Từ quan điểm môi trường, một số sự kiện lớn (ví dụ như Thế vận hội mùa đông Turin và World Cup năm 2006; Thế vận hội mùa hè ở Bắc Kinh năm 2008, ở London năm 2012 và ở Rio năm 2016) đã được lên kế hoạch với mục đích giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường. Đứng trước vấn đề về xử lý và quản lý CTRSH trong các hoạt động thể thao, Ủy ban Olympic Quốc tế đã thông qua Chương trình nghị sự 21 như một biện pháp đối phó với tác động môi trường do các sự kiện thể thao gây ra, tuy nhiên chương trình này vẫn thiếu khuôn khổ pháp lý quản lý CTRSH.
Việc tổ chức sự kiện thể thao quần chúng bao gồm nhiều công đoạn, mỗi công đoạn đều phát sinh CTRSH. Việc bảo vệ môi trường nói chung tại các sự kiện thể thao, đã trở thành một nhu cầu cấp thiết đối với các nhà quản lý và tổ chức sự kiện ngay từ giai đoạn lập kế hoạch, nhằm quản lý và cải thiện hậu quả của các tác động về môi trường. Những hệ quả này liên quan đến cả ba trụ cột của tính bền vững, đó là xã hội, kinh tế và môi trường. Liên quan đến các sự kiện thể thao, IOC gần đây đã bày tỏ quan ngại về tác động môi trường do các sự kiện thể thao gây ra, thông qua nội dung về quản lý chất thải rắn trong báo cáo “Sustainability Through Sport” (Phát triển thể thao bền vững) được sửa đổi gần đây.
Nghiên cứu được thực hiện trên tất cả các sự kiện thể thao lớn như Thế vận hội Olympic và các giải đấu World Cup, đã chỉ ra nhiều tác động đối với khu vực đăng cai, với cả tác động tích cực và tiêu cực đến du lịch, lữ hành, cơ sở hạ tầng, giáo dục và các lĩnh vực khác. Theo thống kê, tỷ lệ phát sinh và thành phần chất thải rắn sinh hoạt trong Đại hội thể thao châu Á lần thứ XVIII tại Jakabaring là 0,0329 kg/người/ngày với thành phần CTRSH chủ yếu là chất thải hữu cơ (= 59,19%). Mật độ đo được của CTRSH trong các công trình thể thao là 525,80 kg / m Trong khi thành phần của CTRSH (ở phần trọng lượng ướt) được chia thành chất thải hữu cơ và chất thải vô cơ (nhựa, giấy và cặn bã). Phần lớn chất thải phát sinh trong các sự kiện đại chúng chủ yếu liên quan đến chất thải rắn đô thị (MSW). Atchariyasopon K. đã trích dẫn số liệu sau: tại các trận đấu ở Premier League năm 2012, trung bình 1 khán giả để lại 0,097 kg chất thải rắn. Theo thống kê, trung bình một người tham gia sự kiện, bỏ tại sân vận động từ 0,02-0,03 đến 3 kg rác mỗi ngày.
Ở Nga, kinh nghiệm quản lý chất thải dựa trên phân loại trong các sự kiện thể thao lớn, trong các sân vận động thể thao, hai loại thùng chứa đã được lắp đặt: màu vàng cho các vật liệu có thể tái chế và màu xanh lá cây cho chất thải không thể tái chế (Cách thức tổ chức thu gom rác thải riêng biệt tại FIFA World Cup). Là một phần trong yêu cầu World Cup, tất cả rác thải được chia thành 9 loại chính: nhựa, thủy tinh, kính vỡ, kim loại, gỗ, giấy, pin (pin), dầu, phim. Tại các khu vực dịch vụ, hoạt động của Ban tổ chức, có hệ thống đa luồng để thu gom rác thải riêng biệt thông qua màu sắc của các thùng chứa chất thải. Đồng thời, để đơn giản hóa việc thu gom tại các địa điểm chính, chẳng hạn như khán đài, khu vực lối vào, khu vực ẩm thực và khách sạn, chỉ sử dụng 2 thùng chứa: màu vàng cho rác tái chế và màu xám cho rác không tái chế (rác thực phẩm, giấy gói màu, khăn ăn, đồ dùng vệ sinh cá nhân, v.v.). Tại mỗi SVĐ trong số 12 SVĐ tổ chức các trận đấu, ít nhất 500 bộ thùng chứa đã được lắp đặt, bao gồm cả các khu kỹ thuật (mỗi khu vực bao gồm hai thùng - một cho rác tái chế và một cho rác thải không thể tái chế). Khoảng 35 tình nguyện viên môi trường đã tham gia thu gom và phân loại rác thải trong khu vực quy định.
