TỔNG CỤC THỂ DỤC THỂ THAO
  1. TRANG CHỦ
  2. GIỚI THIỆU
  3. TIN TỨC SỰ KIỆN
  4. CHUYÊN NGÀNH
  5. ẢNH - VIDEO
  6. VĂN BẢN PHÁP QUY
  7. LIÊN HỆ

Những tấm huy chương quả cảm

4271 Lượt xem
Danh mục: seagame2019

Kỳ Đại hội thể thao đa môn lớn nhất khu vực Đông Nam Á lần thứ 30 đã chính thức khép lại, nhưng dấu ấn về những tấm huy chương có được từ sự nỗ lực không mệt mỏi với biết bao công sức, mồ hôi, thậm chí là cả máu và nước mắt của các VĐV sẽ mãi còn đó như một dấu ấn khó phai. Chủ nhân của những tấm huy chương quả cảm đó phải kể đến Phạm Thị Hồng Lệ, Lê Tú Chinh, Nguyễn Thị Huyền, Phạm Thu Trang và tập thể các cô gái của tuyển bóng đá nữ Việt Nam.

Image

Thành công của Nguyễn Thị Huyền tại SEA Games 30 đã không phụ những nỗ lực hy sinh của cô gái người Nam Định (Ảnh: Văn Duy)

Đoàn TTVN đã để lại dấu ấn vô cùng ấn tượng tại SEA Games 30 với vị trí thứ Nhì toàn đoàn (vượt chỉ tiêu đặt ra) cùng với đó là những tấm huy chương lịch sử của bóng đá nam hay tấm HCV của Quần vợt (lần đầu tiên giành được tại Đại hội thể thao khu vực)... Tuy nhiên, không thể không nhắc đến sự đóng góp đáng kể của những tấm huy chương giành được bằng nghị lực phi thường, vượt qua giới hạn chịu đựng của bản thân vì chấn thương để mang vinh quang về cho Tổ quốc.

Tấm HCĐ của Phạm Thị Hồng Lệ trên đường đua marathon là một trong những ví dụ điển hình về sự nỗ lực, vượt qua giới hạn chịu đựng của bản thân. Cạnh tranh cùng với 7 VĐV nữ đến từ các nước ở nội dung được xem là khắc nghiệt nhất của môn Điền kinh đã là điều khó khăn, cô gái sinh năm 1998 của chúng ta đã thi đấu với tinh thần thép khi đối mặt với quãng đường dài 42,195 m nhiều dốc dưới thời tiết nắng nóng.

Cán đích ở vị trí thứ Ba với thành tích 3 giờ 02 phút 52 giây, do quá gắng sức, Hồng Lệ đã gục ngã và bị chuột rút toàn thân, cơ bị căng cứng không thể cử động và phải thở oxy. Nghị lực của cô gái có dáng người nhỏ nhắn và cân nặng bằng đúng với chiều dài quãng đường mà cô vừa chinh phục đã khiến tất các bác sĩ, phóng viên và đồng đội chứng kiến tại thời điểm đó xúc động đến rơi nước mắt.

Khi Ban tổ chức trao huy chương, Hồng Lệ thậm chí không tự mặc được quần áo chỉnh tề và phải nhờ tới sự giúp đỡ của các thành viên ban huấn luyện. Lúc được dìu lên bục nhận huy chương, Hồng Lệ đã bật khóc nức nở. Tấm huy chương mà Hồng Lệ giành được mặc dù không phải Vàng, nhưng lại đáng quý hơn Vàng.

Gương mặt thứ Hai phải kể đến ở đây đó Lê Tú Chinh. Tấm HCV mà Tú Chinh giành được ở cự ly 100m là một trong những tấm huy chương được Trưởng đoàn TTVN Trần Đức Phấn đánh giá cao. Bên cạnh sức ép rất lớn về hai VĐV nhập tịch của Philippines, Tú Chinh còn phải đối mặt với những di chứng của vấn đề căng cơ do gắng sức khi tập luyện và thi đấu ở Giải Grand Prix châu Á. Thế nhưng, Lê Tú Chinh đã làm nên một chiến thắng vô cùng ấn tượng khi cán đích đường đua 100 mét nữ với thành tích 11 giây 54, trước đối thủ nhập tịch người Philippines Kristina Marie Knott, chỉ 1% giây, qua đó giữ vững danh hiệu “nữ hoàng tốc độ” và giành chiếc HCV cho Điền kinh Việt Nam.

