Thuận An đẩy mạnh công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học

Thực hiện Kết luận số 70-KL/TW về phát triển TDTT trong giai đoạn mới, thành phố Thuận An – tỉnh Bình Dương đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp phát triển TDTT, trong đó tập trung đẩy mạnh công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học.

Công tác giáo dục thể chất đạt nhiều kết quả khả quan

Trong những năm qua, thể thao học đường thành phố Thuận An đã có bước phát triển đáng khích lệ, góp phần tích cực vào thành tựu chung của công cuộc đổi mới và phát triển của ngành Thể dục thể thao (TDTT). Các môn thể thao được áp dụng nhiều hơn trong trường học với nhiều nội dung phong phú, giúp cho các em phát huy hết tiềm năng và ngày càng yêu thích thể thao hơn. Hơn nữa, thể thao trường học còn giúp học sinh giảm bớt những áp lực, tăng cường thể chất, là một biện pháp giải trí tích cực.

Bóng đá là môn thể thao rất phát triển tại thành phố Thuận An

Công tác chỉ đạo, quản lý giáo dục thể chất (GDTC) và thể thao trường học đã được đổi mới. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên GDTC và thể thao trường học đã được tăng cường về số lượng, chất lượng chuyên môn cơ bản đáp ứng được nhiệm vụ quản lý, giảng dạy. Cơ sở vật chất, trang thiết bị (sân tập, nhà tập...) phục vụ GDTC và thể thao trường học được quan tâm và tăng cường trang bị, tu sửa, xây dựng và mua sắm mới.

Các trường đã đẩy mạnh công tác xã hội hóa TDTT trong nhà trường, tận dụng cơ sở vật chất, sân bãi nhằm nâng cao chất lượng chương trình giáo dục thể chất của từng cấp học, tạo thành phong trào tập luyện TDTT trong học sinh, sinh viên…, góp phần nâng cao thể lực, phòng chống các tệ nạn xã hội.

Chương trình môn học Giáo dục thể chất về cơ bản đã bảo đảm cung cấp kiến thức, kỹ năng và duy trì thói quen tập luyện thể dục, thể thao cho học sinh. Giờ học thể dục chính khóa trong nhà trường được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định; 100% trường học bảo đảm chương trình giáo dục thể chất chính khóa; nhiều nội dung tập luyện được đưa vào các hoạt động ngoại khóa, đặc biệt là các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian được lồng ghép với phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Hình thức tổ chức và nội dung tập luyện TDTT của học sinh ngày càng phong phú, đa dạng và dần đi vào nền nếp. Hệ thống giải thi đấu thể thao trong học sinh được duy trì ổn định, đặc biệt là việc ngày càng có nhiều học sinh dự thi ở nhiều nội dung trong Hội khỏe Phù Đổng các cấp, đã chứng minh sự phát triển sâu rộng phong trào tập luyện TDTT của học sinh các cấp học. Số lượng học sinh tham gia hoạt động TDTT tăng. Cán bộ, giáo viên giáo dục thể chất được bồi dưỡng thường xuyên nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp.

Các trường học đã thực hiện kết hợp hài hòa giữa chương trình giờ học môn Giáo dục thể chất chính khóa với các hoạt động ngoài giờ và có sự chú trọng đến việc xây dựng chương trình rèn luyện thể chất phong phú, phù hợp với từng học sinh. Các giải thể thao cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh không chỉ được tổ chức thường xuyên, mà còn có chất lượng cao, thu hút sự tham gia của đông đảo cán bộ, giáo viên, học sinh…

Có thể nói, phong trào TDTT trường học đã thực sự tạo sân chơi lành mạnh, giúp phát huy năng khiếu, sở trường, đáp ứng nhu cầu, sở thích của học sinh; thúc đẩy nâng cao chất lượng học tập và rèn luyện theo từng năm học.

Hội thi thể thao ở các trường duy trì tổ chức 01 năm/lần, qua đó chọn ra những học sinh tiêu biểu tham dự Hội khỏe Phù Đổng cấp thành phố và tuyển chọn những học sinh đạt thành tích cao, tập huấn để tham gia Hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh. Luôn khích lệ học sinh thể hiện năng lực, năng khiếu cá nhân trong TDTT, từ đó phát hiện những học sinh có tố chất, thành lập đội tuyển để bồi dưỡng, huấn luyện các em theo đúng nguyện vọng, sở trường. Trong đó, các trường luôn chú trọng phát hiện, bồi dưỡng và phát triển lực lượng VĐV, các môn thể thao trọng điểm như Điền kinh, Bóng rổ, Bóng chuyền, Bóng đá, Võ thuật…

Nhờ vậy, trong những năm qua, Ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố đã cung cấp nhiều VĐV thi đấu thể thao thành tích cao, tham gia thi đấu đạt nhiều thành tích cao tại các giải vô địch và Đại hội TDTT cấp tỉnh, đồng thời đại diện tỉnh tham gia đạt nhiều thành tích cao tại các giải thể thao khu vực, toàn quốc hàng năm.

