TỔNG CỤC THỂ DỤC THỂ THAO
  1. TRANG CHỦ
  2. GIỚI THIỆU
  3. TIN TỨC SỰ KIỆN
  4. CHUYÊN NGÀNH
  5. ẢNH - VIDEO
  6. VĂN BẢN PHÁP QUY
  7. LIÊN HỆ

Vai trò của hợp tác quốc tế trong suốt chiều dài 70 năm Thể thao Việt Nam

3223 Lượt xem

Trong suốt quá trình hình thành, phát triển, đến nay Thể thao Việt Nam đã đạt được những thành công đáng ghi nhận, qua đó khẳng định vị thế của mình trên các đấu trường khu vực, châu lục và thế giới. Có được kết quả đó, không thể không nhắc tới vai trò to lớn của hoạt động hợp tác quốc tế. Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thể thao Việt Nam (27/3/1946 - 27/3/2016), phóng viên Trang tin điện tử TDTT Việt Nam đã có cuộc gặp gỡ, trao đổi cùng ông Nguyễn Văn Quân - nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Tổng cục TDTT để hiểu thêm về vai trò của công tác hợp tác quốc tế trong lĩnh vực Thể dục thể thao.

Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác TDTT giữa Ủy ban TDTT VN và Bộ Thể thao Myanmar (Ảnh:Văn Quân)
Ông đánh giá thế nào về công tác hợp tác quốc tế của Thể thao Việt Nam trong suốt chặng đường 70 năm qua?

Nói về đóng góp của công tác hợp tác quốc tế đối với sự phát triển của Thể thao Việt Nam nói riêng, hoăc nói rộng hơn về đóng góp của công tác hợp tác quốc tế, hội nhập quốc tế của Thể thao Việt nam đối với sự nghiệp cách mạng chung của dân tộc trong phạm vi quốc tế trong suốt chiều dài 70 năm qua kể từ khi thể thao Việt Nam ra đời vào ngày 27 tháng 3 năm 1946 có thể nói là đã trải qua những bước thăng trầm của lịch sử đất nước.

Trong giai đoạn từ 1946 - 1954, Thể thao Việt Nam phục vụ sự nghiệp vĩ đại kháng chiến chống Pháp của dân tộc. Giai đoạn này hoạt động thi đấu bóng đá đối ngoại diễn ra khá nhộn nhịp. Nhiều đội bóng từ phía Bắc Âu đã tới nước ta như: Áo, Đan Mạch, Hồng Công. Thể thao Việt Nam cũng cử đoàn đi tham gia thu đấu tại các quốc gia khác như: An-giê-ri, Pháp, Thụy Điển. Các cây vợt Bóng bàn của ta cũng có những chuyến xuất ngoại đi thi đấu tại Pháp, Hà Lan, Áo, Ấn Độ, với kết quả nổi trội. Năm 1951, Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam được gia nhập Liên đoàn Bóng bàn Quốc tế (ITTF) - là tổ chức thể thao đầu tiên của Việt Nam là thành viên của một tổ chức thế thao thế giới. Đỉnh cao thành tích môn bóng bàn Việt Nam là thắng lợi vang dội lần đầu tiên ở tầm châu lục giành 2 HCV, 1 HCB chiếm ngôi vị số 1 cả đơn nam, đôi nam và Á quân đồng đội nam tại giải Bóng bàn vô địch châu Á lần thứ 2 ở Tokyo Nhật Bản tháng 9/1953 và giải Bóng bàn vô địch châu Á lần thứ 3 tổ chức tại Singapore tháng 12/1954. Trong giai đoạn này, Ủy hội thế vận Việt Nam xin Ủy hội Thế vận quốc tế (IOC) công nhận và xúc tiến việc chuẩn bị tham dự Thế vận hội 15 ở Phần Lan và được Ủy hội Thế vận quốc tế cho phép trở thành thành viên chính thức của Phong trào Thế vận hội quốc tế từ năm 1952.