 

Sau khi biết mình giành chiếc HCV, Lê Tú Chinh bật khóc, Tú Chinh cũng thừa nhận rằng: "khi tới vạch đích, em cũng không biết mình về nhất hay nhì, chỉ khi nhìn lên màn hình em mới biết. Việc để thua bạn ngày hôm qua đã trở thành động lực để em phấn đấu ngày hôm nay". Đứng trên đỉnh vinh quang nhưng Tú Chinh vẫn tỏ ra khiêm tốn khi chia sẻ rằng, để mình mạnh mãi thì khó lắm nên sau SEA Games lần này, khi về nước em sẽ phải tập luyện và nỗ lực nhiều hơn.

Image

Lê Tú Chinh đã làm nên một chiến thắng vô cùng ấn tượng (Ảnh: Văn Duy)

Còn đối với chiếc HCV mà bà mẹ một con Nguyễn Thị Huyền giành được ở cự ly 400m với thành tích 52 giây 80, thì đó là cảm xúc khác với tất cả những lần trước đây, đó là tấm huy chương của mồ hôi và nước mắt của cả hai mẹ con. Để có được tấm huy chương quý giá này, Huyền phải trở lại tập luyện sau ba tháng sinh con, và ba tháng sau con gái cô đã phải cai sữa mẹ. Nguyễn Thị Huyền tự nhủ với lòng mình cần phải nỗ lực hết sức vì con mình đã quá thiệt thòi. Trong lúc tập luyện và ngay trước khi thi đấu ở cự ly 400m, Huyền cũng mang ảnh con ra xem để lấy đó làm động lực.

Ngược dòng trở lại những ký ức khó khăn những ngày đầu trên sân tập với bà mẹ mới sinh là cả một thử thách vô cùng ghê gớm. Huyền cho biết, chỉ mấy vòng chạy đã xuống sức, có những lúc nằm bò ở dưới sân, không có cảm giác gì. Phải mất cả tuần trầy trật, mọi chuyện mới dần tốt lên. Đến khi được gọi vào luyện tập cùng ĐTQG, Huyền phải gạt nước mắt gửi con nhờ bà nội trông, bước vào một cuộc đua chuyên môn đầy khắc nghiệt với chính mình, với các đồng đội cũ.

Thành công của Nguyễn Thị Huyền tại SEA Games 30 đã không phụ những nỗ lực hy sinh của cô gái người Nam Định, hơn thế nữa, Huyền cũng đã thực hiện được lời hứa với thày, với bố mẹ và chồng là sẽ giành HCV ở Đại hội lần này và coi đó là món quà dành tặng mọi người. Huyền đã không khiến mọi người phải thất vọng.

Không có thành công nào là dễ dàng đối với một VĐV đỉnh cao, Phạm Thị Thu Trang, nhà vô địch nội dung đi bộ 10.000m tại SEA Games 30 với thành tích 52 phút 59,45 giây cũng không phải là ngoại lệ. Đây là tấm huy chương vô cùng bất ngờ đối với bản thân Thu Trang cũng như Điền kinh Việt Nam. Bật khóc khi được hỏi về cảm nghĩ của mình với chiếc HCV giành được, Phạm Thị Thu Trang cho biết, em thực sự ngạc nhiên, em không nghĩ hôm nay em có thể giành được HCV. Em không biết nói gì, chỉ biết cảm ơn mọi người đã luôn ở bên động viên em.

