Tại Ganefo 1966 được tổ chức tại Campuchia, Thể thao Việt Nam đã gây tiếng vang lớn khi giành tới 4 HCV. Riêng bộ môn Bơi lội Việt Nam có 5 VĐV tham dự thì cả 5 đều giành huy chương, gồm: 1 HCV, 3 HCB, 3 HCĐ. Trong đó, kình ngư Vũ Thị Sen đã mang vinh quang về cho Bơi lội Thể thao nước nhà khi xuất sắc giành HCV cự ly 200m ếch phá kỷ lục Châu Á. Ngoài ra, nữ kình ngư này còn giành thêm tấm HCB cự ly 100m ếch.
Lúc bấy giờ thành tích của Vũ Thị Sen đã khiến giới chuyên môn quốc tế hết sức ngỡ ngàng và ngạc nhiên, bởi khi đó mọi người chỉ biết đến Việt Nam là đất nước đang phải đối mặt với liên tiếp các cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ. Và hẳn họ cũng sẽ đặt ra những câu hỏi, trong hoàn cảnh và điều kiện đất nước như thế, sao có thể có VĐV giành thành tích xuất sắc đến như vậy. Có lẽ, ít ai biết rằng trước Ganefo 1966, nhà vô địch Vũ Thị Sen không nằm trong danh sách tham dự giải do lực lượng VĐV bị hạn chế, thành tích VĐV phải tốt và được xác định có huy chương mới được đưa đi thi. Nhưng với tố chất bẩm sinh tuyệt vời và sự tập luyện bền bỉ đã giúp cựu VĐV Vũ Thị Sen được tham dự kỳ Đại hội này. Hơn hết, ở Ganefo 1966 thành công ấy có ý nghĩa lớn đối với Việt Nam đang trong thời kỳ chiến tranh chống đế quốc Mỹ giải phóng dân tộc, đây cũng chính là đánh mỹ trên đấu trường Thể thao.
Hồi ức về thành tích vẻ vang này, cựu VĐV Vũ Thị Sen chia sẻ: "là VĐV, đại diện cho đất nước tham dự Đại hội Thể thao lớn nhất châu lục trong thời điểm đất nước đang phải đối mặt với chiến tranh, lúc đó tôi nghĩ chỉ có Thể thao mới kéo được cờ Việt Nam tung bay trên trường quốc tế và bạn bè quốc tế chào quốc ca, quốc kỳ của đất nước mình. Vì vậy, không chỉ riêng tôi mà tất cả các VĐV trong đoàn lúc bấy giờ đều phải phấn đấu vừa hồng, vừa chuyên (chuyên môn tốt nhưng đạo đức cũng phải tốt) thế nên phải cố gắng tập luyện, thi đấu với khả năng tốt nhất có thể để góp công sức vào công cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, chứ không phải chỉ có những người ra mặt trận chiến đấu mới là nhiệm vụ của kháng chiến chống Mỹ. Lúc đó tôi nghĩ, mỗi người trên một mặt trận, cá nhân tôi làm công tác thể thao, từng là VĐV và may mắn được sinh ra và lớn lên trong thời đại Hồ Chí Minh, tôi đã góp 1 phần nào vào chiến thắng để kéo lá cờ Việt Nam trên trường quốc tế, đó là vinh dự lớn nhất đối với những người làm VĐV".
Cựu VĐV Vũ Thị Sen vẫn còn nhớ nguyên hình ảnh ngày hôm đó, khi bà được vinh danh, bà kể: "Khi chạm vào đích nhìn lên bảng điện tử và khán đài các bạn trong đoàn hò reo, khiến tôi rất phấn khởi, hạnh phúc. Lúc đó, BTC ở Ganefo - Campuchia nghĩ chắc là VĐV Trung Quốc hay nước khác chứ không nghĩ đó là VĐV Việt Nam, bởi lúc đó Việt Nam mình đang chịu ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh chống đế quốc Mỹ thì khó có thành tích tốt được. Chính vì vậy, họ chỉ có quốc kỳ chứ không chuẩn bị quốc ca Việt Nam."
