giới.

Về phát triển Vovinam ra quốc tế, ông Mai Hữu Tín cho biết thêm: Vovinam có sự cạnh tranh rất lớn từ những môn phái đã thành môn thi đấu tại Olympic như judo, taekwondo và karatedo, hoặc những môn đã vào ASIAD vì đất nước họ đã từng đăng cai tổ chức sự kiện này như wushu, muay Thái và pencat silat. Để phát triển Vovinam ra quốc tế, chúng tôi dùng nhiều biện pháp khác nhau như đào tạo lực lượng võ sư quốc tế giỏi ngoại ngữ và sẵn sàng luân chuyển ra nước ngoài giảng dạy; phối hợp với cơ quan ngoại giao Việt Nam ở các nước, cộng đồng người Việt ở các nước, và tạo nguồn tài chính để thực hiện tất cả các việc đó.

Từ ngày 24/11- 01/12, Liên đoàn Vovinam Việt Nam và thế giới sẽ tổ chức giải vô địch Vovinam Thế giới lần thứ VII năm 2023 tại Nhà thi đấu Phú Thọ (Quận 11 - TP.HCM). Đến thời điểm này đã có hơn 650 VĐV, HLV, lãnh đội và lực lượng trọng tài đến từ 35 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký tranh tài. Đáng chú ý, các cường quốc có thế mạnh về thể thao và võ thuật như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Iran, Pháp, Thái Lan,… cũng cử VĐV tham dự.

Cũng trong dịp này, sẽ diễn ra Đại hội Liên đoàn Vovinam thế giới nhiệm kỳ III với kỳ vọng tạo bước ngoặt mới để phát triển phong trào Vovinam thế giới.

 

Như Quỳnh

Print
161 Đánh giá bài viết này:
No rating

Contact author

x

Sự kiện

Dữ liệu ngành

Thư viện ảnh

Liên kết

TRANG TIN ĐIỆN TỬ THỂ DỤC THỂ THAO VIỆT NAM
CƠ QUAN CHỦ QUẢN: CỤC THỂ DỤC THỂ THAO
Giấy phép số: 559/GP-BC do Bộ Văn hóa - Thông tin cấp ngày 14/12/2004
Chịu trách nhiệm: Lý Đức Thùy - Giám đốc Trung tâm Thông tin Truyền thông Thể dục thể thao
Địa chỉ: 36 Trần Phú - Ba Đình - Hà Nội * Điện thoại: (84-24) 3747 3310 - 3747 2958 * FAX: (84-24) 3747 1981
Email:banbientap@tdtt.gov.vn Hỗ trợ kỹ thuật: support@tdtt.gov.vn
Ghi rõ nguồn www.tdtt.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ trang này
Copyright@ Trung tâm Thông tin Truyền thông Thể dục thể thao
Back To Top