Đại hội cũng đặt ra yêu cầu“Từng bước xây dựng nền TDTT xã hội chủ nghĩa phát triển cân đối, có tính chất dân tộc, nhân dân và khoa học”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, ngành TDTT đã tích cực, chủ động, sáng tạo trong các hoạt động quản lý, tổ chức các hoạt động TDTT.
Lấy thể thao trường học làm nòng cốt
Công tác chăm sóc sức khỏe và phát triển thể chất, bồi dưỡng kỹ năng vận động dưới các dạng hoạt động, trò chơi vận động, TD cơ bản, đội hình đội ngũ đã được quan tâm từ thời kỳ xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở các tỉnh miền Bắc. Công tác này tiếp tục được phát triển trong cả nước khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, hệ thống các trường mẫu giáo dần dần hình thành.
Đối với các trường phổ thông từ tiểu học đến hết bậc phổ thông trung học, công tác giáo dục thể chất được coi là một mặt trong nhiệm vụ giáo dục toàn diện cho thế hệ trẻ. Ngành Giáo dục Đào tạo và Thể dục thể thao đã thực hiện cuộc phát động xây dựng các trường học "tiên tiến về Thể dục - vệ sinh". Trong tổng kết công tác TDTT trường học của Tổng cục TDTT giai đoạn 1975-1985 đã đánh giá "cùng với chương trình thể dục nội khóa và nếp thể dục - vệ sinh được duy trì ở nhiều nơi, phong trào 4 môn điền kinh phối hợp được mở rộng, đến nay đã có gần 50% số trường có phong trào rèn luyện môn này".
Khẩu hiệu "Khỏe để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" được phát động rộng rãi trong học sinh cả nước. Các hoạt động TDTT trong hệ thống giáo dục được triển khai sâu rộng và đã chuyển mạnh theo hướng xây dựng nòng cốt cho phong trào TDTT trong nhà trường bằng cách phát triển các môn thể thao được đông đảo học sinh yêu thích và có điều kiện về sân bãi, giáo viên. Bên cạnh đó, phong trào 4 môn điền kinh cấp II và 5 môn điều kinh phối hợp cấp II, Cờ vua, Bóng bàn được mở rộng ở nhiều trường trong các thành phố, còn ở nông thôn là các môn Điền kinh, Bơi lội và Bóng chuyền.
Công tác giáo dục thể chất và hoạt động thể thao của sinh viên, học sinh các trường Đại học, trung học và chuyên nghiệp gồm 2 nội dung: giáo dục thể chất nội khóa theo chương trình quy định và hoạt động thể thao của sinh viên. Trong đó, nhiều môn thể thao nội khóa như Điền kinh, Thể dục cùng với tiêu chuẩn rèn luyện thân thể là chương trình bắt buộc, dần trở thành nền nếp trong các trường Đại học...
Cùng với nhiệm vụ phát triển TDTT trong trường học, các phong trào “Toàn chi đoàn biết bơi”, “Toàn đơn vị tập chạy” do Đoàn Thanh niên và Tổng cục TDTT phối hợp tổ chức được duy trì từ sau năm 1975. Bên cạnh đó, từ năm 1978, Tổng cục TDTT, Trung ương đoàn TNCSHCM phối hợp tổ chức bầu chọn VĐV tiêu biểu hàng năm và trao giải “Phong cách TDTT xã hội chủ nghĩa” cho các giải bóng đá. Đến năm 1979, ngành TDTT và Đoàn TNCSHCM đều duy trì việc tổ chức “Hội khỏe truyền thống hàng năm trong học sinh các trường phổ thông” hàng năm và đỉnh cao hoạt động TDTT dành cho thanh, thiếu niên, nhi đồng đó là “Hội khỏe Phù Đổng” được tổ chức theo chu kỳ 4 năm một lần.
Các hoạt động thể dục thể thao luôn được đổi mới về nội dung, đa dạng về hình thức để nhằm lôi cuốn thanh, thiếu niên, nhi đồng tham gia. Đây là một nhiệm vụ quan trọng luôn được ngành TDTT quan tâm nhằm xây dựng thế hệ trẻ Việt Nam phát triển toàn diện, đồng thời là nơi bồi dưỡng, phát hiện tài năng thể thao và phát triển giống nòi trong tương lai. Bởi vậy, ngoài các hoạt động trên, mô hình trường, lớp thể thao nghiệp dư được phát triển mạnh với phong trào “Mùa hè thể thao”.