Bước sang giai đoạn từ 1954 - 1975, quan hệ quốc tế về Thể dục thể thao của nước ta trong thời kỳ này là một bộ phận của công tác đối ngoại nói chung, nhằm tăng cường đoàn kết giữa nước ta và các nước xã hội chủ nghĩa, đấu tranh bảo vệ hòa bình, ủng hộ phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân các nước châu Á, châu Phi và châu Mỹ La tinh, xây dựng và củng cố khối đoàn kết chiến đấu giữa ba dân tộc Việt Nam, Lào và Campuchia, chống đế quốc Mỹ xâm lược. Mặt khác, thông qua các quan hệ quốc tế, tranh thủ sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa để phát triển phong trào Thể dục thể thao ở nước ta trong điều kiện còn nhiều khó khăn. Trong giai đoạn này, thông qua quan hệ quốc tế về Thể dục thể thao, ngành Thể dục thể thao miền Bắc đã nhận được sự giúp đỡ có hiệu quả của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa khác trên nhiều mặt như: đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, huấn luyện viên, vận động viên. Việt Nam thường xuyên tham gia các hội nghị hằng năm của ngành Thể dục thể thao các nước xã hội chủ nghĩa. Thông qua các hoạt động này, cuộc chiến đấu chống Mỹ, cứu nước, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc của nhân dân ta đã được nhân loại tiến bộ trong đó có giới thể thao ủng hộ và giúp đỡ về tinh thần và vật chất.

Từ những năm 1975 đến nay, đặc biệt là những năm 1975 - 1985, chúng ta tiếp tục nhận được sự viện trợ, giúp đỡ chí tính của các nước xã hội chủ nghĩa. Đến đầu những năm 80, chúng ta tăng cường hợp tác với Lào, cải thiện quan hệ với Campuchia và Trung Quốc ở một số lĩnh vực. Năm 1982, lần đầu tiên đoàn thể thao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tham gia Đại hội thể thao châu Á (ASIAN Games - ASIAD) tại Ấn Độ và từ đó Thể thao Việt Nam liên tục tham gia các kỳ Đại hội ASIAD với chu kỳ bốn năm một lần. Để Việt Nam có thể tham gia Đại hội Olympic 22, Liên Xô đã giúp đỡ Thể dục thể thao Việt Nam trong việc hội nhập, tham gia với tư cách thành viên phong trào Olympic thế giới và thành viên nhiều Liên đoàn Thể thao thế giới, Ủy ban Olympic quốc gia Việt Nam được Ủy ban Olympic quốc tế công nhận và Việt Nam được mời tham dự Olympic ở Matxơva. Đây cũng là dấu mốc mở ra thời kỳ mới trong quan hệ quốc tế về thể dục thể thao và tham gia các kỳ Đại hội Olympic về sau của TDTT Việt Nam.

Kể từ Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986, nước ta mới thực sự thực hiện chính sách mở cửa, trước hết về kinh tế, toàn diện và triệt để kể cả lĩnh vực thể dục thể thao. Cũng từ đó, TDTT Việt Nam bắt đầu đẩy mạnh các hoạt động giao lưu, thi đấu, hội nhập quốc tế, phấn đấu trở thành một thành viên tích cực của phong trào Olympic quốc tế. TDTT Việt Nam tham gia đều đặn và tiến bộ nhanh giành thứ hạng cao trong các giải thi đấu thể thao khu vực, châu lục và thế giới. Năm 1989, nước Việt Nam thống nhất bắt đầu tham gia Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games) lần thứ 15 tại Malaysia. Cũng từ đó, Việt Nam liên tục tham gia các kỳ SEA Games 2 năm một lần. Trong đó năm 2003, Việt Nam đăng cai thành và tổ chức thành công SEA Games lần thứ 22.