Có thể nói, trong làng Bơi lội Việt Nam những năm thập niên 60, 70 số VĐV nữ chỉ đếm trên đầu ngón tay, thế nhưng trong số ít những VĐV Bơi lội đó lại xuất hiện 2 chị em Bơi lội xuất sắc là 2 chị em ruột. Đó là kình ngư Vũ Thị Sen và Vũ Thị Men, nhưng thành tích của VĐV Vũ Thị Sen tại Ganefo 1966 đã đưa tên tuổi của bà tỏa sáng, cho dù thời điểm đó các nữ VĐV Việt Nam gần như không có cửa để cạnh tranh thành tích với VĐV đỉnh cao của các nước trong châu lục như Trung Quốc hay Triều Tiên.
Vũ Thị Sen - VĐV tiêu biểu của Thể thao Việt Nam vinh dự được gặp Bác hồ 2 lần (Ảnh: Tư liệu)
Việc hội nhập quốc tế thông qua các Đại hội Thể thao lớn như Ganefo là một trong những điều kiện để mang hình ảnh của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế và giống như nhiều giải đấu quốc tế quan trọng khác, Ganefo 1966 là sự ghi nhận thành công của Thể thao Việt Nam đã để lại dấu ấn mạnh mẽ làm dậy sóng đường đua xanh ở cự ly 200m bơi ếch, kình ngư họ Vũ góp phần làm rạng danh cho Bơi lội Việt Nam khi thiết lập kỷ lục châu Á mới.
Cựu VĐV Vũ Thị Sen bộc bạch: "Khi đi tham dự Ganefo, một nửa va ly hành lý của chúng tôi là thuốc men mang cho chiến trường miền Nam vì ở thời điểm đó chỉ có cách đi này là thuận tiện nhất, lúc đó cả nước hướng về Miền Nam ruột thịt. Tôi vẫn còn nhớ mẹ tôi đã từng nói, cái phúc lớn của bố mẹ là các con biết Bơi, biết Bơi một phần để cứu mình khi gặp đuối nước, cứu được mình thì sẽ cứu được người khác (người không biết bơi)".
Là áp út, trong một gia đình có 6 anh chị em, bà Sen đến với Bơi không hề tình cờ. Ban đầu với Vũ Thị Sen học Bơi chỉ là đối phó với cảnh sống sông nước quê hương, nhưng bà được gia đình quan tâm nhiều hơn và cho đi học cách Bơi bài bản. Kình ngư lừng danh một thời Vũ Thị Sen là VĐV được phát hiện thành tài từ phong trào cơ sở ở địa phương, nơi cung cấp chủ lực VĐV Bơi lội của Việt Nam tại thời kỳ chống Mỹ cứu nước đó là xã Nghĩa Phú - Huyện Nghĩa Hưng tỉnh Nam Đinh. Nơi đây có tới 2000 người biết bơi và Hội thao Bơi ở đây thường thu hút 700 người tham dự.
Ham mê Bơi lội từ bé nhưng phải đến khi được sự dẫn dắt của 2 HLV Tô Kim Đắc và Nguyễn Văn Lạng cái tên Vũ Thị Sen mới làm dậy sóng đường đua xanh trong nước. Năm 1961 bà giành giải Nhất bảng B giải Bơi lội cấp huyện, Giải nhất bảng B cấp tỉnh. Liên tiếp những năm sau đó, 1962, 1963, 1964 bà liên tục giành giải Nhất ở bảng B Bơi toàn miền Bắc và năm 1965 giành giải vô địch toàn miền Bắc ở bảng A.
Ngay từ những ngày đầu làm quen với môn Bơi, bà Sen là người sớm bộc lộ tài năng nhưng điều đáng khâm phục hơn cả là ý trí tập luyện không biết mệt mỏi. Mặc dù ở thời chiến điều kiện tập luyện và ăn uống đối với VĐV là rất khó khăn nhưng so điều kiện sinh hoạt của bạn bè cùng trang lứa ở vùng nông thôn thì chế độ đối với VĐV như bà là đã thuộc vào diện ưu ái. Tuy nhiên, khó khăn đối với bà Sen so với các VĐV đỉnh cao ở những thành phố lớn đó là thiếu bể bơi tập luyện, lúc đó vì không có bể bơi nên bà chủ yếu tập luyện ở ao hồ (địa điểm tập luyện quen thuộc chính là hồ Đống Đa).
