Ngày đầu tiên của năm mới 2024, cựu tiền đạo lừng danh một thời Nguyễn Cao Cường khoác trên mình chiếc áo thể thao màu xanh đậm, quần kaki trắng đứng lặng yên bên khoảnh sân trước ngôi nhà số 81 phố Tân Nhuệ. Chung quanh ông, hàng chục màu áo lính cũng đang nghiêm ngắn xếp hàng, mắt hướng thẳng về phía bức tượng đồng khắc họa chân dung Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.
Hôm nay, đúng dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng (1/1/1914-1/1/2024), ông cùng các thành viên Trung tâm Thể dục thể thao quân đội (Cục Quân huấn, Bộ Tổng tham mưu) tới dâng hương và tặng kỷ vật đặc biệt gắn liền với "vị tướng quân" bình dị.
VỊ TƯỚNG QUAN TÂM ĐẶC BIỆT ĐỘI THỂ CÔNG
Trong cuốn sách "Những câu chuyện về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh" do cố Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh chủ biên với 10 chương, 99 câu chuyện, người đọc rất bất ngờ khi có hẳn một chương được đặt tên: "Ông tướng" văn nghệ, khắc họa hình ảnh một vị tướng với phong thái giản dị, luôn gần gũi với mọi người.
Lứa cầu thủ Thể Công thời kỳ đầu. (Ảnh tư liệu)
Đặc biệt, bài viết Đội bóng Thể Công lừng lẫy một thời đã hé lộ câu chuyện thú vị về vai trò của Đại tướng đối với nền thể thao quân đội.
"Các thành viên, cầu thủ đội bóng đá Thể Công thời kỳ đầu thành lập luôn nói: Đội Thể Công là do Thủ trưởng Nguyễn Chí Thanh thành lập, phát triển vượt bậc trong một thời gian ngắn có công lao phần lớn của anh Thanh".
Cụ thể, theo tư liệu, đầu năm 1954, trong thời gian trị bệnh tại Trung Quốc, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã trao đổi với một số cán bộ phụ trách công tác quân huấn về ý tưởng lập Đoàn công tác thể dục, thể thao phục vụ bộ đội mà ông đã nung nấu từ lâu, song trong kháng chiến chưa có điều kiện thực hiện.
Tháng 9/1954, trên đường về Hà Nội, theo quy định của Chính phủ, Bộ Quốc phòng tạm đóng quân ở Sơn Tây một thời gian ngắn trước khi vào Hà Nội tiếp quản theo kế hoạch đã định. Tại đây, ngày 23/9/1954, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Chí Thanh đã ký quyết định thành lập Đoàn công tác thể dục, thể thao quân đội. Đây là đơn vị thể dục, thể thao đầu tiên của Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam mà hạt nhân lúc đó là các đội bóng đá, bóng chuyền và bóng rổ. Quyết định này có ý nghĩa đặt nền móng cho hoạt động thể thao của quân đội ta.
Đội bóng đá Thể Công là lực lượng chính của Đoàn công tác thể dục, thể thao quân đội. Ban đầu, đội chỉ có 11 cầu thủ bóng đá, phần lớn là học viên có năng khiếu bóng đá của Trường sĩ quan Lục quân và những cầu thủ cũ theo kháng chiến, đi cùng đoàn quân chiến thắng vào tiếp quản thủ đô.
Đội có nhiệm vụ làm đại diện cho quân đội trên một số môn thể thao được nhiều người ưa thích, để thi đấu với các ngành, các địa phương; cùng các đội văn công tiếp quản Thủ đô Hà Nội và các đô thị lớn, tổ chức các hoạt động thể thao văn hóa, góp phần ổn định đời sống tinh thần lành mạnh ở các vùng giải phóng. Đội cũng là nòng cốt để xây dựng phong trào và đào tạo cán bộ thể dục thể thao cho Quân đội.
Ngay từ những ngày đầu ở Hà Nội, Đại tướng ưu tiên dành cho đội đóng quân ở sân Cột Cờ (sân Manzin của lính Pháp trước đây), tổ chức luyện tập và tham gia các hoạt động thể dục thể thao. Trận đầu Thể Công thi đấu với Đội Trần Hưng Đạo tại sân vận động Hàng Đẫy vào ngày 25/10/1954 và giành chiến thắng 1-0.
Trong bối cảnh còn khó khăn, với tư cách Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Đại tướng khi đó luôn quan tâm chỉ đạo các cơ quan chức năng cấp chế độ dinh dưỡng, điều kiện luyện tập cho đội bóng; đồng thời thu xếp thời gian đến thăm các cầu thủ luyện tập và cổ vũ khi họ thi đấu.
Tình cảm và sự quan tâm đó đã trở thành động lực để các cầu thủ Thể Công vượt lên, chiếm giữ đỉnh cao làng bóng đá Việt nhiều năm và là nhịp cầu hữu nghị trong các giải đấu trong và ngoài nước.
KỶ VẬT ĐẶC BIỆT DỊP 110 NĂM NGÀY SINH ĐẠI TƯỚNG
Sáng đầu tiên của năm 2024, các cán bộ của Trung tâm Thể dục thể thao quân đội trở dậy sớm hơn thường lệ. Mặc lên mình bộ quân phục nghiêm trang, tất cả di chuyển hướng về Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ven bờ sông Nhuệ. Lúc này, từ một điểm khác, cựu danh thủ Nguyễn Cao Cường cũng quần áo chỉnh tề để tới điểm đã hẹn.
