Năm 1989, khi tiến trình đổi mới mang tới những thay đổi tích cực, toàn diện trên nhiều mặt của đất nước. Chính sự thay da, đổi thịt trong đời sống kinh tế - xã hội là bước tạo đà quan trọng để Thể thao Việt Nam chính thức trở lại với đấu trường Thể thao quốc tế thông qua lần tham dự SEA Games lần thứ 15 năm 1989 tại Malaysia. Và ở đó, cái tên Ngô Ngân Hà đã đi vào lịch sử Thể thao nước nhà khi mang về những tấm HCV đầu tiên cho đoàn Thể thao Việt Nam.
Đất nước đổi thay, nhưng trước những đòi hỏi cấp bách của đời sống nhân dân, dễ hiểu là sự đầu tư cho thể thao khi ấy vẫn còn những hạn chế. Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự kỳ SEA Games 1989 chỉ vỏn vẹn 42 tuyển thủ của 8 môn là: Điền kinh, Bơi lội, Bắn súng, Bóng bàn, Quyền anh, Thể dục dụng cụ, Quần vợt và Bóng chuyền nữ.
Dù cử đi những gương mặt giỏi nhất, những môn mạnh nhất của Thể thao Việt Nam ở thời điểm bấy giờ, nhưng có lẽ mục tiêu lúc đó của đoàn Thể thao Việt Nam chủ yếu là học hỏi, giao lưu và thăm dò thông tin về các nước trong khu vực, đồng thời cũng phấn đấu có huy chương. Hành trang đến với sân chơi khu vực chỉ vỏn vẹn là kinh nghiệm qua 1 kỳ Thế vận hội được mời bằng kinh phí của chủ nhà Liên Xô với duy nhất 1 trận thắng để đời của đô vật Phí Hữu Tình trước Victor Kede Manga (Cameroon) cùng tấm HCĐ của Nguyễn Quốc Cường và bảng kỷ lục quốc gia để so sánh với các đối thủ Đông Nam Á.
Trước khi tham dự SEA Games 15, Ngô Ngân Hà là chủ nhân của 2 kỷ lục quốc gia ở nội dung sở trường là: Súng trường tiêu chuẩn nữ nằm bắn và ba tư thế. Năm 1984, lần đầu chị có mặt trong danh sách VĐV tiêu biểu toàn quốc khi bắn chỉ kém kỷ lục thế giới có 7 điểm tại nội dung súng trường tiêu chuẩn nữ nằm bắn trong cuộc thi quốc tế tổ chức ở Moscow (Liên Xô).
Xạ thủ Ngô Ngân Hà (ảnh tư liệu)
Và với những thành tích đó, đương nhiên Ngô Ngân Hà chính là niềm hy vọng lớn của Thể thao Việt Nam khi trở lại đấu trường khu vực. Hy vọng đó cũng sớm thành hiện thực, tái lập kỷ lục quốc gia 583 điểm, nữ xạ thủ Hà Nội giành HCV cá nhân nội dung súng trường tiêu chuẩn nữ nằm bắn và cùng 2 người đồng đội Đặng Thị Đông, Nguyễn Bùi Thiết vượt qua các đối thủ mạnh của Malaysia, Thái Lan, Indonesia để giành cả chức vô địch đồng đội nội dung này. Có 1 chi tiết khá thú vị là đội Bắn súng Việt Nam khi ấy đến SEA Games 15 tại Malaysia vẫn sử dụng những khẩu súng cũ do Cộng hòa dân chủ Đức sản xuất và BTC SEA Games phải yêu cầu có những sửa đổi mới được thi đấu.
Chính vì vậy, việc giành thành tích tới 19 huy chương, trong đó có 3 HCV, 11 HCB, 5 HCĐ, xếp thứ 7/9 đoàn tham dự ở SEA Games 15 năm 1989 được xem là bất ngờ rất lớn đối với Thể thao Việt Nam. Và trong bất ngờ này, xạ thủ Ngô Ngân Hà được ví như ngôi sao sáng nhất khi đóng góp tới 2/3 HCV, trong đó có tấm HCV cá nhân duy nhất cho đoàn TTVN. Trong sự nghiệp VĐV, Ngô Ngân Hà giành được 6 HCV tại các kỳ SEA Games từ 1989 đến 1997 trong đó có 2 HCV cá nhân. Ngoài ra chị còn đoạt được cả chục HCV tại các Giải vô địch Bắn súng Đông Nam Á trong đó nổi bật là thành tích đoạt 5 HCV, 1HCB vào năm 1996.
Tiếp tục là trụ cột của đội tuyển súng trường nữ, sự nghiệp thi đấu quốc tế của Ngô Ngân Hà còn kéo dài đến tận SEA Games 19 tại Indonesia vào năm 1997 (5 kỳ SEA Games liên tiếp). Và với tổng cộng 6 HCV, chị là VĐV giàu thành tích nhất của Bắn súng Việt Nam.