Vũ Thị Sen là VĐV tiêu biểu được vinh dự gặp Bác Hồ thậm chí không phải 1 mà tới 2 lần, một giấc mơ mà khi còn bé chưa bao giờ bà dám nghĩ tới. Bà luôn kể cho con cháu nghe về câu chuyện được gặp Bác Hồ 50 năm về trước, tấm ảnh được chụp chung với Bác được bà treo trang trọng ở vị trí trung tâm phòng khách của ngôi nhà mà cả gia đình bà đang sinh sống hiện nay.
Lần đầu tiên Vũ Thị Sen được gặp Bác là vào tháng 11 năm 1965 khi mới 17 tuổi, khi đó bà được tham gia đoàn VĐV Bơi lội và Bóng bàn Trung Quốc nhân dịp đoàn sang thăm và du đấu tại Việt Nam. Lần đầu chỉ được đứng xa quan sát Bác nhưng lần thứ 2 chính chiến tích giành HCV, thiết lập kỷ lục Châu Á mới ở Ganefo năm 1966 đã giúp bà Sen có cơ hội báo cáo vể thành tích của mình với Bác. Cả 2 lần gặp Bác đều để lại trong bà những kỷ niệm sâu đậm, không thể phải mờ.
Nhớ lại kỷ niệm vui này bà Vũ Thị Sen chia sẻ: Ngày 19/12/1966 khi chúng tôi đang ở nơi sơ tán Hà Tây cũ (nay là Hà Nội) thì được 1 chiếc xe Com-măng-ca đến đón lên Hà Nội dự tổng kết thành tích của đoàn Thể thao Việt Nam tại Ganefo 1966. Lên xe chúng tôi được biết là sẽ được gặp gỡ các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Trên đường về Hà Nội, chúng tôi phải 2 lần xuống hầm trú ẩn vì máy bay Mỹ bắn phá. Mãi đến chiều xe chở đoàn mới về đến trụ sở Ủy ban TDTT (36 Trần Phú - Hà Nội) nay là Cục TDTT. Khoảng 16 giờ chiều, chúng tôi được đưa đến Phủ Chủ tịch. Đích thân Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã tiếp đoàn. Thật tình ban đầu chúng tôi cũng chỉ nghĩ được Thủ tướng Phạm Văn Đồng tiếp đã là vinh hạnh lắm rồi. Thế nhưng, khi chúng tôi đang nghe Thủ tướng nói chuyện thì bỗng có tiếng reo: “Ôi, Bác! Bác Hồ!”. Tất cả chúng tôi đều rất sững sờ, bất ngờ, xúc động và bật khóc. Thấy vậy, Bác bảo: “Gặp Bác sao không vui mà lại khóc?”. Nhìn qua một lượt, Bác hỏi: “Thế, cháu nào cũng có huy chương à?”. Quay sang tôi và xạ thủ Trần Oanh, Bác hỏi tiếp: “Còn hai cháu này được những 2 huy chương kia à?”. Đoạn, Bác hỏi Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Chú tiếp các cháu không kịp lấy nước mời các cháu sao? Không có bánh kẹo à?”. Rồi Bác nhỏ nhẹ: “Các cháu thông cảm, đất nước ta còn nghèo”.
Ký ức về buổi gặp gỡ trong mơ của VĐV Vũ Thị Sen như mới diễn ra ngày hôm qua và trong không khí xúc động đó bà Sen không quên từng lời căn dặn của Bác khi Bác cười vui vẻ dặn " đừng có kiêu nhé", "các cháu hãy cố gắng học tập, rèn luyện" và sau này khi có gia đình tôi đều cố gắng giáo dục con, cháu sống khiêm tốn, phấn đấu hoàn thành tốt các công việc của mình. Bà Sen nhấn mạnh.
N. H