Đúng 8 giờ sáng, sau màn chào cờ thiêng liêng, cả đoàn bắt đầu tiến hành bàn giao hiện vật đặc biệt cho bảo tàng Đại tướng. Hai hiện vật được mang theo bao gồm: Bức phù điêu chân dung kèm theo lời căn dặn của Đại tướng và chiếc cúp dành cho đội Thể Công - đội nhất bóng đá A1 toàn quốc năm 1981.
Nhìn bức phù điêu có ghi dòng chữ: "Thể thao là một mặt trận, mặt trận của thời bình để xây dựng Quân đội hùng mạnh", Thượng tá Cao Tâm Tình - Phó Giám đốc Trung tâm Thể dục thể thao quân đội (Cục Quân huấn, Bộ Tổng tham mưu) - kể lại sinh thời dù bận nhiều công việc lớn, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh vẫn rất quan tâm, dành nhiều thời gian và tâm trí chỉ đạo đội từ tổ chức lực lượng đến phương hướng, phương châm hoạt động.
Trận đấu của Thể Công tại Trung Quốc. (Ảnh tư liệu)
Sau mỗi trận đấu thành công, Đại tướng biểu dương. Lúc có sai lầm, khuyết điểm, Đại tướng đều nhắc phải kiểm điểm, tìm cho ra nguyên nhân mà sửa. Một yêu cầu trước sau không thay đổi của Đại tướng đối với Thể Công là phải luôn xứng đáng là "người lính của Bác Hồ" trên lĩnh vực thể dục thể thao.
Thượng tá Tình chia sẻ: Đáp ứng lòng mong mỏi của Đại tướng, các thế hệ cán bộ, huấn luyện viên, vận động viên của Thể Công trước kia và Trung tâm Thể dục thể thao quân đội và Trung tâm Thể thao Viettel sau này luôn nỗ lực, cố gắng, khắc phục mọi khó khăn gian khổ trong tập luyện và thi đấu.
Không chỉ đạt nhiều thành tích thi đấu thể dục thể thao vẻ vang ở trong nước và quốc tế, thể thao quân đội còn trở thành một lĩnh vực công tác quan trọng của Quân đội nhân dân Việt Nam, góp phần lan tỏa tinh thần rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại trong toàn quân cũng như trong toàn dân ta.
"Thể thao quân đội đã được người hâm mộ ghi nhận là một 'binh chủng' đặc biệt của Quân đội nhân dân Việt Nam theo lời di huấn của Đại tướng", Thượng tá Tình nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Cao Cường không giấu nổi sự xúc động khi đứng trước quả bóng có chữ ký của các cựu danh thủ Thể Công được trưng bày tại tầng 1 của bảo tàng.
Cao lớn, kỹ năng đánh đầu khá và sút bóng bằng 2 chân rất giỏi, Nguyễn Cao Cường từng là một tiền đạo hàng đầu ở Thể Công. Đầu những năm 70 của thế kỷ trước, khả năng săn bàn của Cao Cường “khét tiếng” tại giải Hồng Hà (tức giải vô địch miền Bắc). Giải Vô địch quốc gia chính thức ra đời năm 1980, tới mùa giải 1982-1983, ông là vua phá lưới với kỷ lục 22 bàn thắng (23 trận). Kỷ lục này tồn tại 25 năm, tới năm 2008, Almeida của SHB Đà Nẵng mới vượt qua với 23 bàn, nhưng thi đấu tới 26 trận.
Sau 20 năm thi đấu đỉnh cao, năm 1990, Cao Cường treo giày và tham gia huấn luyện các lứa trẻ Thể Công. Các học trò ruột của ông đều thừa nhận đã học được rất nhiều điều ở người thầy của mình, đặc biệt nhất chính là niềm đam mê như vô tận và đạo đức sân cỏ.
Sau này, ông từng được bổ nhiệm làm quyền HLV trưởng, giám đốc kỹ thuật, phó giám đốc điều hành của CLB. Cho đến khi Thể Công bị xóa sổ (chuyển giao phiên hiệu lại cho Thanh Hóa trước mùa giải 2010), ông quyết định về hưu.
Theo cựu danh thủ, ý định dành tặng hiện vật cho bảo tàng đã được ấp ủ từ rất lâu, tuy nhiên phải đến hôm nay mới có thể thực hiện. Nhưng, rất may mắn, những kỷ vật đặc biệt lại được trao đúng dịp 110 năm ngày sinh của Đại tướng.
"Đây là tấm lòng, tình cảm của tất cả cán bộ, chiến sĩ, cầu thủ Thể Công dành cho Đại tướng", ông Cường nhấn mạnh.
Ngày 23/9/1954, đội được thành lập, biên chế và trực thuộc Tổng cục Chính trị; được bộ đội quen gọi là Thể Công, tiền thân của Trung tâm Thể dục Thể thao Quân đội và Trung tâm Thể thao Viettel hiện nay.
Ngày 25/9/2009, Bộ Quốc phòng chính thức ra quyết định xóa tên Thể Công, chấm dứt 55 năm tồn tại của đội bóng quân đội. Tiếp đó, ngày 21/11/2023, CLB Viettel quyết định đổi tên thành CLB Thể Công-Viettel. Sự trở lại của cái tên Thể Công đã mang lại cho những cựu danh thủ như Cao Cường và rất nhiều người hâm mộ niềm vui khó tả..
Thanh Sơn (Báo Nhân dân)