CỤC THỂ DỤC THỂ THAO
  1. TRANG CHỦ
  2. GIỚI THIỆU
  3. TIN TỨC SỰ KIỆN
  4. CHUYÊN NGÀNH
  5. ẢNH - VIDEO
  6. VĂN BẢN PHÁP QUY
  7. LIÊN HỆ

NCS Trịnh Minh Hiền bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về võ thuật ứng dụng trong công an nhân dân

285 Lượt xem

Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh đã tổ chức bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Trường cho NCS Trịnh Minh Hiền với đề tài: “Nghiên cứu bài tập phát triển sức bền cho vận động viên đội tuyển võ thuật ứng dụng của Học viện An ninh nhân dân”. Chuyên ngành:  Giáo dục học; Mã ngành:  9140101.

Image

NCS Trịnh Minh Hiền bảo vệ luận án trước Hội đồng khoa học (Ảnh: TN)

Hội đồng chấm luận án cho NCS gồm: PGS.TS Nguyễn Văn Phúc, Chủ tịch Hội đồng; PGS.TS Phạm Ngọc Viễn, phản biện 1; PGS.TS Trần Kim Tuyến, phản biện 2; TS. Mai Tú Nam, phản biện 3; TS Lê Tấn Đạt, ủy viên; TS. Ngũ Duy Anh, ủy viên và TS. Mai Thị Bích Ngọc, ủy viên thư ký.

Võ thuật ứng dụng CAND ra đời cùng với sự ra đời của lực lượng CAND, xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước giao phó cho lực lượng CAND. Võ thuật ứng dụng CAND là môn võ tổng hợp, được chắt lọc những tinh hoa của nhiều môn phái võ khác hiện nay ở Việt Nam và trên thế giới, có tính ứng dụng trong thực tế chiến đấu cao. Tập luyện thường xuyên Võ thuật ứng dụng CAND giúp cho cán bộ, chiến sĩ có khả năng đánh bắt, giữ, khóa khống chế trấn áp tội phạm một cách linh hoạt, cơ động, hiệu quả nhằm phục vụ tốt công tác trong nghiệp vụ.

Thực tế qua công tác giảng dạy - huấn luyện tại Học viện An ninh nhân dân (ANND) đã nhận thấy, năng lực thể chất của sinh viên nói chung và vận động viên (VĐV) đội tuyển võ thuật ứng dụng của Học viện ANND còn chưa đạt mục tiêu đề ra, đặc biệt là sức bền, điều này đã gây ảnh hưởng đến kết quả huấn luyện và thành tích thi đấu của Học viện ANND trong các kỳ Hội thao ứng dụng nghiệp vụ lực lượng CAND nói chung và môn võ thuật ứng dụng công an nhân dân (CAND) nói riêng.

Qua khảo sát và đánh giá thực trạng cho thấy, nguyên nhân xuất phát chính là hệ thống bài tập phát triển sức bền chung và sức bền chuyên môn sử dụng trong công tác huấn luyện VĐV đội tuyển võ thuật ứng dụng Học viện ANND còn tồn tại nhiều bất cập, chưa đa dạng, chưa đảm bảo khoa học. Đồng thời thiếu các đánh giá thường xuyên trong huấn luyện sức bền nhờ sử dụng các chỉ tiêu, tiêu chuẩn được xây dựng khoa học, đảm bảo tin cậy và tính thông báo.

Xuất phát từ những lý do nêu trên, tác giả đã tiến hành nghiên cứu đề tài: “Nghiên cứu bài tập phát triển sức bền cho vận động viên đội tuyển võ thuật ứng dụng của Học viện ANND”.

Luận án đã lựa chọn được 8 test, 1 chỉ số và 1 thử nghiệm tâm lý đảm bảo tính khả thi, độ tin cậy, tính thông báo, đồng thời xây dựng được tiêu chuẩn đánh giá sức bền chuyên môn cho VĐV đội tuyển võ thuật ứng dụng của Học viện ANND, đó là các test: Sức bền chung (3 test); Sức bền chuyên môn (5 test); Y sinh: Chỉ số VO2max; Tâm lý: 01 thử nghiệm.