Phạm Thị Thu Trang đến với điền kinh sáu năm, trong đó vào tổ bền và tổ chạy dài ba năm, ba năm gần đây mới tập đi bộ, nhờ thành tích xếp thứ Nhì giải vô địch Quốc gia, sau đó bổ sung lên tuyển thế nhưng Thu Trang đã trở thành nhân tố bất ngờ của Điền kinh Việt Nam tại SEA Games lần này. Thông số của Thu Trang rất tốt thế nhưng lại chưa từng nghĩ rằng mình sẽ giành HCV bởi theo lý giải của em, đây là lần đầu tiên em tham dự SEA Games nên chưa có nhiều kinh nghiệm, nên rất ảnh hưởng tới tâm lý khi bước vào tranh tài. Vì là lần đầu tiên thi đấu nên em không biết đối thủ có những ai, mạnh như thế nào. Thực sự khi ở nhà, Ban huấn luyện chỉ động viên em giữ tâm lý thoải mái khi thi đấu, mà không đặt bất cứ chỉ tiêu nào đối với em.

Thế nhưng, phía sau thành công ấy, không phải ai cũng biết cô gái sinh ra ở vùng quê nghèo ở Chương Mỹ, Hà Nội đã phải hạy xe ôm mỗi ngày hai tiếng, có lúc còn chuyển sang làm phụ bếp để có thể theo đuổi đam mê tập luyện môn thể thao đi bộ và cũng để đỡ đần thêm cho gia đình. Tấm HCV giành được tại SEA Games 30 đã giúp Thu Trang khẳng định niềm tin với cha mẹ, rằng cha mẹ sẽ cho phép cô theo đuổi niềm đam mê của mình cũng như sẽ không còn phải lo lắng kiếm thêm để tiếp tục sự nghiệp VĐV.

Và quả cảm là từ chính xác nhất để dành cho tấm HCV mà các cô gái của đội tuyển bóng đá nữ đã giành về cho TTVN trong trận chung kết với tuyển nữ Thái Lan. Đội tuyển nữ Việt Nam đã giành chức vô địch SEA Games 30 lần thứ sáu bằng một trận cầuđầy cảm xúc. Đó là thành quả của nước mắt, mồ hôi và khát vọng của những cô gái đi đá bóng.

Đó là chiến thắng được ghi nhận bằng những hình ảnh vô cùng xót xa khi Chương Thị Kiều với đôi chân tập tễnh, rớm máu và băng bó trắng đùi còn tiền đạo Huỳnh Như phải nhờ thành viên ban huấn luyện cõng khi rời sân. Nhiều cầu thủ đã bị chuột rút, kiệt sức sau trận đấu mà họ đã chơi một thứ bóng đá tận hiến. Những giọt mồ hôi, nước mắt đã rơi ở đấu trường SEA Games đầy khắc nghiệt. Chiến thắng này của các nhà vô địch Đông Nam Á đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng đó là "chiến thắng của tinh thần yêu nước, tinh thần Việt Nam, chiến thắng của sự đoàn kết, quyết tâm, là ý thức trách nhiệm lớn trước hàng triệu người dân yêu nước”.

Một kỳ SEA Games đã khép lại với những dấu ấn khó quên, sẽ không thể kể hết những tấm gương quả cảm luôn hết mình trong thi đấu. Mỗi tấm huy chương giành được, dù là màu gì cũng đáng trân trọng và vô cùng quý giá. Các VĐV thân yêu của chúng ta đã viết nên những câu chuyện khiến người hâm mộ cảm phục, day dứt và nhớ mãi không quên về tinh thần "màu cờ sắc áo"

A.T

Print
4271 Đánh giá bài viết này:
5.0

Contact author

x

Sự kiện

Dữ liệu ngành

TRANG TIN ĐIỆN TỬ THỂ DỤC THỂ THAO VIỆT NAM
CƠ QUAN CHỦ QUẢN: TỔNG CỤC THỂ DỤC THỂ THAO
Giấy phép số: 559/GP-BC do Bộ Văn hóa - Thông tin cấp ngày 14/12/2004
Chịu trách nhiệm: Ngô Thịnh Hường - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin
Địa chỉ: 36 Trần Phú - Ba Đình - Hà Nội * Điện thoại: (84-24) 3747 3310 - 3747 2958 * FAX: (84-24) 3747 1981
Email:banbientap@tdtt.gov.vn Hỗ trợ kỹ thuật: support@tdtt.gov.vn
Ghi rõ nguồn www.tdtt.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ trang này
Copyright@ Trung tâm thông tin thể dục thể thao
Back To Top