Theo thống kê, chỉ sau 5 năm kể từ ngày thống nhất đất nước (1980), trên cả nước có hơn 20 địa phương tổ chức “Mùa hè thể thao”, đến năm 1983 có trên 30 địa phương và đến năm 1990 có trên 40 địa phương. Cho đến nay, mô hình này đã phổ cập sâu rộng đến cấp quận, huyện và ở các cụm dân cư.
Phát triển phong trào TDTT nông thôn
Với nhận thức phát triển TDTT trong nông dân, nông thôn là một nhiệm vụ trọng tâm, vì nông dân chiếm gần 85% dân số. Ngành TDTT đã đề ra nhiệm vụ vừa phải tiếp tục chỉ đạo xây dựng các đơn vị xã có phong trào TDTT mạnh đăng ký tiên tiến TDTT, vừa phát động phong trào rèn luyện thân thể để từng bước xóa các “điểm trắng” về TDTT ở nông thôn miền Nam và miền núi.
Trong 5 năm (1975-1980), phong trào TDTT của nông dân hai miền Nam, Bắc phát triển không đồng đều. Các tỉnh phía Bắc đã phát triển phong trào trong nhiều năm, nhất là 5 môn: chạy, nhảy, bơi, bắn, võ để phục vụ nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu; môn Bóng chuyền hầu như phát triển khá sâu rộng ở các thôn, làng. Ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng, phong trào TDTT duy trì liên tục nhiều nơi như: Thái Bình, Hà Nam Ninh và đã xây dựng điểnhình tiên tiến TDTT đạt 30-40% số xã, có nơi đạt 50-60% số xã trong tỉnh. Còn các tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long, từng bước phổ cập môn Bóng đá cùng với các bài thể dục, phát triển TDTT trong trường học làm nòng cốt cho phong trào nông thôn.
Đến năm 1982, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ V và phát huy kết quả bước đầu về phát triển TDTT ở một số cơ sở trên địa bàn nông thôn, Tổng cục TDTT và các Sở TDTT đã tăng cường chỉ đạo xây dựng các hoạt động trong nhà trường làm cốt cho địa phương. Hội khỏe Phù Đổng trong học sinh phổ thông các cấp (1982) hướng tới Hội khỏe toàn quốc lần thứ I vào năm 1983 bước đầu đã tạo ra khí thế mới về rèn luyện thân thể trong nông thôn.
Đại hội TDTT các cấp năm 1984-1985 hướng tới Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ I vào năm 1985 là sự kiện đánh dấu bước tiến rõ rệt của phong trào TDTT nông thôn trong nền kinh tế nông nghiệp. Nhiều đội bóng đá, bóng chuyền được khuyến khích phát triển hưởng ướng Đại hội TDTT các cấp và toàn quốc. Đây là giai đoạn TDTT nông thôn được khôi phục và phát triển nhanh.
Theo tổng kết của Tổng cục TDTT, trong 10 năm (1975-1985), đã có hơn 10.000 cơ sở, 400 quận huyện, thị xã của 40 tỉnh, thành phố mở Đại hội TDTT cấp xã, mặc dù nội dung thi đấu có nơi chỉ có 1-2 môn. Nhân tố quyết định đến sự phát triển TDTT nông thôn là do Thể dục thể thao đã trở thành một mặt công tác được các cấp ủy Đảng coi trọng, quan tâm lãnh đạo như một trong những mặt công tác ở địa phương.
Ngoài tập trung phát triển TDTT trong thanh thiếu niên, nông thôn, trong những năm đầu thập niên 80, phong trào TDTT còn được phát triển ở nhiều đối tượng như phụ nữ, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, lực lượng vũ trang nhân dân (công an, Quân đội)…
Mặc dù còn nhiều khó khăn của thời kỳ kinh tế tập thể hợp tác xã, nhưng vượt qua những trở ngại về nhiều mặt của đời sống trong những năm đầu của thời kỳ quá độ, ngành TDTT đã có những chỉ đạo đúng đắn, phù hợp với điều kiện thực tế xã hội đất nước. Sự phát triển mạnh mẽ của phong trào TDTT nông thôn, trong đó lấy trường học làm nòng cốt, kết hợp với cuộc vận động toàn dân rèn luyện thân thể “xây dựng đơn vị điển hình tiên tiến về TDTT” là một sự tìm tòi, sáng tạo, thể hiện tinh thần kiên trì vận dụng đường lối thể dục thể thao của Đảng vào việc xây dựng nông thôn mới. Đây cũng chính là cột mốc quan trọng đánh dấu bước khởi đầu của nền TDTT Việt Nam trong những năm đầu xây dựng đất nước theo con đường Chủ nghĩa xã hội.
HP