Huyền thoại Wushu Nguyễn Thúy Hiền: Thể thao là những ký ức đẹp nhất cuộc đời

Nguyễn Thúy Hiền - cái tên không còn xa lạ đối với người hâm mộ bộ môn Wushu nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung. Cách đây hơn 30 năm, một nữ tuyển thủ môn Wushu vừa xinh đẹp, tài năng, đã giành cho mình tấm huy chương vàng (HCV) quốc tế đầu tiên trong sự nghiệp khi chỉ mới 14 tuổi.

Sở hữu bảng thành tích “khủng” trên các đấu trường thể thao khu vực, châu lục và thế giới, cựu VĐV Nguyễn Thúy Hiền luôn được coi là huyền thoại của nền thể thao Việt Nam. Ở tuổi 45, Nguyễn Thúy Hiền của hiện tại vẫn luôn được khán giả ưu ái, mến mộ. Mặc dù, bận rộn với cuộc sống hàng ngày, song mỗi lần nhìn thấy các thế hệ đàn em thi đấu mang vinh quang về cho Tổ quốc thì bao ký ức của tuổi trẻ lại ùa về với bao xúc động, nghẹn ngào.

Sự nghiệp của Thúy Hiền bắt đầu từ năm 1992, khi cô được Giám đốc Sở TDTT Hà Nội chọn vào lớp đào tạo Wushu đầu tiên của Hà Nội. Chỉ sau 1 năm, Thúy Hiền đã xuất sắc đem về cho Wushu Việt Nam 2 huy chương tại giải vô địch thế giới tổ chức tại Malaysia (HCV Đao thuật, HCB Trường quyền). Sự kiện này đã ghi tên cô vào lịch sử thể thao Việt Nam với tư cách là người đầu tiên đoạt HCV thế giới. Với thành tích ấn tượng này, Thúy Hiền vinh dự nhận được Huân chương lao động hạng 3 của Chủ tịch nước.

Thành công nối tiếp thành công, năm 1995 được xem là năm bội thu huy chương của Thúy Hiền. Tại giải Wushu Đông Nam Á tổ chức tại Hà Nội, cô giành 2 HCV môn Đao thuật và Trường quyền. Cùng năm này, cô còn được cử tham dự giải vô địch thế giới Wushu tổ chức tại Baltimore, Hoa Kỳ và giành được 01 HCB và 02 HCĐ. Từ đây hình ảnh Thúy Hiền đã trở nên quen thuộc đối với những người hâm mộ thể thao nói chung và Wushu nói riêng.

Năm 1996 Thúy Hiền được đưa sang tập huấn tại Quảng Châu (Trung Quốc). Cũng trong năm này, cô tham gia thi đấu một lần tại giải vô địch Wushu châu Á tổ chức ở Philippines, đoạt HCV Đao thuật và HCB Trường quyền.

Nguyễn Thúy Hiền được mệnh danh là huyền thoại Wushu Việt Nam khi sở hữu bảng vàng thành tích đáng ngưỡng mộ (Ảnh: FBNV)

Năm 2001 được đánh giá là năm rực rỡ nhất của Thúy Hiền khi cô xuất sắc giành 3 HCV SEA Games và 3 HCV thế giới. Khi trở về nước, cô được phong tặng Huân chương Lao động hạng nhất. Năm 2003, cô tiếp tục giành HCV môn đao thuật tại giải vô địch thế giới lần thứ 7 tổ chức tại Ma Cao, Trung Quốc.

Tính chung, trong cuộc đời thi đấu đỉnh cao, Nguyễn Thúy Hiền đã có cho mình một bộ sưu tầm huy chương, gồm: 7 HCV thế giới, 2 HCV châu Á, 8 HCV SEA Games. Cô cũng vinh dự 6 lần đạt danh hiệu VĐV tiêu biểu trong năm của thể thao Việt Nam và được chọn là thành viên của đoàn rước đuốc trong lễ khai mạc SEA Games 22 và SEA Games 31 diễn ra tại Hà Nội.