Thực trạng công tác huấn luyện sức bền cho VĐV đội tuyển võ thuật ứng dụng của Học viện ANND còn một số bất cập: Sử dụng bài tập phát triển sức bền chuyên môn chưa đa dạng, phong phú. Các bài tập đã dùng ít kết hợp chặt chẽ với các bài tập sức bền chung, chuyên môn và kỹ thuật nên cho VĐV đội tuyển võ thuật ứng dụng của Học viện ANND.

Luận án đã lựa chọn được 117 bài tập huấn luyện sức bền cho VĐV đội tuyển võ thuật ứng dụng của Học viện ANND, được phân ra thành 3 nhóm chính đó là: Nhóm các bài tập phát triển sức bền chung (32 bài tập); Nhóm bài tập phát triển sức bền chuyên môn (82 bài tập); Nhóm các bài tập phản xạ (3 bài tập).

Kết quả ứng dụng các bài tập phát triển sức bền cho VĐV đội tuyển võ thuật ứng dụng của Học viện ANND trong một năm thực nghiệm đã khẳng định tính hiệu quả của của các bài tập huấn luyện sức bền mà luận án lựa chọn, ý nghĩa khác biệt về giá trị trung bình với P<0.05 ở kết quả kiểm tra 8 test, chỉ tiêu đánh giá sức bền; sự khác biệt trong đánh giá chỉ số VO2 max và sự tiến bộ trong việc định hướng bản thân và nỗ lực tập luyện để hoàn thành nhiệm vụ được giao của VĐV đội tuyển võ thuật ứng dụng của Học viện ANND thu được giữa các giai đoạn thực nghiệm.

Luận án gồm 138 trang A4: Mở đầu (5 trang); Chương 1: Tổng quan các vấn đề nghiên cứu (46 trang); Chương 2: Đối tượng, phương pháp và tổ chức nghiên cứu (15 trang); Chương 3: Kết quả nghiên cứu và bàn luận (70 trang); phần kết luận và kiến nghị (2 trang). Trong luận án có 43 biểu bảng, 7 biểu đồ, 7 hình. Ngoài ra, luận án đã sử dụng 94 tài liệu tham khảo, trong đó có 12 tài liệu bằng tiếng nước ngoài và phần phụ lục.

Tại buổi bảo vệ tác giả đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các khách mời là chuyên gia trong lĩnh vực TDTT, các nhà quản lý và tổ chức thể thao tại trung ương và địa phương. Đặc biệt, những ý kiến đóng góp của các thành viên trong Hội đồng đã giúp NCS làm sáng tỏ được nhiều vấn đề trong công tác nghiên cứu còn đang thiếu sót. Tuy còn những hạn chế cần chỉnh sửa song đề tài của NCS được Hội đồng đánh giá là công phu, đủ hàm lượng khoa học, kết cấu các chương, mục rõ ràng đúng quy định của một luận án Tiến sỹ giáo dục học.

Kết quả Hội đồng nhất trí 07/07(100%) thành viên Hội đồng có mặt đề nghị Hiệu trưởng Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh cấp bằng tiến sĩ cho NCS Trịnh Minh Hiền sau khi đã chỉnh sửa luận án theo kết luận của Hội đồng./.

Trần Nhu

 

Print
285 Đánh giá bài viết này:
No rating

Contact author

x

Thư viện ảnh

Liên kết

TRANG TIN ĐIỆN TỬ THỂ DỤC THỂ THAO VIỆT NAM
CƠ QUAN CHỦ QUẢN: CỤC THỂ DỤC THỂ THAO
Giấy phép số: 559/GP-BC do Bộ Văn hóa - Thông tin cấp ngày 14/12/2004
Chịu trách nhiệm: Lý Đức Thùy - Giám đốc Trung tâm Thông tin Truyền thông Thể dục thể thao
Địa chỉ: 36 Trần Phú - Ba Đình - Hà Nội * Điện thoại: (84-24) 3747 3310 - 3747 2958 * FAX: (84-24) 3747 1981
Email:banbientap@tdtt.gov.vn Hỗ trợ kỹ thuật: support@tdtt.gov.vn
Ghi rõ nguồn www.tdtt.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ trang này
Copyright@ Trung tâm Thông tin Truyền thông Thể dục thể thao
Back To Top