TỔNG CỤC THỂ DỤC THỂ THAO
  1. TRANG CHỦ
  2. GIỚI THIỆU
  3. TIN TỨC SỰ KIỆN
  4. CHUYÊN NGÀNH
  5. ẢNH - VIDEO
  6. VĂN BẢN PHÁP QUY
  7. LIÊN HỆ

Những điều kiện thuận lợi để thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động TDTT hiện nay

355 Lượt xem

Chuyển đổi số hiện nay là xu thế không thể đảo ngược trên toàn thế giới và Việt Nam không nằm ngoài xu thế đó. TDTT không phải là một ngoại lệ và là lĩnh vực khá đặc biệt đối với cuộc cách mạng công nghệ. TDTT được hưởng lợi nhiều nhờ những đột phá về công nghệ mới và những thành tựu của công nghệ; nhưng hoạt động thể thao cũng là cơ sở tạo sự kích thích, sáng tạo trong phát triển công nghệ mới.

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia với nhiều chương trình, hoạt động cụ thể, quyết liệt từ Trung ương đến địa phương. Nhất là khi đại dịch COVID – 19 bùng phát, chuyển đổi số đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của người dân và đặt ra những yêu cầu, thách thức mới với lĩnh vực công nghệ nói riêng và các mặt hoạt động xã hội nói chung.

Bối cảnh quốc tế

Trong quá trình toàn cầu hóa hiện nay, sự phát triển của khoa học công nghệ tiếp tục tái định hình nền kinh tế toàn cầu. Khoa học công nghệ phát triển, vượt bậc trong một số lĩnh vực, điển hình là công nghệ thông tin, công nghệ chế tạo và tự động mới (như công nghệ in 3 chiều); phát triển năng lượng mặt trời; SMAC (mạng xã hội, di động, phân tích dữ liệu và điện toán đám mây); công nghệ sinh học; thương mại điện tử; sự phát triển các hệ thống tiên tiến. Thay đổi về công nghệ góp phần làm tăng hiệu suất nhưng cũng là thách thức đối với nhiều lĩnh vực.

Trong lĩnh vực thể thao, quá trình hội nhập quốc tế cũng tạo ra nhiều tác động kể cả tích cực lẫn tiêu cực đối với các nền thể thao chưa phát triển ở khu vực châu Á. Tác động tích cực là tạo ra nhiều cơ hội để đẩy mạnh hợp tác song phương, đa phương nhằm tranh thủ nguồn vốn đầu tư, sự ủng hộ, giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, các quốc gia có nền thể thao phát triển.

Bên cạnh đó cũng có tác động tiêu cực mà điển hình là việc nhập tịch vận động viên, khiến các quốc gia không sử dụng vận động viên nhập tịch như Việt Nam gặp nhiều bất lợi trong quá trình cạnh tranh thành tích. Xu hướng chung là Chính phủ các nước ngày càng quan tâm đến TDTT, coi phát triển TDTT là một trong những chính sách xã hội để góp phần duy trì sức khỏe người dân, phòng chống bệnh tật, giảm thiểu chi phí cho y tế và xây dựng một xã hội lành mạnh, tích cực. Thứ hạng, thành tích thể thao tại các kỳ đại hội, sự kiện thể thao quan trọng không chỉ đóng vai trò đơn thuần là thành tích thể thao mà còn là hình ảnh, vị thế đất nước. Ngày càng có sự đua tranh gay gắt giữa các quốc gia về thành tích thể thao tại các kỳ Olympic và các sự kiện thể thao lớn. Các quốc gia đều tăng cường những biện pháp nhằm nhanh chóng nâng cao thành tích thể thao, như đầu tư trọng điểm cho các môn thể thao mũi nhọn; sử dụng khoa học - công nghệ hiện đại trong đào tạo vận động viên, sử dụng các bí quyết về dinh dưỡng, thuốc bổ trợ, nhập tịch vận động viên, áp dụng các chính sách đãi ngộ ở mức cao đối với vận động viên...

Cùng với sự phát triển bùng nổ về truyền thông, hoạt động thể thao ngày càng có xu hướng gắn bó chặt chẽ với truyền thông, trở thành đối tượng nhận được sự quan tâm đặc biệt của các phương tiện truyền thông. Nhiều môn, loại hình thể thao đã chuyển mạnh theo hướng thể thao nhà nghề, thể thao chuyên nghiệp, thậm chí trở thành một ngành dịch vụ thu hút đầu tư, mang lại tỷ suất sinh lợi tốt. Thể thao đã thực sự trở thành một ngành “công nghiệp không khói” ở nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là tại các quốc gia phát triển.