Hồi tưởng về những năm tháng còn là VĐV với bao chuân chuyên, vất vả nhưng cũng rất đỗi vinh quang, xạ thủ Ngô Ngân Hà vẫn không khỏi ngạc nhiên khi tự hỏi làm sao mình có thể vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Cuộc đời VĐV gắn chặt với từ "xa nhà". Kể từ khi Thể thao Việt Nam trở lại đấu trường quốc tế, Bắn súng Việt Nam tham dự ngày càng nhiều các giải đấu khu vực, châu lục, thậm chí cả thế giới, thì những ngày tháng sống cùng gia đình của người VĐV càng ít. Quanh năm, đội dự tuyển quốc gia phải tập huấn tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia 1 hoặc khu thể thao Quần Ngựa. Đặc biệt là đối với VĐV là nữ, họ còn có gia đình (chồng, con) để yên tâm tập luyện theo giáo án của ban huấn luyện thì khó khăn sẽ tăng thêm gấp bội. Nhưng nghề đã chọn Ngân Hà và cô không còn cách nào khác là nỗ lực từng ngày tập luyện để tỏa sáng.
Khi nói về sự nghiệp VĐV của mình, xạ thủ Ngô Ngân Hà bộc bạch: Thầy Phạm Gia Hữu và Nghiêm Văn Sẩn là những người ảnh hưởng nhiều nhất tới sự nghiệp của tôi. Họ là những người thầy thực sự và đáng được tôn trọng. Ngày ấy, phần vì mới sinh cháu đầu tiên, cũng như kinh tế gia đình còn gặp nhiều khó khăn nhìn vóc dáng bé và gầy nên khi tôi trở lại tập luyện, các thầy thấy ái ngại. Đến nỗi khi HLV Phạm Gia Hữu đến vận động tôi đi tập lại thấy vậy đành bỏ ý định. Lúc đi tập lại, HLV Nghiêm Văn Sẩn nhìn vóc dáng gầy, nhỏ bé của tôi cũng chỉ bảo: Em tập đến đâu thì tập, không nhất thiết phải theo giáo án. Nhưng rất may, ở thời điểm khó khăn nhất, tôi đã nhận được sự hậu thuẫn từ gia đình, đặc biệt là mẹ chồng và chồng tôi đã nhận trông con để tôi yên tâm tập luyện. Mọi người trong gia đình đã hết lòng với mình mà mình không cố gắng tập luyện thì quả là không phải. Đó là những chia sẻ với báo chí của cựu xạ thủ Ngô Ngân Hà.
Được biết, sự nghiệp Thể thao của nữ xạ thủ Hà Nội Ngô Ngân Hà bắt đầu từ những giờ học Thể dục của trường phổ thông cấp 1-2 Hoàng Diệu (quận Ba Đình), chị đã được thầy dạy Thể dục chọn vào môn Nhảy cao. Nhưng khi các HLV Bắn súng Hà Nội về trường tuyển sinh, thấy nhiều bạn giơ tay xin học chị cũng làm theo. Đã có lúc chị theo tập cả Điền kinh lẫn Bắn súng, sau đó chị thấy phù hợp với bộ môn Bắn súng hơn. Đến khi theo tập Bắn súng, chị được xếp vào môn súng ngắn nhưng chỉ vì sợ tiếng nổ to của loại súng này nên xin chuyển sang súng trường, có tiếng nổ êm tai hơn. Các thầy cũng đồng ý và từ đó chị gắn mình với cây súng trường.
Năm 1977 ngay trong lần thi đấu đầu tiên tại Giải vô địch toàn quốc khi mới 16 tuổi, Ngô Ngân Hà đã gây sự chú ý của nhiều người với việc suýt đạt thành tích cấp kiện tướng. Từng ấy thành tích cũng đủ để chị được gọi vào đội tuyển quốc gia. Đó cũng là bước khởi đầu cho mối duyên với đội tuyển quốc gia kéo dài cho đến năm 1997.
Sau này khi chia tay sự nghiệp VĐV, để trở về chăm lo cho mái ấm của mình, Ngô Ngân Hà bắt đầu chuyển sang làm công tác huấn luyện. Tuy nhiên đứng ở vai trò nào theo chị cũng có những khó khăn nhất định. Ngày trước chúng tôi không bị nhiều cám dỗ như hiện nay, VĐV chỉ lo luyện tập. Nhưng hiện nay môi trường ngoại cảnh tác động nhiều đến VĐV, ý thức tập luyện của các em cũng bị ảnh hưởng dù điều kiện cơ sở vật chất đã tốt hơn trước rất nhiều. Nhiều khi để VĐV chuyên tâm vào khẩu súng viên đạn cũng không đơn giản - Ngô Ngân Hà cho biết
N. H