Tới năm 2005, sau chấn thương tại SEA Games 22, Nguyễn Thúy Hiền đã quyết định giải nghệ, nghỉ thi đấu và trở thành HLV, trọng tài môn Wushu. Bắt đầu từ thời điểm này, Thúy Hiền bộn bề với lo toan cuộc sống nhưng trong hoàn cảnh nào cô vẫn toát lên vẻ đẹp mạnh mẽ, ý chí kiên cường của người con gái Việt Nam để cân bằng giữa công việc và cuộc sống riêng.

Cựu võ sĩ sinh năm 1979, sau gần 20 năm giải nghệ, vẫn luôn dành sự quan tâm lớn cho các kỳ SEA Games - nơi có những VĐV đàn em thi đấu. Chia sẻ với báo chí, cựu võ sĩ người Hà Nội cho biết: "Tôi theo dõi rất nhiều môn thi đấu mà đoàn thể thao Việt Nam góp mặt tại các kỳ Đại hội thể thao lớn của khu vực, châu lục, gần nhất là tại SEA Games 32 và ASIAD 19. Ngoài Dương Thúy Vi là đàn em thuộc bộ môn và mình có thể chúc mừng trực tiếp, tôi còn dành sự ủng hộ tới những VĐV Việt Nam khác. Không ít lần khi xem những khoảnh khắc mà VTV ghi lại, tôi rơi nước mắt vì xúc động. Thí dụ như lúc VĐV điền kinh Nguyễn Thị Oanh mệt và gần như gục xuống, tôi nghẹn ngào xúc động. Khi còn thi đấu tôi chưa bao giờ khóc, nhưng chứng kiến sự nỗ lực của các em, tôi không kìm lại được".

Từng là VĐV, hơn ai hết Nguyễn Thúy Hiền hiểu những chiếc huy chương ấy đánh đổi bằng tuổi trẻ, công sức tập luyện, mồ hôi và nước mắt. "Tôi xúc động vì chiếc HCV các VĐV đạt được đánh đổi bằng những ngày tháng khổ luyện của họ. Tôi cũng đã trải qua những tháng ngày đau đớn (chấn thương trong tập luyện), khó khăn, tôi biết phía sau tấm huy chương ấy là sự nỗ lực vượt qua giới hạn của chính bản thân mình".

Chứng kiến VĐV cùng tên Nguyễn Thúy Hiền giành HCĐ nội dung bơi tự do 100m nữ tại SEA Games 32 khi mới chỉ 14 tuổi, huyền thoại Wushu cũng bồi hồi nhớ lại ngày chị đoạt chiếc HCV thế giới đầu tiên cho thể thao Việt Nam lúc đó cô cũng mới 14 tuổi. Khi giành dấu mốc lịch sử này, tôi cũng chưa đủ lớn để hiểu vinh quang mình đạt được. Mãi tới về sau, trải qua nhiều biến động của cuộc sống cũng như sự nghiệp thì tất cả những kỷ niệm đẹp đó khiến tôi luôn nhớ đến. Thời đó, tôi bỏ qua rất nhiều lời mời làm chuyên gia, làm diễn viên ở nước ngoài bởi tình yêu dành cho Tổ quốc, cho môn thể thao mình theo đuổi". Thúy Hiền nhấn mạnh thêm.

Nhận định về thế hệ VĐV Wushu ở thời điểm hiện tại, Nguyễn Thúy Hiền cho rằng: "Các bạn có lợi thế hơn chúng tôi khi được rèn luyện từ nhỏ, đầu tư về dinh dưỡng, được va chạm và thi đấu nhiều hơn. Tuy vậy, ở phía ngược lại, họ cũng khó khăn hơn khi sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, độ khó cao hơn trước".

Ngoài Nguyễn Thúy Hiền, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên... cũng là những gương mặt tiêu biểu đi vào lịch sử của thể thao Việt Nam mà chúng ta luôn nhớ tới với sự trận trọng, tự hào. Vào mỗi dịp tháng 3 hàng năm, cả nước hướng tới kỷ niệm ngày truyền thống ngành TDTT Việt Nam 27/3 như một sự tri ân tới những người đã có nhiều công đóng góp vào bảng Vàng thành tích của thể thao nước nhà.

N.H

Ảnh trong bài
  • Huyền thoại Wushu Nguyễn Thúy Hiền: Thể thao là những ký ức đẹp nhất cuộc đời