Bối cảnh trong nước

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư ảnh hưởng sâu rộng đến tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội. Sự phát triển của Internet và thương mại điện tử dẫn tới người tiêu dùng có thể dễ dàng tiếp cận với thương mại thế giới; người lao động có thể làm việc từ xa, làm việc mọi lúc mọi nơi nhưng cũng đồng nghĩa với việc lệ thuộc nhiều hơn vào máy tính và môi trường Internet. Nhờ vào sự phát triển bùng nổ của Internet và truyền thông đa phương tiện, các hoạt động thi đấu thể thao dễ đến với người hâm mộ cũng như thể thao nói chung dễ trở nên phổ cập hơn. Song bên cạnh đó, bùng nổ truyền thông cũng có thể làm cho người hâm mộ thể thao dễ dàng hơn trong tiếp cận các hoạt động thể thao nước ngoài, có thể khiến cho họ ít quan tâm hơn đối với thể thao trong nước. Trong hoạt động chuyên môn, việc ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng 4.0 trong đào tạo, huấn luyện vận động viên, tổ chức thi đấu là xu thế tất yếu, quốc gia nào chậm tiếp cận công nghệ sẽ bị tụt hậu về thành tích.

Nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước và cộng đồng xã hội cho phát triển thể dục, thể thao còn thấp; cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị thể dục, thể thao còn thiếu thốn, lạc hậu; chưa chú trọng đầu tư cho khoa học, công nghệ và y học thể thao. Tỷ trọng đầu tư của Nhà nước và xã hội trong những năm qua tuy có xu hướng tăng, song mức độ đầu tư hiện nay vẫn chưa thỏa đáng nhu cầu phát triển thể dục, thể thao trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt về thành tích thi đấu giữa các quốc gia trong khu vực, châu lục và thế giới.

Xu hướng ứng dụng khoa học, công nghệ thông tin, tự động hóa phương pháp vận động và đo lường thể chất trong hoạt động thể dục, thể thao ngày càng phát triển và được coi là yếu tố quan trọng để nâng cao thành tích thể thao. Hoạt động giao lưu quốc tế trong đào tạo nhân tài, hợp tác trao đổi kỹ thuật và công nghệ thể thao cũng được khuyến khích, đẩy mạnh.

Sự quyết liệt chuyển đổi số của ngành TDTT

Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế chính sách và tập trung nguồn lực để phát triển công nghệ thông tin và chuyển đổi số mà điển hình là: Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 09 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025; Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/ 2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025; định hướng đến năm 2030.

Ở cấp Bộ là Quyết định số 3611/QĐ-BVHTTDL về phê duyệt chương trình Chuyển đổi số của Bộ VHTTDL đến năm 2025, định hướng 2030; Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ VHTTDL năm 2022. Các chính sách này đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các đơn vị, Bộ, ngành tăng cường phát triển CNTT và chuyển đổi số hướng tới Chính phủ số, xã hội số.

Xu hướng chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong giai đoạn sắp tới chính vì vậy mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Thể dục thể thao đã có những bước đi cụ thể nhằm bám sát lộ trình phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số của Đảng và Chính phủ. 

Bộ VHTTDL đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch từng bước tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động để thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số. Phổ cập kỹ năng số cho các đối tượng tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực.

Tổng cục TDTT cũng đã ban hành Kế hoạch số 288/KH–TCTDTT về Xây dựng đề án chuyển đổi số trong lĩnh vực TDTT; Thành lập được Ban soạn thảo về Xây dựng đề án, đồng thời phối hợp với các đơn vị tư vấn khảo sát, đánh giá hệ thống công nghệ thông tin tại Tổng cục TDTT.

Mục tiêu tổng quát của đề án là xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật để bắt kịp những thay đổi công nghệ, đảm bảo phát triển vận hành Chính phủ Điện tử của Bộ VHTTDL, đáp ứng yêu cầu tiến trình chuyển đổi số tại ngành TDTT.

Tiếp đó sẽ triển khai ở tất cả mọi lĩnh vực chịu sự tác động của khoa học công nghệ và chuyển đổi số như: công tác quản lý nhà nước, công tác chỉ đạo điều hành, công tác quản lý huấn luyện, quản lý thi đấu, đo kiểm thành tích, dinh dưỡng, hồi phục cho vận động viên, công tác tuyển chọn và tập huấn vận động viên các đội tuyển tỉnh, thành, ngành và đội tuyển quốc gia, công tác truyền thông, công tác thể thao quần chúng, thể thao học đường, thể thao trong các lực lượng vũ trang, y sinh học TDTT, tâm lý thể thao…

Thùy Anh

 

Print
355 Đánh giá bài viết này:
No rating

Contact author

x

Thư viện ảnh

Liên kết

TRANG TIN ĐIỆN TỬ THỂ DỤC THỂ THAO VIỆT NAM
CƠ QUAN CHỦ QUẢN: TỔNG CỤC THỂ DỤC THỂ THAO
Giấy phép số: 559/GP-BC do Bộ Văn hóa - Thông tin cấp ngày 14/12/2004
Chịu trách nhiệm: Ngô Thịnh Hường - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin
Địa chỉ: 36 Trần Phú - Ba Đình - Hà Nội * Điện thoại: (84-24) 3747 3310 - 3747 2958 * FAX: (84-24) 3747 1981
Email:banbientap@tdtt.gov.vn Hỗ trợ kỹ thuật: support@tdtt.gov.vn
Ghi rõ nguồn www.tdtt.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ trang này
Copyright@ Trung tâm thông tin thể dục thể thao
Back To Top