Thể thao xanh hướng tới giảm thiểu tác hại đến môi trường
CTRSH của Việt Nam có đặc trưng là độ ẩm cao (dao động trong khoảng 65 - 95%), độ tro khoảng 25 - 30% (khối lượng khô), tổng hàm lượng chất rắn bay hơi (TVS - Total Volatile Solid) dao động trong khoảng 70 - 75% (khối lượng khô), nhiệt lượng thấp (dao động trong khoảng 900 - 1.100 Kcal/kg khối lượng ướt) vì vậy việc xử lý CTRSH ở nước ta cũng có điểm khác biệt so với các nước khác trên thế giới đặc biệt là vùng Âu Mỹ. Đây là điều khó khăn khi nhập khẩu các thiết bị xử lý rác thải về Việt Nam.
Trước thực tế đó, trong những năm gần đây, có các nghiên cứu về CTRSH trong các sự kiện thể thao được quan tâm hơn, các tổ chức thể thao, nhà quản lý bắt đầu nhận thấy những vấn đề chiến lược liên quan đến hoạt động bảo vệ môi trường, cũng như thu hút sự tham gia của cộng đồng, để cải thiện đáng kể môi trường xung quanh các hoạt động thể thao.
Tại Việt Nam, các hoạt động, sự kiện về thể thao nói chung và các sự kiện thể thao quần chúng nói riêng ngày càng nhiều với đa dạng quy mô tổ chức. Theo báo cáo tổng kết công tác năm 2019 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2020 của Vụ TDTT Quần chúng, riêng số giải thể thao do cấp xã tổ chức trong năm lên tới trên 31.000 giải. Lượng CTRSH tại các sự kiện thể thao phát sinh phụ thuộc vào quy mô tổ chức. Một thách thức lớn đặt ra trong bảo vệ môi trường của ngành TDTT tại Việt Nam chính là chưa có nghiên cứu, điều tra số liệu thống kê cụ thể về lượng chất thải rắn phát sinh. Chất thải hầu hết không được phân loại, mà được thu gom chung và đưa đến khu xử lý. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường tại khu vực công cộng như sự kiện thể thao còn nhiều hạn chế. Vì vậy, nghiên cứu CTRSH trong các sự kiện thể thao trên thế giới và ở Việt Nam, đồng thời rà soát chính sách quản lý chất thải rắn trong nước và quốc tế liên quan, trong đó có CTRSH, là nhiệm vụ cấp thiết hiện nay để có được khung quản lý chất thải rắn bền vững trong các sự kiện thể thao, hỗ trợ hiệu quả đánh giá hiện trạng phát sinh chất thải rắn và phục vụ đề xuất chính sách quản lý phù hợp.
Vấn đề xử lý CTRSH ở Việt Nam, đã được quan tâm. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 tại điều 66, “Bảo vệ môi trường trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch” đã có quy định về việc bố trí nhân lực thu gom chất thải, làm vệ sinh môi trường trong phạm vi quản lý; có nhân sự, tổ hoặc đội bảo vệ môi trường để kiểm tra, giám sát; có phương tiện, thiết bị thu gom, quản lý, xử lý chất thải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; Ban hành, niêm yết công khai và tổ chức thực hiện quy định, quy chế về giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường nơi công cộng thuộc phạm vi quản lý; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm tổ chức thực hiện quy định về khuyến khích giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch.