Tại Đại hội Olympic năm 2000 tai Sydney, Australia, nhờ tấm Huy chương Bạc ở môn Taekwondo của VĐV Trần Hiếu Ngân, Việt Nam có tên trên bản đồ Olympic thế giới. Công tác hợp tác, hội nhập quốc tế của Thể thao Việt Nam cũng phát triển rất nhanh, mạnh. Trước đây, thể thao nước ta chỉ có thể đi tập huấn, thi đấu trong phạm vi hẹp số lượng quốc gia như trước đây là Liên Xô (nay là Nga), Trung Quốc, một số nước Đông Âu cũ. Nay từng môn thể thao đỉnh cao nói riêng, thể thao Việt Nam nói chung có thể đi giao lưu tập huấn, thi đấu ở hầu hết mọi nước. Ví dụ: Bóng đá đi tập huấn, thi đấu tại Nhật Bản, Hàn Quốc; môn Đấu kiếm tập huấn ở Pháp; Nguyễn Thị Ánh Viên tập huấn bơi đỉnh cao hàng năm nay tại Mỹ hay các môn Điền kinh, Thể dục, Nhảy cầu, vv… tập huấn tại nhiều nước. Hiện nay, Việt Nam đã lập quan hệ ngoại giao, kinh tế, thương mại với 230 quốc gia trên thế giới. Thể thao Việt Nam, Ủy ban Olympic Việt Nam đã ký Thỏa thuận hợp tác về TDTT với hầu như tất cả các nước có nền thể thao phát triển hiện đại nhất trên thế giới. Điều này tạo điều kiện rất lớn cho sự hội nhập quốc tế và phát triển mạnh của Thể thao Việt Nam.

Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Ủy ban Olympic Việt Nam và Ủy ban Olympic Thái Lan (Ảnh: Văn Quân)

Vậy theo ông, giai đoạn nào được coi là khởi sắc trong công tác hợp tác quốc tế của Thể thao Việt Nam?

Nếu nói về giai đoạn khởi sắc trong công tác hợp tác quốc tế của Thể thao Việt Nam, theo đánh giá của cá nhân tôi là giai đoạn 1998 - 2008, đặc biệt là những năm liên quan đến việc Việt Nam đăng cai SEA Games 22 năm 2003 tại Việt Nam. Chỉ tính riêng trong năm 2001, ở cấp Trung ương đã có 133 đoàn với 1.942 lượt cán bộ, HLV, trọng tài và VĐV của Thể thao Việt Nam đi công tác nước ngoài. Đón 35 đoàn (148 người) vào Việt Nam. Ký hợp đồng với 35 HLV nước ngoài để huấn luyện các đội tuyển quốc gia. Năm 2002, Thể dục thể thao Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia mạnh về thể thao như Pháp, Mỹ, Úc, Nga,Trung Quốc, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc,Tây Ban Nha và các nước trong khu vực ASEAN. Năm 2002, Việt Nam tổ chức thành công 2 Hội nghị toàn thể Liên đoàn thể thao Đông Nam Á nhiệm kỳ 2002 - 2003. Năm 2003 tổ chức thành công SEA Games 22, đón tiếp nhiều đoàn lãnh đạo thể dục thể thao các nước ASEAN, nhiều HLV, VĐV, trọng tài và quan chức các nước đến thi đấu. Việc đón tiếp và tổ chức Đại hội đã để lại ấn tượng tốt đẹp cho bạn bè quốc tế đến Việt Nam. Năm 2005, các VĐV Việt Nam tham gia khoảng 60 cuộc thi đấu thể thao quốc tế.