Ngoài việc đầu tư điều kiện vật chất phục vụ luyện tập, công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho VĐV thường xuyên được quan tâm. Các VĐV đạt kết quả cao được động viên, khen thưởng kịp thời.

Nhiệm vụ, giải pháp thực hiện thời gian tới

Trong giai đoạn mới, thành phố Thuận An sẽ tiếp tục triển khai thực hiện tốt hơn nữa công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học. Trên cơ sở đó, giúp việc tập luyện TDTT trở thành thói quen sinh hoạt hàng ngày góp phần nâng cao thể lực, trí lực cho thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên. Tổ chức tốt các giải thể thao và Hội khỏe Phù Đổng các cấp (cấp trường, cấp thành phố mỗi năm 1 lần).

Nâng cao chất lượng dạy và học thể dục chính khóa, phát triển hoạt động thể thao ngoại khóa có nề nếp, bảo đảm mục tiêu phát triển thể lực toàn diện cho học sinh, sinh viên; xây dựng phát triển các loại hình CLB thể thao trường học, đảm bảo các trường học đều có CLB TDTT. Chú trọng việc phát hiện, bồi dưỡng tài năng thể thao ngay từ cấp tiểu học để làm tiền đề cho công tác đào tạo lực lượng thể thao thành tích cao về lâu dài.

Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị TDTT trường học phục vụ cho hoạt động ngoại khóa, từng bước hình thành các tổ hợp TDTT ở xã, phường gắn với trường học, điểm vui chơi giải trí của thanh thiếu niên và các thiết chế văn hóa tại cơ sở. Tăng cường kiểm tra, giám sát của các cấp ủy và chính quyền trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và đầu tư cơ sở vật chất, quy hoạch đất cho thể thao trường học.

Thực hiện “Chương trình phổ cập bơi phòng, chống đuối nước” trong học sinh phổ thông từ 7 đến 15 tuổi. Tổ chức việc dạy và học môn võ Vovinam và Võ thuật cổ truyền Việt Nam trong các trường phổ thôngphù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương, từng cấp học và trình độ đào tạo.

Nâng cao hiệu quả công tác giáo dục thể chất (GDTC) của nhà trường một cách hiệu quả, đồng bộ, nhất là phải có sự phối hợp hài hòa trong giảng dạy môn GDTC, xây dựng môi trường học tập tích cực, rèn luyện sức khỏe, tạo ra sân chơi lành mạnh với từng đối tượng học sinh, góp phần làm giảm đi các tệ nạn xã hội.

Quan tâm xây dựng kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện TDTT. Hàng năm dành khoản kinh phí để chi cho việc mua sắm các trang thiết bị phục vụ cho môn học GDTC trọng điểm của nhà trường, tổ chức các giải thi đấu học sinh. Tranh thủ sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp, hội cha mẹ học sinh, hỗ trợ các dụng cụ tập luyện TDTT cho các CLB TDTT của trường.

Sắp xếp hợp lý lại đội ngũ giáo viên GDTC, tạo điều kiện cho giáo viên đang giảng dạy được tham gia tập huấn bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Tăng cường chế độ ưu đãi đối với giáo viên GDTC. Xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động thể thao ngoại khóa cho học sinh. Thành lập đội tuyển các môn thể thao trong nhà trường. Hàng năm xây dựng kế hoạch thi đấu các môn thể thao nhân dịp lễ, tết. Thành lập các CLB TDTT của nhà trường nhằm thu hút các em đến tập luyện thường xuyên như Võ thuật, Bóng đá, Cầu lông, Bóng rổ...

Tiếp tục đầu tư xây dựng nhiều sân chơi bổ ích cho các em, mở nhiều CLB thể thao dành cho các em; mở các lớp học về nhiều môn thể thao, tổ chức các giải thể thao khuyến khích các em tham gia.

Tập trung đầu tư kết hợp với xã hội hóa các môn thể thao thế mạnh của thành phố để giữ vững thành tích và tạo sân chơi lành mạnh, đồng thời đẩy mạnh giáo dục thể chất và thể thao trường học bảo đảm yêu cầu phát triển con người toàn diện trong giai đoạn mới.

Bài, ảnh: Hồng Hạnh

Ảnh trong bài
  • Thuận An đẩy mạnh công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học
  • Thuận An đẩy mạnh công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học