Trong những năm qua, nhằm nâng cao hiệu quả công tác BVMT trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giao các cơ quan, đơn vị trực thuộc thực hiện và ban hành một số các văn bản liên quan đến BVMT trong hoạt động TDTT, như Quyết định số 4216/QĐ-BVHTTDL ngày 25/12/2020 Quy tắc ứng xử bảo vệ môi trường trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch và Bộ tiêu chí hướng dẫn bảo vệ môi trường trong hoạt động thể dục thể thao trong các khu dân cư, nơi công cộng [3] (Quyết định số 1794/QĐ-BVHTTDL ngày 27/1/2018 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) với 55 tiêu chí, gồm: 39 tiêu chí bắt buộc và 16 tiêu chí khuyến khích, trong đó quy định bảo vệ môi trường về 4 nhóm: (1) Đối với công trình thể thao trong nhà-nhà thể thao; (2) Đối với sân bãi, công trình thể thao ngoài trời; (3) Đối với nơi công cộng có thể tập luyện TDTT; (4) Nhóm tiêu chí chung.
Đặc điểm đối tượng, loại hình và quy mô tổ chức sự kiện TTQC tại một số vùng miền
TDTT quần chúng (TTQC) là hoạt động tập luyện, biểu diễn, thi đấu TDTT được tiến hành trong lúc nhàn rỗi; Đây là hoạt động có đối tượng tham gia đông đảo nhất, liên quan đến nhiều lĩnh vực nhất. Theo kết quả nghiên cứu nhiệm vụ môi trường cấp Bộ năm 2022 “Xây dựng phương án quản lý CTRSH trong các sự kiện thể thao quần chúng”, trong số các đối tượng tham gia sự kiện TTQC, các VĐV có số lượng đồng đều trên cả 4 nhóm tuổi, tuy nhiên với khán giả độ tuổi tập trung cao hơn từ 23 – dưới 60. Về giới tính tỉ lệ nam cao gần gấp đôi nữ ở cả hai đối tượng. Trình độ văn hóa chủ yếu là tốt nghiệp THPT và đại học với tỉ lệ THPT khoảng 57% và đại học khoảng 37%. Đối tượng tham gia sự kiện được phân bố tương đối đồng đều ở 3 nhóm học sinh sinh viên, người kinh doanh tự do và nhóm nội trợ về hưu với tỉ lệ tham gia dao động từ 10,4% đến 14,1%. Nhóm lao động phổ thông tham gia cao hơn khoảng 21,9%. Còn lại là nhóm những người thuộc các ngành nghề như văn phòng; vũ trang; khoa học và kỹ thuật, sức khỏe, giáo dục, kinh doanh và quản lý, công nghệ thông tin và truyền thông, luật pháp, văn hóa, xã hội, giáo viên chia đều tỉ lệ 35,5%...
Như vậy, khi xây dựng phương án quản lý CTRSH trong các sự kiện TTQC cần chú ý đặc điểm đa dạng của các đối tượng để có phương án sát với đối tượng. Ví dụ đối với các VĐV, các biện pháp quản lý CTRSH trong các sự kiện TTQC cần phải tác động toàn diện đến cả 4 nhóm tuổi, và mọi lĩnh vực ngành nghề tuy nhiên với khán giả tham gia sự kiện cần chú ý nhiều hơn đến nhóm tuổi từ 23 – 60. Đặc biệt muốn tác động để điểu chỉnh hành vi của đối tượng tham gia sự kiện TTQC hoặc giáo dục ý thức phân loại rác thải cần chú ý hơn trong giáo dục môi trường tại các trường phổ thông, cao đẳng, đại học và những người có thu nhập trung bình.
Quy mô, thành phần CTRSH tại các sự kiện TTQC
Về đặc điểm quy mô tổ chức sự kiện TTQC các cấp cho thấy số lượng khổng lồ VĐV và khán giả đến với các sự kiện này với khoảng mỗi năm mỗi địa phương có thể tổ chức lên đến hàng chục lượt ngàn VĐV thi đấu và hàng trăm ngàn lượt khán giả đến cổ vũ và thưởng thức các sự kiện. Khối lượng CTRSH thu được tại sự kiện TTQC trong nhà trung bình mỗi ngày khoảng 13,42 kg, ngoài trời khoảng 31,91 kg. Như vậy, mỗi năm, trung bình 1 địa phương có thể thu được khoảng 30 tấn CTRSH từ các sự kiện TTQC được tổ chức. Tổng lượng CTRSH trong sự kiện TTQC kéo dài 3 – 5 ngày ở trong nhà và ngoài trời khoảng 95kg - 121 kg thấp hơn nhiều với các sự kiện thể thao chuyên nghiệp quốc tế lớn ở Việt Nam và nằm ở khoảng tổng khối lượng dưới 300 kg/ngày. Căn cứ quy định tại Điều 58 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt của cơ quan, tổ chức có tổng khối lượng phát thải CTRSH dưới 300 kg/ngày được lựa chọn hình thức quản lý chất thải rắn sinh hoạt như hộ gia đình, cá nhân.
