Thể thao Việt Nam không mải mê với vinh quang ở đấu trường khu vực

Olympic Paris 2024 sắp khép lại và nhiều ý kiến cho rằng Thể thao Việt Nam chỉ mải mê với vinh quang ở đấu trường khu vực mà "quên" mất đấu trường thế giới, để rồi "trắng tay" tại Olympic. Vậy thực tế thì sao?

Đã thẳng thắn nhìn vào thực tế

Từ lâu, Thể thao Việt Nam đã đặt mục tiêu dùng SEA Games làm bàn đạp để hướng tới đấu trường châu lục và thế giới. Tất nhiên đây là 2 đấu trường quá sức nên không phải cứ muốn là hiện thực ngay bằng các tấm huy chương.

Gần đây nhất, theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, ngày 21.12.2023, một Hội nghị quy mô đã được tổ chức, thu hút sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, đại diện các địa phương trên cả nước. Đó là Hội nghị định hướng phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2030 với chủ đề Vươn tầm ASIAD - Khát vọng Olympic.

Ngay tiêu đề của Hội nghị đã cho thấy Thể thao Việt Nam đã xác định rõ được vị trí của mình ở đâu trên bản đồ thể thao châu lục và thế giới nên mới phải "vươn tầm" ra đấu trường châu lục và đặt "khát vọng" để hướng tới đấu trường Olympic.

Cục trưởng Cục Thể dục thể thao Đặng Hà Việt đã thẳng thắn nhìn nhận, dù Thể thao Việt Nam đứng đầu SEA Games 31, 32 nhưng thành tích ở ASIAD, Olympic thiếu bền vững, chưa đáp ứng được mong đợi của người hâm mộ.

Đây là lý do khiến những nhà quản lý, hoạch định chính sách thể thao phải nhìn lại và tìm hướng đi phù hợp cho thể thao nước nhà.

Đồng thời ông Đặng Hà Việt cũng chỉ rõ, các VĐV có khả năng tranh chấp huy chương trên đấu trường Olympic và ASIAD của Thể thao Việt Nam chưa thực sự được như mong đợi và duy trì được sự ổn định về thành tích; thành tích và số lượng VĐV tham dự tại các kỳ Olympic cũng không ổn định.

Cục trưởng Cục Thể dục thể thao Đặng Hà Việt đã thẳng thắn chỉ ra thực trạng cũng như đề xuất nhiều giải pháp để cải thiện thành tích của Thể thao Việt Nam. Ảnh: Trần Huấn 

Tại Olympic London năm 2012, Việt Nam có 18 VĐV giành suất tham dự và giành được 1 HCĐ ở môn Cử tạ. Ở Olympic Rio năm 2016, chúng ta có 23 VĐV tham dự và giành được 1 HCV và 1 HCB môn Bắn súng - thành tích cao nhất mà Việt Nam giành được ở 1 kỳ Olympic. Tuy nhiên tại Olympic Tokyo 2020, Thể thao Việt Nam chỉ có 18 VĐV vượt qua vòng loại và không giành được huy chương.

Cục trưởng Cục Thể dục thể thao cũng nhìn thẳng thắn vào thực tế, mặc dù tại các kỳ SEA Games, Việt Nam vẫn duy trì được vị trí và sự tiến bộ, nhưng tại đấu trường Olympic, chúng ta vẫn chưa có được sự ổn định và đảm bảo về thành tích, nhất là khi so sánh với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia.

Đây cũng là các quốc gia luôn đảm bảo cả số lượng và chất lượng lực lượng VĐV khi tham dự các kỳ Olympic. Điều này cũng tương tự như ở các kỳ ASIAD, cho dù không bị giới hạn nhiều về số lượng VĐV tham dự, nhưng thành tích của chúng ta còn rất hạn chế.

Như vậy ngành Thể thao không hề né tránh mà đã dũng cảm nhìn thẳng vào thực tế. Dưới sự chỉ đạo sâu sát của Bộ trưởng Bộ VHTTDL, Chủ tịch Uỷ ban Olympic Việt Nam Nguyễn Văn Hùng và Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương, ngành luôn trăn trở tìm lời giải cho bài toán khó tại đấu trường châu lục và thế giới.

Và đề ra giải pháp cụ thể để triển khai

Báo cáo tham luận của Cục trưởng Đặng Hà Việt tại Hội nghị khi đó cũng đã dự đoán đúng số lượng VĐV sẽ giành vé dự Olympic kỳ này khi mục tiêu đề ra là giành từ 12-15 suất tham dự Olympic 2024 và thực tế vừa qua diễn ra đúng như vậy.

Thể thao Việt Nam giành 14 vé chính thức và có 2 VĐV đi theo đường đặc cách đến với Thế vận hội.

Cục trưởng Đặng Hà Việt cũng chỉ rõ giải pháp để giải bài toán hóc búa tại đấu trường châu lục và thế giới. Về định hướng, đó là quy hoạch, phân nhóm các môn thể thao nhằm đầu tư trọng tâm, trọng điểm và phát huy nguồn lực xã hội trong công tác đào tạo vận động viên.