Chỉ trong vòng 10 năm từ 1998 - 2008, Ủy ban Thể đục thể thao, Ủy Ban Olympic Việt Nam đã ký 36 thỏa thuận hợp tác TDTT ở cấp Bộ với hầu hết các nước có nền thể thao tiên tiến hàng đầu trên thế giới như Mỹ, Úc, Pháp, Đức, Anh, Tây Ban Nha, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia, Malaysia, Indonesia, Myanma, Brazil, Ác hen ti na…Bộ trưởng thể thao Việt Nam đã đi thăm các nước này và Bộ trưởng thể thao hoặc Chủ tịch Ủy ban Olympic nhiều nước đã đến thăm Việt Nam. Hoạt động hợp tác quốc tế về thể thao không chỉ góp phần nâng cao trình độ VĐV, mà còn góp phần nâng cao năng lực tổ chức, điều hành của đội ngũ cán bộ quản lý, trọng tài, nhân viên y tế... của ngành Thể dục thể thao Việt Nam. Đồng thời thông qua tổ chức các sự kiện thể thao, hình ảnh đất nước con người Việt Nam yêu hòa bình đã được quảng bá rộng rãi trên thế giới.

Là người có nhiều năm kinh nghiệm trong công tác hợp tác quốc tế, theo ông để công tác hợp tác quốc tế của Thể thao Việt Nam tiếp tục phát triển trong thời gian tới, Thể thao Việt Nam cần tập trung vào vấn đề gì?

Tất nhiên là công tác hợp tác quốc tế của thể thao Việt nam phải luôn luôn ghi nhớ trách nhiệm chính của mình là đóng góp giúp Thể thao Việt Nam phát triển đuổi kịp và vượt thành tích thể dục thể thao của nhiều nước khác trong khu vực, châu lục và trên thế giới mang đầy đủ tính cách dân tộc và hiện đại. Thể thao Việt Nam giao lưu, thi đấu và hội nhập quốc tế không chỉ mang ý nghĩa chuyên môn về thể thao mà còn nhằm tranh thủ tình cảm và sự ủng hộ quốc tế đối với sự nghiệp cách mạng xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Thể thao Việt Nam càng hội nhập quốc tế, VĐV, những người làm thể thao Việt Nam càng tự hào và yêu tổ quốc mình hơn.

Muốn làm tốt công tác hợp tác quốc tế của Thể thao Việt Nam trong tương lai thì cần rất nhiều yếu tố đồng bộ kể từ tầm nhìn, tài lãnh đạo và sự ủng hộ của những người lãnh đạo ngành cho đến trình độ chuyên môn khá, giỏi của các chuyên viên vụ Hợp tác quốc tế. Chúng ta phải nhớ rằng Thể thao Việt Nam hợp tác và hội nhập quốc tế là công tác chung của tất cả các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao, Câu lạc bộ thể thao đỉnh cao cấp quốc gia thuộc Liên đoàn bóng đá, Liên đoàn bóng chuyền, các bộ môn như Quần vợt, Bóng bàn, các môn võ thuật như Karatedo, Taekwondo, Wushu, Cầu lông vv…Ngoài ý chí vươn lên của mỗi người, mỗi bộ môn và toàn ngành phải cố gắng học nâng cao trình độ ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh, có thái độ và phương pháp làm việc đúng, làm việc theo nhóm theo phong cách chuyên nghiệp và hiện đại.

A.T
 

Print
3223 Đánh giá bài viết này:
No rating

Contact author

x

Sự kiện

Dữ liệu ngành

TRANG TIN ĐIỆN TỬ THỂ DỤC THỂ THAO VIỆT NAM
CƠ QUAN CHỦ QUẢN: TỔNG CỤC THỂ DỤC THỂ THAO
Giấy phép số: 559/GP-BC do Bộ Văn hóa - Thông tin cấp ngày 14/12/2004
Chịu trách nhiệm: Ngô Thịnh Hường - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin
Địa chỉ: 36 Trần Phú - Ba Đình - Hà Nội * Điện thoại: (84-24) 3747 3310 - 3747 2958 * FAX: (84-24) 3747 1981
Email:banbientap@tdtt.gov.vn Hỗ trợ kỹ thuật: support@tdtt.gov.vn
Ghi rõ nguồn www.tdtt.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ trang này
Copyright@ Trung tâm thông tin thể dục thể thao
Back To Top