Trong lượng CTRSH phát sinh có khoảng 60% là chất thải rắn hữu cơ, khoảng 30% là chất thải rắn vô cơ có thể tái chế và khoảng 10% - 15% là chất thải rắn vô cơ không thể tái chế. Như vậy, ban tổ chức sự kiện có thể thiết kế thùng rác có kích cỡ to nhỏ khác nhau phù hợp với lượng chất thải hữu cơ, chất thải vô cơ có thể tái chế và vô cơ không thể tái chế với tỉ lệ 6 - 3 – 1 vừa tiết kiệm diện tích thùng rác, vừa dễ phân biệt loại rác thải
Trong đó hệ số phát sinh CTRSH trung bình tại sự kiện TTQC ngoài trời là 0,044 kg/người/ngày và sự kiện trong nhà chỉ khoảng 0,032 kg/người/ngày, thấp hơn nước láng giềng Thái Lan nhưng cao hơn không đáng kể so với một số sự kiện thể thao ở khu vực và thế giới. Nếu so với phát thải CTRSH của hộ gia đình thì lượng phát thải trong các sự kiện TTQC thấp hơn khoảng 10 lần ở nông thôn và thấp hơn khoảng 20 lần ở thành thị.
Về thành phần chất thải hữu cơ tại các sự kiện chủ yếu là thức ăn thừa, thực phẩm thải bỏ, vỏ và hạt trái cây, trái cây dư thừa, xác động vật,... Thành phần chất thải vô cơ có thể tái chế chủ yếu là giấy, báo, bìa, các loại vỏ lon nhôm, chai lọ thủy tinh, các loại nhựa,... Thành phần chất thải vô cơ không thể tái chế chủ yếu là cán cờ, banner, băng rôn, khẩu hiệu, biểu ngữ, cốc nhựa dùng một lần, ống hút, vỏ bánh kẹo, bao dứa, que xiên,... trong đó, có một số lượng nhỏ là chất thải nguy hại như đầu mẩu thuốc lá, đầu mẩu của pháo phụt, sơn và chổi sơn. Như vậy khi xây dựng phương án quản lý CTRSH cần chú ý đến sự khác biệt giữa các sự kiện trong nhà và ngoài trời về lượng phát sinh để bố trí lượng thùng rác cho phù hợp cũng như có phương án thực tế trong việc thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH trong các sự kiện TTQC khác nhau
Yếu tố ảnh hưởng đến công tác quản lý CTRSH tại các sự kiện TTQC từ góc độ của đối tượng tổ chức sự kiện TTQC
Thực tế quản lý CTRSH tại các địa phương cho thấy công tác quản lý CTRSH đã được coi trọng nhưng chưa hoàn toàn triệt để. 100% các địa phương đều chưa thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn cũng như chưa quy định người tham gia sự kiện phân loại rác thải và để đúng vào thùng. BTC đã quan tâm đến công tác vệ sinh môi trường giải đấu nhưng chưa có kế hoạch quản lý CTRSH phát sinh trong sự kiện. 100% các địa phương không có thùng chứa CTRSH riêng của sự kiện mà sử dụng thùng rác do công ty môi trường đã bố trí, những thùng rác này chỉ có 1 màu chứ không phân nhiều màu nhiều ngăn chứa các loại chất thải khác nhau. Khoảng cách đặt các thùng chứa rác trên cơ bản đảm bảo khoảng cách từ 50 – 100m phù hợp với quy định tiêu chí bắt buộc tại mục A2.3, A2.4 và B2.3, B2.4 của Bộ tiêu chí hướng dẫn bảo vệ môi trường trong hoạt động thể dục thể thao tại các khu dân cư, nơi công cộng. CTRSH sau các sự kiện thu gom đổ vào thùng chứa rác chung và được thu dọn sau 24h.