Tiếp theo là nâng cao chất lượng đào tạo trong đó tập trung xây dựng quy trình tuyển chọn và đào tạo mang tính hệ thống, đảm bảo các điều kiện thực hiện. Tăng cường hợp tác quốc tế, tận dụng các thành tựu của khoa học công nghệ trong việc tuyển chọn, đào tạo, đánh giá trình độ tập luyện và hiệu quả của quy trình huấn luyện VĐV thể thao thành tích cao.

Đồng thời cũng đề ra 6 nhiệm vụ và các giải pháp cụ thể. Trong đó về xây dựng lực lượng VĐV, chúng ta sẽ tuyển chọn, xác định VĐV, phân thành các nhóm vận động viên có khả năng tranh chấp HCV ASIAD và đạt chuẩn Olympic.

Trịnh Thu Vinh (trái) được đầu tư trọng điểm cho mục tiêu giành vé dự Olympic. Ảnh: Quý Lượng

Nhóm vận động viên có khả năng giành huy chương ASIAD, nhóm vận động viên thuộc các môn được xã hội quan tâm. Từ đó cũng sẽ xác định phương thức đào tạo VĐV, xác định địa điểm đào tạo.

Giải pháp nữa là xây dựng lực lượng cán bộ, HLV, chuyên gia tâm lý thể thao, y học, sinh cơ học vận động hồi phục, huấn luyện thể lực; xây dựng giải pháp cụ thể cho từng môn thể thao trọng điểm.

Ngành Thể thao cũng xác định rõ các nhóm giải pháp nâng cao năng lực các sơ sở đào tạo; ứng dụng khoa học công nghệ; đề ra các giải pháp xã hội hoá thể thao thành tích cao và các giải pháp về tài chính trong đó có cả việc phối hợp giữa ngân sách nhà nước và ngân sách xã hội hoá.

Lộ trình để thực hiện cho việc vươn tầm ASIAD và khát vọng Olympic được chia thành 2 giai đoạn, từ năm 2024-2026 với nhiệm vụ cụ thể là xây dựng kế hoạch, chuẩn bị lực lượng cho Olympic 2024, 2028, các kỳ SEA Games từ năm 2025-2030; đầu tư nâng cấp và hiện đại hoá cơ sở vật chất, đảm bảo điều kiện cho thể thao thành tích cao phát triển bền vững.

Giai đoạn tiếp theo từ năm 2027-2030 sẽ là tiếp tục triển khai kế hoạch chuẩn bị lực lượng VĐV tham dự các kỳ Đại hội từ năm 2027-2030.

Không chỉ là câu chuyện của riêng ngành Thể thao

Như vậy, Thể thao Việt Nam không hề ngủ quên trên hào quang của 2 kỳ SEA Games gần nhất và cũng đã nhìn thẳng vào thực tế đồng thời tìm ra giải pháp để thực hiện cho mục tiêu vươn tầm ASIAD, khát vọng Olympic.

Và chúng ta cần thời gian cho việc này, bởi để đào tạo ra các vận động viên đẳng cấp châu lục và thế giới, đòi hỏi phải có một quá trình lâu dài và một lộ trình khoa học, kỹ lưỡng.

Thực tế hiện nay việc tìm kiếm vận động viên ở nhiều môn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là ở các thành phố lớn. Trong khi xã hội ngày càng phát triển thì các chế độ chính sách cho VĐV còn nhiều hạn chế, từ đó chưa thể thu hút được nhân tài.

Đó là chưa nói đến yếu tố quyết định là nguồn lực đầu tư. TS Cao Văn Chóng, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bình Dương nhấn mạnh, ngoài yếu tố chuyên môn, vấn đề mấu chốt trong việc cải thiện thành tích của Thể thao Việt Nam là nguồn lực đầu tư.

"Thực tế cho thấy, mức đầu tư của chúng ta so với một số nước trong khu vực như Thái Lan hay Singapore đã không bằng, chứ chưa nói đến các quốc gia khác trong châu lục. Mục tiêu thì muốn vươn tầm châu lục và thế giới, nhưng thực lực lại chỉ đủ đầu tư ở cấp độ khu vực.

Vì thế nói gì thì nói trước hết chúng ta phải giải quyết được vấn đề về kinh phí, về nguồn lực đầu tư cho thể thao nói chung và thể thao thành tích cao nói riêng. Chắc chắn rằng trong bối cảnh hiện nay chúng ta không chỉ trông chờ vào nguồn lực của Nhà nước mà phải huy động được các nguồn lực xã hội hóa, cần có cơ chế chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ hơn nữa vào các hoạt động thể thao”.

Thế nên câu chuyện cải thiện thành tích, chỉ riêng nỗ lực của ngành Thể thao là chưa đủ mà còn cần có những cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thu hút đầu tư và cần sự chung tay góp sức của toàn xã hội.

Thu Sâm (Báo Văn hóa)

Ảnh trong bài
  • Thể thao Việt Nam không mải mê với vinh quang ở đấu trường khu vực
  • Thể thao Việt Nam không mải mê với vinh quang ở đấu trường khu vực