Kinh phí thu gom CTRSH được các địa phương chi trả phù hợp với luật, theo hình thức khoán việc theo sự kiện. Một bộ phận chi trả theo m3 rác nhưng không phải là m3 rác đã được phân loại mà tính theo lượng rác chung, mức chi cao hơn chút so với quy định dao động từ 500.000 – 1 triệu đồng cho 1 ngày thu gom hoặc 1 m3 rác. 100% địa phương đều chỉ chi trả chi phí thu gom, còn chi phí vận chuyển CTRSH đến bãi trung chuyển hoặc xử lý CTRSH không thuộc ngành Thể thao quản lý mà do ngành môi trường chịu trách nhiệm.
Yếu tố ảnh hưởng đến công tác quản lý CTRSH tại các sự kiện TTQC từ góc độ của khán giả người dân và các VĐV.
Số người không phân loại CTRSH tại nguồn chiếm tỉ lệ rất cao từ 84.2% - 87.3%. Nguyên nhân chính là do đơn vị tổ chức không yêu cầu người tham gia sự kiện phân loại rác, tiếp đến do thùng chứa CTRSH không đủ, không phân thành các loại khác nhau, cũng như để nơi không thuận tiện cho khán giả, đồng thời đại đa số người tham gia sự kiện không phân biệt được các loại CTRSH cũng không được BTC hướng dẫn phân loại CTRSH.
Các khán giả người dân và VĐV có nhu cầu hỗ trợ thông tin phân loại CTRSH tại nguồn qua kênh truyền hình, truyền thanh hoặc qua bảng thông báo tại các cửa vào sự kiện; Kênh tình nguyện viên giúp đỡ tại các điểm gom CTRSH; Kênh thông tin qua mạng Internet cũng được lựa chọn. Ngoài ra có thể sử dụng thêm các kênh khác như xe thông tin lưu động về sự kiện; Tờ rơi và Thông tin trên vé vào cửa. Ngoài ra khán giả, VĐV mong muốn BTC trang bị đầy đủ mỗi vị trí 3 thùng rác với 3 màu khác nhau và có hướng dẫn về cách phân loại CTRSH; Thu gom và vận chuyển chất thải hợp vệ sinh, tuân thủ giờ và các kỹ thuật theo đúng quy định; Phổ biến, giám sát và xử phạt vi phạm pháp luật về quản lý CTRSH trong các sự kiện TTQC; Giáo dục nâng cao nhận thức, hướng đến hành vi thân thiện với môi trường cho cộng đồng; Phổ cập kiến thức cho cộng đồng và khán giả về phân loại CTRSH.
Tóm lại: Quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) trong các sự kiện thể thao quần chúng tại Việt Nam là một vấn đề cấp thiết nhằm giảm thiểu tác động môi trường và hỗ trợ phát triển bền vững, tạo tiền đề cho các sự kiện thể thao quần chúng trở nên xanh hơn.
Một chiến lược quản lý rác thải tốt sẽ là bước đầu cho việc triển khai các mô hình sự kiện thể thao xanh (green sports event), hướng tới việc giảm thiểu hoàn toàn chất thải và sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường. Điều cấp thiết hiện nay trong các phương án quản lý CTRSH trong các sự kiện thể thao quần chúng phải xuất phát trước hết từ những người tổ chức sự kiện với yêu cầu người tham gia phải phân loại rác, khuyến khích sử dụng vật liệu thân thiện môi trường trong các hoạt động của sự kiện. Các ban tổ chức cũng phải được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất trang thiết bị trong việc tuyên truyền, giáo dục người tham gia sự kiện theo lứa tuổi, giới tính nghề nghiệp, thu nhập…cũng như trang bị đủ cơ sở vật chất để lưu chứa CTRSH phát sinh và áp dụng công nghệ quản lý rác thải thông minh để xử lý.
Việc kết hợp giữa các biện pháp kỹ thuật, truyền thông, và hợp tác với các bên liên quan sẽ giúp quản lý chất thải rắn sinh hoạt hiệu quả, góp phần thúc đẩy phong trào "Thể thao Xanh" tại Việt Nam.
PGS.TS Đinh Khánh Thu